Thi thể của 9 nhà leo núi được phát hiện trong những tình trạng thương tích khác nhau khiến vụ việc trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất lịch sử.
Ngày 4/2/2019, các công tố viên Nga tuyên bố mở lại cuộc điều tra về sự cố đèo Dyatlov. Đây là một trong những bí ẩn khó hiểu nhất trong thời kỳ hiện đại.
Vào tháng 1/1959, Igor Dyatlov, khi ấy 23 tuổi, là sinh viên kỹ thuật radio tại Viện Bách khoa Ural, ngày nay là trường ĐH Liên bang Ural. Igor là một người đi bộ đường dài và trượt tuyết ưu tú. Anh đã tập hợp một nhóm gồm 9 sinh viên khác tham gia vào chuyến thám hiểm kéo dài 16 ngày qua dãy núi Bắc Ural của Otorten và Kholat Syakhl.
8 chàng trai và 2 cô gái đều có chứng nhận đi bộ đường dài Hạng II với kinh nghiệm trượt tuyết. Nếu hoàn thành chuyến thám hiểm sắp tới, họ sẽ nhận được chứng nhận cao nhất thời bấy giờ của Liên Xô là Hạng III.
9 trong số 10 nhà leo núi đã bỏ mạng trong cuộc thám hiểm.
Hành trình bắt đầu
Sáng sớm ngày 25/1/1959, nhóm đi tàu hỏa đến thị trấn Ivdel, sau đó bắt xe tải đến Vizhai. Đây là khu định cư cuối cùng trước khi bắt đầu đi bộ. Tại đây, họ mua những ổ bánh mì để bổ sung vào nguồn lương thực mang theo.
Ngày 27/1, họ bắt đầu chuyến đi. Ngày hôm sau, một người trong nhóm là Yuri Yudin phàn nàn về cảm giác không khỏe và đã quay trở lại Vizhai, 9 người còn lại tiếp tục hành trình. Họ bao gồm Igor Dyatlov ,23 tuổi, Yuri Doroshenko, 21 tuổi, Lyudmila Dubinina, 20 tuổi, Yuri Krivonischenko, 23 tuổi, Alexander Kolevatov, 24 tuổi, Zinaida Kolmogorova, 22 tuổi, Rustem Slobodin, 23 tuổi, Nikolai Thibeaux-Brignolles, 23 tuổi và Semyon Zolotaryov, 38 tuổi.
Đèo Dyatlov
Ngày 31/1, cả nhóm đến một thung lũng cây. Tại đây, họ lưu trữ thức ăn và thiết bị để sử dụng trong lượt về. Ngày hôm sau, tức 1/2, họ bắt đầu di chuyển qua con đèo mà sau này được gọi là đèo Dyatlov. Từ những gì thu thập được trong máy ảnh và nhật ký của các thành viên đoàn thám hiểm, các nhà điều tra có thể xác định được nhóm hy vọng hạ trại đêm đó ở phía bên kia đèo.
Căn lều của đoàn thám hiểm bị xé toạc.
Tuy nhiên, trong ngày hôm đó, bão tuyết ập đến và nhóm đi về phía tây, cuối cùng dừng lại ở đỉnh núi Kholat Syakhl. Trong ngôn ngữ của người bản địa, Kholat Syakhl có nghĩa là "Ngọn núi chết". Thay vì đi xuống phía dưới chân núi tới khu vực có rừng, họ lại chọn hạ trại ở sườn núi. Nhiệt độ đêm đó rất lạnh, từ -25 đến -30 độ C và cả nhóm dùng chung một chiếc lều lớn.
Bức điện tín quá chậm
Dyatlov đã bàn trước với Yuri Yudin là anh sẽ gửi một bức điện tín một khi cả nhóm quay trở lại Vizhai nhưng không có bức điện nào đến vào ngày thỏa thuận hay trong những tuần sau đó. Vì vậy, Yuri đã đi báo chính quyền. Người đứng đầu Viện Bách khoa Ural đã tập hợp một nhóm cứu hộ bao gồm các sinh viên và giáo viên. Sau những gì họ tìm thấy, quân đội Liên Xô cũng tham gia.
Ngày 26/2/1959, những người cứu hộ từ Viện Bách khoa Ural đã tìm thấy lều của nhóm Dyatlov. Nó bị cắt làm đôi, nhưng là từ bên trong. Trong lều là đồ đạc của nhóm, trong đó có cả giày của họ. Ngoài lều là 9 dấu đôi chân do những người chỉ mang tất, mang một chiếc giày hoặc đi chân trần tạo thành.
Thi thể của một nạn nhân vùi trong tuyết.
Những nhân viên cứu hộ đi theo 9 dấu chân ấy, một số dẫn xuống phía mép rừng cách túp lều 1,5km về phía đông bắc. Ở bìa rừng, dưới một cây thông lớn, lực lượng cứu hộ tìm thấy những gì còn lại của một đám lửa nhỏ và những thi thể không mang giày của Krivonischenko và Doroshenko. Họ chỉ mặc đồ lót.
Phía trên các thi thể, những cành thông bị gãy dài khoảng 5m. Điều này cho thấy một trong hai người đàn ông này đã trèo lên cây để nhìn thứ gì đó, có lẽ là căn lều. Giữa cái cây và căn lều là 3 thi thể nữa của Dyatlov, Kolomogorova và Slobodin. Họ nằm cách nhau mỗi người vài trăm mét.
Đội cứu hộ đã không tìm thấy 4 thành viên còn lại của đoàn thám hiểm cho tới ngày 4/5. Họ nằm cách cây thông 75m, phía sâu trong rừng. 3 trong số 4 người mặc quần áo nhiều hơn những người khác và có dấu hiệu cho thấy khi mỗi người chết đi, quần áo của họ đã bị những người còn sống chiếm lấy. Chân của Dubinina quấn trong mảnh quần len của Krivonischenko. Zolotaryov mặc áo khoác và đội mũ của Dubinina.
Những chấn thương không thể lý giải
Mãi cho đến khi việc khám nghiệm tử thi của tất cả các thành viên được thực hiện, mọi thứ mới chuyển sang hướng kỳ lạ. Thibeaux-Brignolles bị vỡ xương sọ. Lyudmila Dubinina và Semyon Zolotaryov bị gãy xương lồng ngực nhưng không thi thể nào có dấu hiệu bị chấn thương từ bên ngoài. Bác sĩ cho biết để bị gãy xương như vậy, họ phải chịu một lực tương đương với lực đâm xe.
Những thi thể co quắp vì tuyết lạnh.
Một thi thể bị ngoại thương là Dubinina. Cô bị mất mắt, lưỡi, một phần môi, một phần mặt và một mảnh xương sọ. Da ở tay của cô cũng bị cắt mất. Thi thể của Alexander Kolevatov thì không có vết thương nào.
Các nhà chức trách ban đầu cho rằng nhóm này bị người dân bản địa trong khu vực, người Mansi tấn công. Tuy nhiên, người ta chỉ phát hiện dấu chân của những nhà leo núi trên tuyết và không có thi thể nào cho thấy dấu hiệu vật lộn. Một câu hỏi hóc búa là tại sao các thành viên đoàn thám hiểu lại chỉ mặc đồ một phần và tại sao họ lại chỉ mang tất hoặc đi chân trần chạy vào tuyết?
Cuộc điều tra chính thức về những cái chết cho thấy: 6 thành viên trong nhóm đã chết vì hạ thân nhiệt trong khi 3 người bị thương nặng. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, không có người nào khác ở Kholat Syakhl ngoài nhóm của Dyatlov. Tất cả các thành viên đoàn thám hiểm đã chết sau 6-8h sau khi ăn bữa ăn cuối cùng. Có 3 vật phẩm khác nhau được tìm thấy trên hai thi thể bị nhiễm phóng xạ.
Cuộc điều tra chính thức kết luận rằng cái chết của những nhà leo núi là do "một lực lượng tự nhiên hấp dẫn". Theo hãng thông tấn AFP, các kết quả điều tra vẫn được coi là thông tin mật cho đến những năm 1970.
Nguyên nhân cái chết của 9 nhà thám hiểm vẫn còn là bí ẩn cho tới ngày nay.
Khi mở lại cuộc điều tra về sự cố vào tháng 2/2019, CNN đưa tin rằng chỉ có 3 lời giải thích khả thi đang được xem xét đó là một trận lở tuyết, lở phiến tuyết hoặc một cơn bão.
Tuy nhiên, lời giải thích tuyết lở đã bị bác bỏ bởi trong thực tế, không có dấu hiệu nào cho thấy khu vực này xảy ra lở tuyết. Các thi thể được tìm thấy trong vòng 10 ngày sau sự cố bị vùi một lớp tuyết rất mỏng. Kể từ sau sự cố, hơn 100 chuyến thám hiểm đã diễn ra tại khu vực này và chưa từng ghi nhận có lở tuyết. Alexander Zolotaryov khi đó đang học thạc sĩ về hướng dẫn trượt tuyết và leo núi. Cả anh và Dyatlov không thể cắm trại ở bất cứ đâu trên con đường có khả năng xảy ra lở tuyết.
Sau vụ tai nạn, con đèo được đặt tên là đèo Dyatlov để vinh danh nhóm. Tại nghĩa trang Mikhajlov ở Yekaterinburg, một tượng đài đã được dựng lên để tưởng niệm 9 sinh viên.
Vào năm 1990, Russian Anatoly Gushchin đã xuất bản một cuốn sách về sự cố có tên "Cái giá của những bí mật nhà nước là 9 sinh mạng", đặt ra giả thuyết rằng cái chết kỳ dị của đoàn thám hiểm có liên quan đến vụ thử vũ khí bí mật của Liên Xô. Năm 2013, bộ phim "Sự cố đèo Dyatlov" ra đời và vào năm 2015, ban nhạc Kauan của Nga đã ra album Sorni Nai để tái tạo lại những sự kiện dẫn đến vụ việc bí ẩn này.