Nếu trong thời gian tới, những sản phẩm có nguồn gốc thực vật của Trung Quốc nhập vào Việt Nam không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) thì Nafiqad sẽ kiến nghị cấm nhập khẩu những hàng hóa này.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) cho biết, nếu căn cứ trên Thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT về hướng dẫn việc kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, thì hàng hóa có nguồn gốc thực vật của Trung Quốc được Nafiqad công nhận tạm thời đến ngày 30-6.
Ông Tiệp cho biết, hiện phía Trung Quốc đã làm những thủ tục cần thiết để gia hạn thời gian được nhập khẩu những sản phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam sau khi hết hạn nói trên. Tuy nhiên, trong thời gian tới nếu Nafiqad phát hiện có lô hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì sẽ tiến đến cấm nhập khẩu mặt hàng đó để bảo vệ người tiêu dùng trong nước.
Theo điều 14 của Thông tư 13, nếu một mặt hàng nào đó bị nghi ngờ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi phát hiện một lô hàng vi phạm thì ngay sau đó cơ quan kiểm tra thuộc Nafiqad, Cục Bảo vệ thực vật sẽ có tần suất kiểm tra là 30%, và nâng lên tần suất kiểm tra 100% nếu phát hiện hai lô hàng kiểm tra liên tiếp vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong thời gian qua, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin củ gừng trồng ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc thường xuyên sử dụng loại thuốc trừ sâu không được dùng cho cây gừng. Củ gừng là một trong những mặt hàng nằm trong danh mục hàng hóa của Thông tư 13 với mã số 0910.
Hiện nhiều nước trên thế giới thường có lệnh cấm nhập khẩu một loại hàng hóa nào đó của nước khác, với mục đích để bảo vệ người tiêu dùng và ngành sản xuất trong nước, khi nước sở tại có dịch bệnh hay sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cụ thể, vào tháng 3-2012, do tình trạng dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra trên diện rộng ở Việt Nam, Tổng cục Kiểm nghiệm kiểm dịch và Giám sát chất lượng nhà nước Trung Quốc đã ra thông báo tạm dừng nhập khẩu những sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm và những sản phẩm hàng hóa cùng loại quá cảnh qua Việt Nam, nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng nội địa.
Hay như đầu tháng 5-2013, Cục nghề cá và nguồn lợi thủy sản Philippines (BFAR) có quyết định cấm nhập khẩu tôm sống và động vật giáp xác từ một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, vì lo ngại dịch bệnh hội chứng chết sớm trên tôm (EMS) ở một số quốc gia châu Á sẽ lây sang Philippines, làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chế biến tôm của Philippines.
Trước đó, vào trung tuần tháng 4-2013, Bộ Nông nghiệp Chăn nuôi Phát triển nông thôn Thủy sản và Thực phẩm Mexico (SAGARPA) cũng có lệnh cấm nhập khẩu tôm sống từ Việt Nam với lý do tương tự.
Theo Nafiqad, để bảo vệ người tiêu dùng và ngành sản xuất trong nước thì việc cấm nhập khẩu những sản phẩm ở một nước đang có dịch bệnh, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là chuyện bình thường.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), tổng giá trị rau quả nhập từ Trung Quốc trong quí 1-2013 là 32,7 triệu đô la Mỹ, giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm 2012 nhưng vẫn chiếm 53% giá trị hàng rau quả nhập khẩu của Việt Nam. Lý do giảm lượng nhập, theo Vinafruit, là do thời gian qua có nhiều thông tin người dân Trung Quốc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm, dùng nhiều loại hóa chất độc hại để bảo quản rau quả nên người tiêu dùng trong nước ngại dùng.