Sau khi có kết quả khám sàng lọc, nhiều phụ huynh giật mình khi biết con mình mắc bệnh về đường sinh dục, lúc đó họ mới đưa con đi khám và chạy chữa khắp nơi.
Như chúng tôi đã đưa tin, trong tháng 5 vừa qua, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tổ chức “Chương trình sàng lọc các chỉ số phát triển, sàng lọc khiếm thính, sàng lọc phát hiện các bất thường bộ phận sinh dục ở trẻ trai tuổi đầu đời tại các trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn quận năm 2016”, chương trình này được thực hiện thăm khám tại 35 trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Kết quả khám sàng lọc cho thấy, tổng số trẻ tham gia sàng lọc là 2675 trẻ, trong đó chỉ có 1023 trẻ phát triển bình thường (chiếm 38,24%); 465 trẻ (chiếm 17,38%) cần chú ý vấn đề vệ sinh hàng ngày do dính, bán dính bao quy đầu, viêm nhiễm; 1187 trẻ (chiếm 42,29%) cần can thiệp chuyên khoa ở các dạng khác nhau.
Đặc biệt, trong số 1187 trẻ cần can thiệp chuyên khoa này thì có 56 trẻ cần can thiệp càng sớm càng tốt. Lý do vì 56 trẻ này thiếu tinh hoàn, cá biệt có 16 trường hợp thiếu cả hai bên tinh hoàn.
Bố mẹ đang đưa con đến để đăng ký nghe tư vấn và khám sàng lọc. Ảnh: Trung tâm Dân số và KHHGĐ quận Hoàn Kiếm.
Trước thực tế trên, không ít ý kiến cho rằng, các bậc phụ huynh đang thờ ơ với việc chăm sóc “vùng kín” cho con mình. Thậm chí nhiều người còn cho rằng bố mẹ đang tự biến con mình thành “thái giám”, vì sau khi phát hiện có những bất thường ở bộ phận sinh dục, các bác sĩ có đặt lịch hẹn khám lại nhưng nhiều bậc phụ huynh đã không đến.
Bàn về vấn đề này, bà Trương Thị Kim Hoa – Giám đốc Trung tâm Dân số và KHHGĐ quận Hoàn Kiếm cho biết, thực chất chúng ta khó có thể kết luận được phụ huynh đang thờ ơ khi phát hiện ra con mình mắc các bệnh hay triệu chứng cảnh báo về đường sinh sản sau này. Có thể sau khi được khám sàng lọc, phát hiện ra và họ đi bằng nhiều nguồn khác nhau.
“Ví dụ như có nhiều trường hợp, sau khi khám sáng lọc theo chương trình do Trung tâm GDSKSS Hoàn Kiếm thực hiện, biết kết quả như vậy, họ đi khắp nơi để can thiệp, nhưng cuối cùng vẫn phải quay lại chỗ tôi để hỏi xem cần phải làm gì và can thiệp như thế nào”, bà Hoa chia sẻ.
Theo vị giám đốc này, với những kết quả của đợt khám sàng lọc vừa qua, trong thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục xin ý kiến của lãnh đạo quận Hoàn Kiếm và làm rộng hơn về lứa tuổi cho các cháu. Không chỉ có vậy, Trung tâm sẽ mở rộng đối tượng tư vấn không chỉ là các thầy cô giáo trong các nhà trường mà cả các bậc phụ huynh.
“Thực chất, khi chúng tôi làm chương trình, có nhiều trường hợp bố mẹ khi đưa con đến, họ cũng kết hợp đưa cả đứa lớn đứa bé đến để kiểm tra và khi hỏi thì họ cho biết cũng quan tâm, nhưng cái chúng tôi mong muốn là tỷ lệ các bậc phụ huynh quan tâm đó là phải cao hơn.
Hay có những em bé, khi khám sau phát hiện em bị thoát vị bẹn và chúng tôi mong muốn sau khi tư vấn và các em đó phải được can thiệp ngay vì càng để lâu càng để lại những hậu quả nặng nề với trẻ. Nhưng nhận thức của các ông bố thì hoàn toàn thờ ơ, không quan tâm gì đến vấn đề đó, mặc dù chúng tôi đã giải thích tư vấn rất nhiều nhưng dường như nhiều bậc phụ huynh mặc định nó phải như thế.
Tôi cũng phải nói rằng, việc khám sàng lọc của chúng tôi chỉ mang tính tham khảo và bước đầu, đồng thời từ đó có những chỉ dẫn, tư vấn đối với các bậc phụ huynh để họ đưa con đi khám và toàn bộ kết luận hay can thiệp thuộc về các bác sĩ”, bà Hoa nói.
Cuối cùng, bà Hoa mong muốn: “Qua những buổi khám sàng lọc và tư vấn, chúng tôi rất mong muốn các bậc phụ huynh hãy thay đổi nhận thức, không phải chỉ bé gái mới cần chăm sóc, còn bé trai thì kệ. Bố mẹ hãy hiểu rằng, khi sinh con ra là trai, nhưng nếu không kiểm tra, vệ sinh hoặc phát hiện muộn thì có thể trẻ sẽ bị khiếm khuyết hoặc quá muộn khi phát hiện ra bệnh”.