Sức gió của siêu bão Manyi là 198 km/h (cấp 16), gió giật 270 km/h (trên cấp 17) tối 16/11. Trong khi đó, sức gió mạnh nhất của bão Yagi khi vào Biển Đông trở thành bão số 3 lúc đạt cường độ đỉnh điểm là 195 km/h.
Sức gió của bão Manyi lên đến 235km/h
Bão Manyi trở thành siêu bão vào sáng 16/11. Theo hai cơ quan theo dõi bão uy tín là Trung tâm Cảnh báo bão liên hợp (JTWC) của Mỹ và Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), siêu bão Manyi đã mạnh hơn bão số 3 (siêu bão Yagi), trở thành cơn bão mạnh nhất châu Á năm 2024 tính đến thời điểm này, dù chưa được công bố chính thức.
Cụ thể, theo JTWC, sức gió của siêu bão Manyi chiều 16/11 là 260 km/h, cao hơn cấp 17 (202 - 220 km/h), còn bão số 3 lúc có cường độ cực đại thì sức gió đạt 235 km/h. Còn theo JMA, sức gió của siêu bão Manyi là 198 km/h (cấp 16), gió giật 270 km/h (trên cấp 17) tối 16/11. Trong khi đó, sức gió mạnh nhất của bão số 3 lúc đạt cường độ đỉnh điểm là 195 km/h.
Siêu bão Yagi đã gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng cho nước ta.
Chính quyền Philippines đã ra lệnh cho tất cả các tàu thuyền quay trở lại bờ và người dân ở các cộng đồng ven biển rời khỏi nhà hôm nay khi siêu bão Man-yi tiến gần đến quốc gia với dự báo sẽ mạnh lên trước khi đổ bộ vào đất liền. Khoảng 255.000 người đã phải sơ tán trước siêu bão Manyi,
Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo mực nước biển dâng cao với những nguy cơ nghiêm trọng. Nhiều chuyến bay nội địa đã bị hủy bỏ. Người dân được khuyến cáo nên cảnh giác vì cơn bão dự kiến sẽ gây ra lượng mưa lớn và làm mực nước ở đập dâng cao, gây thêm rủi ro cho các cộng đồng ở hạ lưu.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, đến 1 giờ sáng nay 17/11, siêu bão Manyi đang ở trên vùng biển phía Đông khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17. Tuy nhiên, các chuyên gia khí tượng nhận định sau khi đi vào Biển Đông vào ngày 18/11, bão Manyi sẽ bị khối không khí lạnh trên biển làm suy yếu khoảng 3 cấp.
Manyi là cơn bão thứ 6 ảnh hưởng đến Philippines chỉ trong vòng một tháng, theo cơ quan khí tượng nước này (PAGASA), khiến nhiều người dân thực sự kiệt sức vì bão. Mà bão Man-yi mạnh kinh hoàng nên ngày 16/11, các cơ quan chức năng ở Philippines đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp, đề nghị người dân ở các tỉnh thành ven biển và các vùng đất thấp nhanh chóng sơ tán. Ở một số tỉnh thành, cảnh báo cấp cao nhất đã được đưa ra.
Không khí lạnh là "khắc tinh" của bão
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tương tác của không khí lạnh và bão Manyi sẽ làm cho cường độ và hướng di chuyển của bão có nhiều thay đổi. Thời tiết của khu vực Biển Đông trong những ngày tới rất xấu, gió mạnh, sóng cao và biển động.
Dự báo từ chiều 17/11, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-13, giật cấp 16, sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão 5-7m; biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về dự báo khí hậu và cảnh báo thiên tai nhận định, chúng ta thật sự đã rất may mắn vì khối không khí lạnh duy trì lâu khiến nền nhiệt ven bờ ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ đang thấp hơn 26 độ C khiến bão bị suy yếu. Bên cạnh đó, áp cao cận nhiệt đới phía Tây Bắc áp xuống đang như một bức tường chắn bão và khối khí áp này sẽ duy trì tới 18/11 hoặc lâu hơn.
"Theo dõi bão dịp đầu tháng 11 này không đau tim như giai đoạn theo dõi Yagi vì hầu hết các cơn bão trong giai đoạn này đều đi vào những dãy núi cao, cây nhiều ở Luzon của Philippin. Chúng bị tường cây này khiến cho giảm cấp. Khi vào trong biển Đông khu vực gần bờ biển Việt Nam thì bị bức tường khí áp cao cận nhiệt đới và không khí lạnh chắn giữ, vì thế các cơn bão dù lớn cũng bị hóa giải", TS Nguyễn Ngọc Huy phân tích.
Chuyên gia nhận định, sự hình thành khối không khí lạnh và áp cao cận nhiệt đới là ngẫu nhiên và may mắn đã chặn được một số cơn bão mạnh. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải đề phòng những cơn bão sau đó đi vào biển Đông mà bức tường vô hình kia không còn ở đó.
Hàng năm, Philippines vẫn luôn hứng nhiều cơn bão nhưng tần suất dày đặc của các cơn bão liên tiếp hồi tháng trước đã khiến nỗ lực phục hồi của quốc gia Đông Nam Á này trở nên phức tạp. Hàng nghìn người vẫn đang vật lộn tại các điểm trú ẩn để bảo toàn tính mạng.
Trong năm nay, hàng triệu người ở Philippines bị ảnh hưởng nặng nề bởi 6 cơn bão liên tiếp đổ bộ trực tiếp vào đất liền. Các chuyên gia cảnh báo, Đông Nam Á vốn là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất khi khí hậu trên thế giới biến đổi. Nhiệt độ đại dương năm nay ấm kỷ lục đã cung cấp nguồn năng lượng khổng lồ để các cơn bão có xu hướng mạnh lên và phát triển.
Hiện tượng đại dương ấm hơn do con người đốt nhiên liệu hóa thạch được cảnh báo sẽ khiến nhiều cơn bão lớn xuất hiện vào cuối năm và trở nên phổ biến hơn trong tương lai.