3 người bị chết, 35 người bị thương, thiệt hại về tài sản sơ bộ hàng trăm tỷ đồng sau bão số 10.
Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương cho hay, thiệt hại ban đầu được ghi nhận từ bão số 10 tại các tỉnh miền Trung cho thấy đã có 3 người bị chết, 35 người bị thương.
Cụ thể, 3 người chết ở tỉnh Quảng Bình do cột ăng ten phát sóng ở Tp. Đồng Hới gãy đè lên, là anh Lê Thanh Nghị sinh năm 1972; anh Nguyễn Chí Thành sinh năm 1973. Người còn lại là anh Hồ Trung Thuần sinh năm 1973, bị tường sập đè lên. Tỉnh Quảng Bình cũng là địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong cơn bão này với 13 người bị thương.
Về tài sản, 26 nhà bị sập ở huyện Minh Hóa và gần 90 ngàn ngôi nhà bị tốc mái ở các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Lệ Thủy, Minh Hóa, Thành phố Đồng Hới và huyện Tuyên Hóa.
3 trường học ở xã Trọng Hóa và Bệnh viện đa khoa cũng bị tốc mái. Trường Trung tâm chính trị huyện bị sập 100m hàng rào, 10.000 ha cây cao su bị gãy. Tàu đánh cá bị chìm và hư hỏng tại bến 28 cái và bị sóng đẩy lên bãi cát gây hư hỏng 12 tàu 90CV.
Cột ăng ten gẫy đổ làm 2 người thiệt mạng (Ảnh: Báo Quảng Bình)
Đường phố Quảng Bình tan hoang sau bão (Ảnh: Báo Quảng Bình)
Lợp lại mái nhà sau bão (Ảnh: Báo Quảng Bình)
Tỉnh Hà Tĩnh bị thương 3 người, 1.369 nhà bị sập, 12 điểm trường, 2 trạm y tế, 2 nhà văn hóa bị tốc mái, 203 nhà bị ngập, hàng trăm ha lúa, cây hoa màu và muối bị hư hỏng, ngập lụt.
Tỉnh Quảng Trị bị thương17 người. Gần 4.000 ngôi nhà bị sập, bị tốc mái, nhiều lều, chòi, trại chăn nuôi bị hư hỏng; 30 điểm trường học với hơn 200 phòng bị tốc mái, hư hỏng; 3 điểm bệnh viện, trạm y tế bị tốc mái, hư hỏng; 20 trụ sở công cộng khác bị tốc mái;
Tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại nặng về nông, lâm, ngư nghiệp với gần 6.900 ha cây cao su bị đổ gãy, 500 ha tiêu, 3.500 ha sắn, 2.000 ha hoa màu bị thiệt hại; 12.000 ha rừng, khoảng 10.000 cây và hơn 500 ha tôm bị thiệt hại;
Nhiều công trình thủy lợi ở xã Quảng Trị bị hư hỏng, nhiều cột cao thế và hạ thế bị nghiêng, đổ; đường dây cao thế, hạ thế bị đứt hơn 100 vị trí.
Tỉnh Thừa Thiên Huế bị thương 2 người. Gần 400 ngôi nhà bị sập, tốc mái, hàng trăm ha lúa, mía, cây hoa màu, đầm nuôi thủy hải sản bị thiệt hại.
Hiện, các tỉnh vẫn đang tiếp tục thống kê, cập nhật tình hình thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra, đặc biệt là tỉnh Quảng Bình, địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do là trung tâm của tâm bão số 10 quét qua với cường độ gió mạnh tới cấp 12, 13, giật cấp 14, 15 trong khoảng thời gian khá dài.
Trước mắt, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có kiến nghị hỗ trợ 25 tỷ đồng chia cho các khoản chi 5 tỷ khắc phục khẩn cấp đời sống nhân dân, nhà cửa bị sập, tốc mái; 10 tỷ khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ biển; 10 tỷ khắc phục bước đầu cơ sở hạ tầng.
Lại xuất hiện vùng áp thấp mới Trong khi các tỉnh miền Trung vừa tan hoang sau cơn bão mạnh số 10 thì Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, đã có dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 12 – 15 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp mới hình thành trên khu vực giữa Biển đông. Lúc 7h sáng nay (1/10) vị trí vùng thời tiết nguy hiểm này ở vào khoảng 12.5 – 13.5 độ vĩ Bắc, 111.5 – 112.5 độ kinh Đông nên khu vực Giữa và Nam biển Đông. Do đó, vùng biển trên, bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa có mưa rào và dông. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh.Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Giữa và Nam Biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. |