Người chồng bàng hoàng khi phát hiện vợ nhiễm HIV và lo lắng bản thân cùng con trai có thể cũng đã bị lây nhiễm mà không biết.
Deidre Sanders, phụ trách mục “Dear Deidre” trên trang The Sun của Anh đã 30 năm và cùng nhóm chuyên gia của mình tư vấn cho hàng triệu người về các vấn đề tình cảm, sức khỏe tình dục. Lá thư gần đây nhất được gửi tới là từ một người chồng 37 tuổi cho biết đã phát hiện ra vợ bị HIV nhưng giấu giếm.
Người đàn ông tâm sự: "Tôi đã vô tình đọc được thư của bác sĩ gửi vợ tôi nói rằng cô ấy đã mắc HIV. Tuy nhiên, vợ tôi đã giấu giếm điều này". Người đàn ông cho biết cả hai đã kết hôn được 5 năm và có một cậu con trai ba tuổi.
Trước đó, người chồng đã thấy vợ uống thuốc nhưng không biết cô có vấn đề gì cho đến khi tìm thấy lá thư của bác sĩ trong đống giấy tờ cũ. Anh cũng chia sẻ từng nhiều lần nghi ngờ vợ ngoại tình nhưng cô luôn không thừa nhận. Lần này khi phát hiện ra bức thư, người vợ mới thú nhận rằng từng có tình một đêm.
"Tôi cảm thấy rất thất vọng. Tôi lo lắng bản thân có thể bị nhiễm HIV, và còn con trai tôi nữa, liệu chúng tôi có nguy cơ? Một số bạn bè thậm chí đã nói với tôi rằng con trai tôi có thể không phải là của tôi", người chồng bày tỏ sự lo lắng.
Người đàn ông đau khổ khi phát hiện ra vợ lăng nhăng và nhiễm HIV. (Ảnh minh họa)
Về trường hợp này, nhà tư vấn Deidre Sanders khuyên người đàn ông nên cùng con trai đi kiểm tra ngay xem có bị nhiễm HIV hay không. Sau đó, cố gắng tập trung giải quyết vấn đề với vợ, nói chuyện thẳng thắn thành thật với nhau nếu vẫn muốn cho nhau cơ hội.
"Nếu cần, cả hai có thể tìm tới chuyên gia cố vấn hôn nhân, tâm lý để bình tĩnh xử lý mọi việc. Và hãy nhớ dù thế nào thì đừng quên vai trò người cha, dù con trai có phải con ruột của bạn hay không, đứa trẻ sẽ vẫn cần bạn", chuyên gia chia sẻ.
Khi nghi ngờ bị nhiễm HIV nên làm gì?
Bạn có thể bị nhiễm HIV khi quan hệ tình dục không an toàn, vô tình dính kim tiêm hoặc sử dụng kim bẩn để tiêm hay tiếp xúc với máu của người nhiễm HIV. Nếu điều đó xảy ra, có khả năng bạn đã tiếp xúc với virus gây bệnh AIDS. Phơi nhiễm không có nghĩa là lây nhiễm. Nhưng bạn nên nhanh chóng hành động để giảm nguy cơ nhiễm HIV.
Những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc phải virus HIV hay nghi ngờ bị nhiễm HIV từ người khác thì cần chủ động đến các cơ sở y tế để thực hiện những biện pháp kiểm tra, tránh lây lan cho gia đình và những người xung quanh. Xét nghiệm HIV có thể thực hiện để kiểm tra khi nghi ngờ nhiễm HIV là xét nghiệm tìm ra kháng nguyên và kháng thể HIV có trong cơ thể người bệnh.
Nếu nghi ngờ bản thân nhiễm HIV, bạn cần chủ động đến các cơ sở y tế để xét nghiệm. (Ảnh minh họa)
Thông thường, cần đến 2 tuần để phát hiện được kháng nguyên cũng như hơn 3 tuần để cơ thể có thể sản xuất ra đủ kháng thể, thậm chí có thể cần đến vài tháng đối với một số trường hợp đặc biệt. Vì vậy, virus HIV nếu xâm nhập vào cơ thể người bệnh thì cần có thời gian để chúng sinh sôi và phát triển, hay còn gọi là giai đoạn cửa sổ, nếu xét nghiệm tìm kháng nguyên và kháng thể trong thời gian này thì rất khó để chẩn đoán bệnh nhân có nhiễm virus HIV hay không.
Trên thực tế, những người thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV như đã quan hệ tình dục với người bị HIV/AIDS hoặc tiếp xúc với máu người bệnh HIV thì kết quả xét nghiệm ngay sau khi quan hệ tình dục thường là âm tính và điều này có khả năng không chính xác hoàn toàn, còn được gọi là âm tính giả.
Vì vậy, theo những chuyên gia y tế thì thời điểm tối ưu nhất để xác định nhiễm HIV sau khi nghi ngờ bị nhiễm HIV là 3 tháng. Vì vậy, ngay sau khi xét nghiệm HIV âm tính thì bệnh nhân cần thực hiện lại xét nghiệm nhiều lần trong khoảng 1-3 tháng sau đó để chắc chắn về tình trạng nhiễm HIV của bản thân.