Mưa ở Bắc Trung bộ và Bắc bộ từ ngày hôm nay (9/11) đến Thứ Hai (11/11) có thể lên đến 300 mm – 500 mm, các tỉnh miền Bắc cần hết sức lưu ý chống ngập, lũ.
8h sáng nay (9/11), Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tiếp tục có công điện khẩn gửi Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình và các tỉnh đồng bằng, miền núi Bắc bộ cùng cơ quan phòng chống lụt bão các Bộ, ngành.
Công điện nêu rõ, cơn bão số 14 đang di chuyển nahnh theo hướng giữa Tây và Tây Bắc, có khả năng đổi hướng di chuyển dọc theo các tỉnh Trung bộ và còn diễn biến phức tạp, gây gió mạnh và mưa, lũ đến các tỉnh Bắc bộ. Dự báo lượng mưa tại các tỉnh Bắc Trung bộ và Bắc bộ từ ngày 9/11 đến ngày 11/11 từ 300mm đến 500mm.
Do vậy, yêu cầu các tỉnh và cơ quan trên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên biển về bờ. Chủ động cấm biển và kiếm soát chặt chẽ toàn bộ tàu thuyền hoạt động ven biển, cửa sông, các tàu du lịch, vận tải. Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền, di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy sải, hải sản, tuyệt đối không để lại người trên lồng, bè.
Tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, công trình, kho tàng, bến bãi; rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán nhân dân vùng cửa sông, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở, nhà ở không đảm bảo an toàn. Chủ động cho học sinh nghỉ học, hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo chống bão, lũ.
Rà soát, kiểm tra và triển khai ngay các biện pháp bảo vệ đê điều, đập thủy lợi, thủy điện, thực hiện xả nước đón lũ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạ du; kiểm tra phương án thông tin cảnh báo, phương án sơ tàn dân vùng hạ du khi xả lũ.
Dự báo Hà Nội có thể ngập lụt nặng vì siêu bão (Ảnh minh họa: Khampha.vn)
Các tỉnh miền núi phía Bắc triển khai và rà soát ngay các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống để chủ động sơ tán, di dời dân đảm bảo an toàn.
Theo dõi chặt chẽ diễn bién bão, mua, lũ sau bão; triển khai phương án chủ động tiêu thoát nước đô thị tại các thành phố lớn; chủ động tiêu úng ở các vùng trũng thấp và có biện pháp chống ngập để bảo đảm sản xuất hoa màu vụ Đông.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu; chuẩn bị lực lượng, phương tiện để hướng dẫn và kiếm soát giao thông tại các tuyến đường bị ngập sâu, khu vực ngầm tràn qua sông, suối đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Sáng nay, theo tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên có 114 hồ chứa có hiện trạng yếu cần lưu ý về an toàn trong mùa mưa bão, trong đó nhiều hồ có đập bị thấm mạnh, tràn xả lũ bị vỡ lở xuống cấp như Hồ Đồng Bể (Thanh Hoá), Khe Sặt, Thanh Thủy (Nghệ An), Đập Họ, Vực Rồng (Hà Tĩnh), Tôn Dung, Đá Bàn (Quảng Ngãi); Kim Sơn, Mỹ Đức, Hội Khánh (Bình Định).
Các tỉnh Tây Nguyên và Tổng công ty Cà phê có 51 hồ chứa có hiện trạng yếu, trong đó nhiều hồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão, như : Đắk Hnia, Đắk Hniêng (Kon Tum), Đội 4, Hà Tam (Gia Lai), Đội 14(Đắk Lắk), Thôn 2 (Lâm Đồng)...
Haiyan đã trở thành một trong những cơn bão mạnh nhất trên trái đất, có lúc mạnh tới cấp 17, giật trên cấp 17, vượt tất cả các cấp trong các thang đo bão của các cơ quan dự báo trên thế giới. Hôm qua, (8/11), siêu bão này đã đổ bộ vào Philippin, phá hủy tới 90% cơ sở hạ tầng mà nó càn quét. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận định: Bão Hải Âu có cấp gió lớn nhất từ trước đến nay, di chuyển rất nhanh, diễn biến phức tạp và hướng đi dự báo vào các tỉnh miền Trung. Cả hệ thống chính trị, từ Trung ương tới cơ sở phải vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, bằng mọi biện pháp có thể giảm thấp nhất thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân. Dự báo ngày mai (10/11), siêu bão cập bờ biển các tỉnh Bình Định – Quảng Trị sau đó đổi hướng và đi dọc theo các tỉnh Trung Bộ, tiến lên các tỉnh khu vực các tỉnh Bắc Trung bộ. Xem thông tin về "Bão số 14" tại Eva.vn |