Đó là tâm sự của chị Phạm Thị Hiền, Trưởng nhóm Vì ngày mai tươi sáng (Bắc Ninh) trong buổi Lễ mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS.
Ngày 29/11, tại tỉnh Bắc Ninh, Bộ Y tế đã phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS HCM và UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức lễ mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2015.
Buổi lễ đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của quần chúng nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đại dịch HIV/AIDS vẫn đang tiếp tục là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và trật tự an toàn xã hội, tương lai giống nòi của các dân tộc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi lễ.
Theo GS Long, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 260.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng, chỉ có khoảng 78% trong số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của họ. Trong lĩnh vực điều trị, tính đến tháng 9/2015, toàn quốc có hơn 120.000 bệnh nhân (cả người lớn và trẻ em) đang được điều trị ARV, tỷ lệ người nhiễm HIV đang điều trị ARV mới đạt 45% số người nhiễm được phát hiện.
“Hiện nay, tình hình lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Mỗi năm, nước ta vẫn có khoảng hơn 10.000 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện, HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam.
Sự quay quay trở lại của đại dịch HIV/AIDS vẫn đang hiện hữu khi mà nguồn lực đầu tư cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS đang giảm xuống, đặc biệt là nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm mạnh; các biện pháp can thiệp giảm tác hại chưa được triển khai đủ mạnh trên diện rộng; tình trạng phân biệt đối xử vẫn còn; HIV/AIDS chưa được quan tâm đúng mức”, GS Long thông tin thêm.
Chị Hiền thay mặt cho những người nhiễm HIV chia sẻ tâm tư nguyện vọng của mình.
Cũng tại buổi lễ này, đại diện cho những người nhiễu HIV tại tỉnh Bắc Ninh, chị Phạm Thị Hiền, Trưởng nhóm Vì ngày mai tươi sáng (Bắc Ninh) đã gửi lời cảm ơn đến các cơ quan đoàn thể Trung ương và địa phương đã dành sự quan tâm đến những người nhiễm HIV.
Tuy nhiên, là một người đang mang trong mình căn “bệnh thế kỷ”, nói về sự kỳ thị của xã hội đối với những người nhiễm HIV, chị Hiền chia sẻ: “Nói giảm kỳ thị với người nhiễm HIV thì có giảm nhưng giảm bằng 0 thì chưa. Kỳ thị hiện nay tinh vi và khôn khéo lắm, vẫn ngày ngày gây tổn thương đến chúng tôi. Chúng tôi chết nhanh nhất không phải vì bệnh tật mà chính là vì sự kỳ thị”.