Để tránh tình trạng phân biệt đối xử giữa 2 đứa trẻ, luật không cho phép các cặp vợ chồng sinh con đầu bị dị tật, sau đó lại nhờ mang thai hộ.
Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi, chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo từ ngày 1/1/2015, tuy nhiên tính đến thời điểm này, số lượng hồ sơ đăng ký mang thai hộ vẫn còn rất hạn chế.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đó chính là nhiều cặp vợ chồng chưa hiểu về điều luật này, cũng như chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về thủ tục giấy tờ khi làm hồ sơ.
Để làm rõ hơn thắc mắc của các cặp vợ chồng muốn nhờ người mang thai hộ, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với TS Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) về vấn đề này.
- Thưa ông! Hiện nay các cặp vợ chồng có nhu cầu muốn nhờ người mang thai hộ thì phải chuẩn bị những thủ tục nào?
- Trong luật Hôn nhân gia đình có quy định rất rõ, việc mang thai hộ phải vì mục đích nhân đạo. Theo đó, quy định về điều kiện các cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và điều kiện của người mang thai hộ rất chặt chẽ. Hồ sơ nhờ mang thai hộ đó phải đáp ứng đầy đủ theo đúng hướng dẫn tại Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP.
Sinh con bị dị tật không được phép nhờ mang thai hộ (Ảnh minh họa).
Ví dụ như hồ sơ nhờ mang thai hộ, trong đó người vợ không tự mang thai được thì phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có xác nhận rõ ràng về việc người phụ nữ này không có tử cung, hoặc vì nguyên nhân nào đó nên phải cắt tử cung hoặc đã bị sảy thai liên tiếp không thể mang thai được…
Ngoài ra, cặp vợ chồng đó phải chưa có con, nếu đã có con nhưng sau đó không mang thai được thì thôi chứ không được làm hồ sơ. Đối với trường hợp này, yêu cầu phải có giấy xác nhận chưa có con. Giấy xác nhận đó do UBND xã chứng nhận căn cứ vào hộ tịch.
Một vấn đề nữa là, các cặp vợ chồng muốn được nhờ người mang thai hộ thì phải tìm được người mang thai hộ cho mình. Để tránh việc đẻ thuê, mang thai hộ vì mục đích thương mại thì phải có hồ sơ 3 đời họ hàng tức là con cô, con cậu, con chú, con bác, con dì… muốn biết được điều đó thì UBND cấp xã cũng phải xác nhận người mang thai hộ cùng hàng với bên chồng hoặc bên vợ.
Trong trường hợp không xác nhận được thì phải tự chứng minh trên cơ sở gia phả dòng họ. Tóm lại là hồ sơ của người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ phải rõ ràng. Điều này để tránh tình trạng đẻ thuê mang tính chất thương mại.
Không chỉ có vậy, người mang thai hộ cũng phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về sức khỏe và phải có giấy tờ chứng minh đã có một đứa con, điều này cũng xác minh qua giấy khai sinh đứa con của người mang thai hộ do UBND xã chứng nhận.
Người mang thai hộ phải là phụ nữ đã kết hôn. Nhưng trong trường hợp người này đã ly hôn (trường hợp này không cần người chồng đồng ý) mà người mang thai hộ phải trình giấy đã ly hôn. Nếu không thì phải có giấy cam kết và được sự đồng ý của người chồng.
Thực chất, mang thai hộ là vấn đề hết sức phức tạp về mặt tâm lý, y học và pháp luật nên người mang thai hộ cần phải được tư vấn về pháp lý, y học và tâm lý.
Điều này để tránh kiện cáo sau này, ví dụ khi đẻ con ra, nhưng người giúp mang thai hộ đó chẳng may băng huyết tử vong và đứa con tử vong theo hoặc người mang thai hộ chết, đứa con không chết …thì phải giải quyết thế nào?
Đối với những trường hợp đó thì phải có cơ chế về mặt pháp lý để giải quyết, cơ chế đó nằm trong hợp đồng dân sự, được ký kết giữa cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ để ràng buộc quyền pháp lý có thể nảy sinh trong quá trình mang thai và sinh nở.
- Có một vấn đề được nhiều người quan tâm đó là người vợ hoặc người chồng không có trứng hoặc không có tinh trùng thì việc mang thai hộ sẽ như thế nào?
Luật hiện này chỉ quy định, cặp vợ chồng đó phải có trứng (noãn) và tinh trùng được tạo thành phôi của chính cặp vợ chồng đó, nhưng do người vợ không có khả năng sinh sản nên phải nhờ người khác mang thai hộ.
Tức là đứa con đó là đứa con sinh học, nhưng được hình thành từ trứng của người vợ và tinh trùng của người chồng, chỉ như vậy pháp luật mới thừa nhận và cho phép. Nếu không thì phải thực hiện kỹ thuật khác như thụ tinh trong ống nghiệm.
- Vậy, trong trường hợp đứa con đầu tiên bị thiểu năng trí tuệ hoặc dị tật bẩm sinh …mà người mẹ không thể mang thai được nữa thì luật có cho phép mang thai hộ không?
Trong trường hơp này Luật Hôn nhân và Gia đình không cho phép, lý do là cặp vợ chồng đó đã có con, mặc dù bị tật nguyền nhưng do cặp vợ chồng đó sinh ra và mang nguồn gen của cặp vợ chồng đó, người vợ đã 1 lần sinh nở thì luật không cho phép.
Bởi đứa con đó dù có bị tật nguyền cũng do mình đẻ ra, nếu mang thai hộ sinh ra một đứa trẻ khác, khi đứa trẻ đó ra đời thì lo ngại sẽ có sự phân biệt đối xử giữa 2 đứa trẻ trong gia đình. Điều này xuất phát hoàn toàn là mục đích nhân đạo.
- Hiện nay, quy trình xác minh và sàng lọc hồ sơ mất rất nhiều thời gian. Như vậy, nhiều người lo ngại sẽ quá tuổi cho phép mang thai hộ? Ông giải thích như thế nào về vấn đề này?
Luật chỉ quy định độ tuổi tối thiểu đối với phụ nữ khi mang thai hộ là 18 tuổi, chứ không quy định tuổi tối đa khi mang thai hộ. Lý do không quy định tuổi tối đa vì hiện nay về mặt sinh lý phụ nữ đã có một số thay đổi.
Ví dụ trước đây độ tuổi mãn kinh của người phụ nữ khoảng ngoài 40 nhưng hiện nay tuổi mãn kinh nới rộng sang tuổi 53, 54. Nên Luật dành quyền đó cho các bác sĩ, trung tâm hỗ trợ sinh sản khi họ xét nghiệm, khám nếu thấy trứng và tinh trùng của người đó chất lượng, có thể mang thai được thì họ sẽ cho tiến hành và họ phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
-Xin cảm ơn ông!