Những tuần vừa qua, tại BV Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, số bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết tăng đột biến. Hiện tại, số bệnh nhân sốt xuất huyết chiếm đến 85-90% ca bệnh đang điều trị tại đây.
Tại Khánh Hòa, tình hình dịch sốt xuất huyết hiện nay diễn biến rất phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm. Dù cho công tác phòng và chống dịch vẫn được các cơ quan chức năng triển khai thường xuyên nhưng muỗi vằn vẫn sinh sôi nảy nở. Nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề muỗi vằn kháng thuốc ở Khánh Hòa rộ lên khiến không ít người hoang mang.
Sốt xuất huyết tăng do muỗi kháng thuốc?
Tại BV Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, những tuần vừa qua, số bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết tăng đột biến. Hiện tại, số bệnh nhân sốt xuất huyết chiếm đến 85-90% ca bệnh đang điều trị tại đây.
Bác sĩ Nguyễn Đông (Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa) cho biết bệnh viện hiện có 70 giường, số ca điều trị sốt xuất huyết gấp nhiều lần số giường đang có. Nhằm tránh tình trạng bệnh nhân nằm đôi, nằm ba, bệnh viện đã vận động từ các nguồn kê thêm 34 giường bệnh, trang bị thêm 20 giường xếp, nâng tổng số giường lên 124 giường nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân.
Theo thông tin của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 5.500 ca sốt xuất huyết, 319 ổ dịch, tăng gấp hơn 5 lần so với cả năm 2014, trong đó có 2 ca tử vong và 170 ca bệnh nặng. Dịch đang ở tình trạng báo động, có nguy cơ bùng phát thành đại dịch lớn.
Bệnh viện đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa
Từ khi sốt xuất huyết bùng phát, ngành y tế tỉnh Khánh Hòa đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng chống, trong đó có việc tăng cường phun hóa chất diệt muỗi. Tại những nơi xuất hiện ổ dịch mới, công tác phun hóa chất diệt muỗi vằn được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, một số hộ dân lại cho rằng, sau khi đã được phun thuốc muỗi vẫn sinh sôi và không có dấu hiệu thuyên giảm.
Thông tin muỗi kháng hóa chất nhanh chóng lan rộng song cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Trên địa bạn tỉnh Khánh Hòa, tất cả địa điểm xịt thuốc diệt muỗi vằn đều được dùng chung một loại thuốc. Câu hỏi đặt ra là, tại sao có nơi muỗi chết, nơi lại không khi cùng dùng 1 loại thuốc, muỗi vằn kháng thuốc có phải là nguyên nhân gia tăng ca sốt xuất huyết hay do nguyên nhân nào khác.
Để làm rõ thực hư sự việc muỗi vằn ở Khánh Hòa có thực sự kháng thuốc đang sử dụng hay không, Viện Pasteur Nha Trang đã thực hiện thử nghiệm sinh học ngoài thực điạ với tất cả những loại thuốc đang xử dụng tại Khánh Hòa. Trong điều kiện phù hợp, kỹ thuật phun, thời điểm phun, thời gian phun, độ nhạy của thuốc là 97%. Như vậy, thông tin gây xôn xao việc muỗi vằn kháng thuốc là không chính xác. Với tất cả các hóa chất đang xử dụng trên địa bàn Khánh Hòa đều cho tác dụng tốt.
Tuy nhiên thực tế khi xịt thuốc tại các địa phương, tùy địa điểm lại có độ nhạy khác nhau, có nơi 75%, có nơi độ nhạy của thuốc chỉ đạt 30-40%.
Khánh Hòa “loay hoay” không dập nổi dịch
Theo nghiên cứu của Viện Pasteur Nha Trang, việc muỗi kháng thuốc là không hề có. Nguyên nhân muỗi vẫn sinh sôi nảy nở có thể do cách phun thuốc chưa đạt hiệu quả.
Ngày 20/10 vừa qua, người dân Nha Trang bức xúc vì một xe xịt thuốc phòng chống sốt xuất huyết chạy giữa đường và phun thuốc loạn xạ. Cách phun thuốc cẩu thả và không thông báo trước cho người dân biết ngày và giờ xịt để họ chuẩn bị phần nào cũng nói lên cách làm chưa khoa học của những người làm công tác này.
Trao đổi với những bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại BV Nhiệt đới Khánh Hòa, hỏi về những tờ rơi tuyên truyền sốt xuất huyết, đa số họ đều lắc đầu không biết. Một người nhà của bệnh nhân cho biết: “Cán bộ ý tế đi dập dịch đến tận nhà nhưng chủ yếu là hỏi thăm rồi xem qua loa những nơi đọng nước có nguy cơ có bọ gậy, lăng quăng chứ không mang theo dụng cụ hoặc phương tiện chuyên môn nào”.
Hiện tại, thời tiết Khánh Hòa mưa nắng thất thường, đây chính là nguyên nhân cho muỗi vằn sinh sôi nảy nở. Nhiều vật liệu phế thải, dụng cụ có thể chứa nước (lốp xe, máng cho gà uống nước, chum, chai, lọ bể…) tại các gia đình và khu vực công cộng sẽ là nơi sinh sản, phát triển của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Đa số người dân còn lơ là, chủ quan, không chủ động thực hiện diệt bọ gậy mà ỷ lại vào sự làm thay của cán bộ y tế. Ý thức của người dân chưa tốt cũng chính là nguyên nhân gây dịch sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu giảm.
Đây không còn là lúc đùn đẩy trách nhiệm cho ai, tổ chức hay cá nhân nào. Mọi người đều cần chung tay, góp sức đẩy lùi dịch sốt xuất huyết đang hoành hành bằng những việc làm thiết thực nhất. Có như vậy tình hình nhiễm sốt xuất huyết mới mong giảm đi được.