Rồi đây người vợ chặt xác chồng ở Bình Dương sẽ bị pháp luật trừng trị. Số phận chị ta có lẽ khó thể khác những kẻ cuồng ghen phạm tội tày trời tương tự, cực kì khó để dung thứ hay cảm thông. Nhưng con cái và người thân họ sẽ sống quãng đời còn lại đầy ám ảnh ra sao?
Hai đứa bé con của cả nạn nhân lẫn thủ phạm có lẽ đang sống những ngày khó khăn nhất của tuổi thơ. Cha mất bởi bàn tay mẹ và nếu may mắn cũng phải rất lâu nữa chúng mới cảm được hơi ấm thân mẫu mình.
Đối với người lớn, nghĩ tới hoặc thậm chí thảm cảnh lướt qua ký ức đã là một cực hình, huống hồ hằn sâu vào trí óc non nớt ấy. Tôi không cầu mong pháp luật tha thứ cho kẻ thủ ác nhưng tôi ước muốn người đời dung thứ những đứa trẻ.
Ảnh minh họa
Các em không có tội và vô cùng đáng thương, giờ đây cả hai phải được che chở bảo bọc kỹ càng hơn.
Chỉ một vài chỉ trỏ bàn tán, dù sau lưng hay trước mặt, xa hay gần… những tâm hồn non nớt ấy rất dễ tổn thương. Cơn cuồng ghen đã lấy mất lý trí của mẹ và tước đoạt mạng sống của cha đã đành. Lẽ nào những soi mói, bàn tàn cùng quá khứ đau thương lại theo các con đi suốt quãng đời bé thơ? Không làm gì được để nghịch cảnh đỡ đau lòng hơn, có lẽ cũng nên bớt chạm vào nỗi đau của trẻ.
Tôi đã từng chứng kiến cha mẹ vì thỏa mãn cái tôi và điên loạn trong cơn ghen đã kéo con cái vào cuộc, bắt chúng chứng kiến những khi chẳng còn nhận ra đấng sinh thành. Họ hành hạ nhau chưa đủ, thêm lôi con vào cuộc tưởng chừng khiến đối phương sẽ ê chề hơn nhưng mọi đau khổ lại trút lên mình và đổ lên đầu con cái.
Tôi chẳng dám khuyên răn ai và khi đã điên lên rồi chẳng ai nói trước điều gì. Tình vợ chồng có thể đứt đoạn và đường ai nấy đi nhưng con cái thì muôn đời vẫn mãi một tình thương.
Làm chúng đau lòng và tổn thương có khi chúng ta lại là người đau hơn. Lôi chúng vào cuộc chiến của nhau lại càng làm tổn thương hơn và có thể để lại “ vết sẹo” cho từng đứa bé. Có thể không thèm đếm xỉa đến nhau, chẳng cần tình xưa nghĩa trước nhưng con cái thì phải nghĩ đến tương lai của chúng các vị ạ! Như một cái cây, thời gian đầu được chăm bẵm tốt dễ tốt tươi thời gian còn lại. Cuộc đời con chúng ta cũng thế thôi. Không thể nào sống trong nỗi sợ hãi ba mẹ đòn ghen, thù oán và trả đũa nhau lại có cuộc đời tươi đẹp về cả tinh thần lẫn vật chất.
Bạn tôi, người đàn ông 45 tuổi giờ đây vẫn “xù lông nhím” mỗi khi ai đụng chạm đến mình. Có lúc anh tâm sự “ ngày cha mẹ bỏ nhau rồi liên tiếp là những xung đột cả bằng tay chân đã theo mình đến tận bây giờ. Khi ấy cả hai chăm chăm xem ai thắng chứ con cái lại xao lãng.
Riết rồi mấy anh em thu mình lại, tự chống chọi với đời cho tới bây giờ”. Tôi còn biết, cả ông lẫn bà sau những “tranh đấu” không ngừng nghỉ để xem ai hơn ai đều thấm mệt khi cuối đời không hạnh phúc, vì cô đơn và cả ngượng ngùng với con cái.
Khi cơn cuồng ghen qua đi, đối phương đã gục cả nghĩa đen lẫn bóng, người ở lại còn gì? Tôi không tin họ sẽ vui sống trong hả hê mà chỉ chắc rằng sẽ gặm nhấm nỗi buồn, hối hận, day dứt có khi nhiều hơn.
Nhưng đâu riêng gì họ, con cái vất vả nhọc nhằn trong lẫn lộn buồn chán, mặc cảm, đớn đau…Còn phạm trọng tội như người phụ nữ chặt xác chồng thì chỉ lương tâm trừng phạt cũng không yên ổn rồi. Tội vạ mẹ vào tù sẽ gánh, mất mát thể xác cha đã chịu và giờ đây ngoài đời quá nhiều điều tiếng, thiếu thốn sẽ theo chúng chưa biết đến bao giờ.
Hãy xem những vụ án mạng này như một lời cảnh tỉnh không chỉ cho những cơn ghen mà cả cho những đứa trẻ có thể bỗng dưng mất cha, xa mẹ và vật vã với cuộc đời…