Theo Bộ Quốc phòng, hai máy bay gặp nạn mặc dù đã sử dụng nhiều năm nhưng vẫn đang còn trong niên hạn sử dụng.
Trước đó, hôm 16.4, trong lúc bay diễn tập, hai máy bay tiêm kích Su-22 bị rơi gần đảo Phú Quý, vùng biển tỉnh Bình Thuận. Công cuộc tìm kiếm lập tức diễn ra sau đó, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thấy tung tích về hai phi công lái hai máy bay Su-22.
2 máy bay gặp nạn mặc dù đã sử dụng nhiều năm nhưng vẫn đang còn trong niên hạn sử dụng (Ảnh minh họa)
Ngày 25.4, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.2015, sau khi nghe Bộ Quốc phòng báo cáo về việc 2 máy bay Su22-M4 thuộc sư đoàn Không quân 370 bị nạn trên vùng biển tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục tập trung tổ chức tìm kiếm cứu nạn. Thủ tướng cũng yêu cầu điều tra, xác minh nguyên nhân tai nạn.
Theo Bộ Quốc phòng, 2 máy bay gặp nạn mặc dù đã sử dụng nhiều năm nhưng vẫn đang còn trong niên hạn sử dụng, công tác đảm bảo kỹ thuật hàng năm vẫn được thực hiện đầy đủ theo quy định.
Trước đó, thông tin từ Bộ Quốc phòng cho biết lúc 11 giờ 45 phút ngày 16.4, hai máy bay Su-22 của Trung đoàn 937, thuộc Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân) bay huấn luyện, bài bay công kích, bổ nhào, cơ động phức tạp, đường bay Phan Rang - Mũi Rinh, Phú Quý, Bình Thuận đã bị mất liên lạc với sở chỉ huy.
Hai phi công gặp nạn gồm: Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), lái máy bay Su-22, số hiệu 5857, cấp bậc Trung tá, chức vụ Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Sư đoàn 370 và Phi công Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3) điều khiển máy bay Su-22, số hiệu 5863, cấp bậc Đại úy, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370.
Đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng chỉ mới tìm thấy một số mảnh vỡ của 2 máy bay gặp nạn gần đảo Phú Quý.