Khi con được 2 tuổi, phát hiện ngực con lớn bất thường, kèm theo đó là ra dịch nhầy âm đạo, khi đưa đi khám anh Phong mới biết con bị dậy thì sớm.
Có mặt tại phòng khám Nội tiết (Bệnh viện Nhi Trung ương), chúng tôi gặp anh Lê Quốc Phong (29 tuổi, ở Hà Nội), là bố của cháu Lê Nguyễn Huyền My (7 tuổi) đang chờ đến lượt vào để khám định kỳ. Hỏi ra mới biết, hóa ra anh là khách quen của bệnh viện vì đều đặn hàng tháng anh phải đưa con đến tiêm hormon và 6 tháng 1 lần, con gái phải kiểm tra tổng thể theo định kỳ.
Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên đó chính là, công việc này anh đã thực hiện trong suốt 5 năm qua và như vậy con anh dậy thì từ khi mới được 2 tuổi. Điều này tưởng chứng như vô lý, nhưng lại là câu chuyện có thật mà bố con anh Phong đã và đang phải đối mặt.
Chia sẻ với chúng tôi anh Phong cho biết: “Khi đó chính xác ra là con tôi được 2 tuổi gần 3 tháng, khi tắm cho cháu thì tôi phát hiện ngực cháu phát triển to bất thường. Sau đó, mẹ cháu theo dõi và kiểm tra thì thấy có ra dịch nhầy âm đạo. Những biểu hiện đó rất giống trẻ đang tuổi dậy thì. Bởi vậy gia đình vội vàng đưa thẳng lên Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám”.
Bác sĩ đang khám và tư vấn cho một trẻ bị dậy thì sớm.
Tại đây, các bác sĩ xác định cháu bị dậy thì sớm và phải điều trị để ức chế sự phát triển một số đặc tính sinh dục nữ. “Từ đó đến nay, đều đặn hàng tháng tôi đưa con đến bệnh viện để tiêm hormon, cũng như kiểm tra định kỳ”, anh Phong cho hay.
Theo anh Phong, thời gian đầu khi cháu con nhỏ, tháng nào cũng phải đưa cháu đi tiêm nên cháu cũng có tâm lý sợ sệt. Nhưng sau này khi lớn hơn một chút cháu hiểu đó như một căn bệnh phải điều trị và nên không còn khóc nữa.
Về những bất thường khi sử dụng hormon một thời gian dài như vậy, anh Phong cho biết: “Đồng thời với tiêm, tháng nào các bác sĩ cũng kiểm tra định kỳ và không thấy vấn đề gì bất thường, cháu học hành, sinh hoạt hoàn toàn như những đứa trẻ khác”.
Thực tế, cháu Huyền My không phải là trường hợp đầu tiên bị dậy thì sớm khi tuổi còn rất nhỏ. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã từng tiếp nhận 1 bé gái dậy thì khi mới 18 tháng tuổi.
Được biết, sau khi thấy cháu bé có biểu hiện xuất huyết âm đạo, gia đình đã đưa đi nhiều nơi để thăm khám vì nghi cháu bị xâm hại tình dục. Nhưng khi đến Bệnh viện Nhi đồng 1, qua kiểm tra tổng thể, các bác sĩ phát hiện cháu bé… có kinh nguyệt.
Hay mới đây nhất, ngày 5/4 cũng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, đã tiếp nhận một bé gái mới 4 tuổi rưỡi đã có kinh nguyệt. Qua thăm khám các bác sĩ xác định, bé gái này bị dậy thì sớm và chỉ định điều trị bằng cách tiêm hormon.
Theo các chuyên gia, hiện tình trạng trẻ dậy thì sớm rất đang báo động. Đặc biệt là những trẻ có độ tuổi còn rất nhỏ đã dậy thì mà không biết nguyên nhân là do đâu (ở trẻ nữ, 90% dậy thì sớm là không rõ nguyên nhân, trong khi ở trẻ nam, có 60% là không rõ nguyên nhân).
Đó có thể do các yếu tố di truyền, bị thừa cân – béo phì, có khối u ở trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục, bị ảnh hưởng bởi hình ảnh có yếu tố tình dục trên các phương tiện truyền thông…
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Điều trị dậy thì sớm ở trẻ: Trong trường hợp trẻ bị dậy thì sớm trung ương (dậy thì sớm do kích hoạt của vùng dưới đồi tuyến yên hoặc tuyến sinh dục, hoặc có thể là vô căn (chủ yếu hay gặp ở bé gái), hay các trường hợp u não đặc biệt ở trẻ nam gây dậy thì sớm): Điều trị bằng các tiêm hormon ức chế. Trẻ sẽ được tiêm bắp 4 tuần 1 lần từ khi phát hiện ra đến khi trẻ được 11 tuổi, hoặc đến khi gia đình và bản thân trẻ muốn dừng lại. Nếu không được điều trị thì khi trưởng thành, trẻ có thể bị giảm chiều cao tới 9-10cm. Đối với dậy thì sớm ngoại biên: Nếu siêu âm thấy có khối u ổ bụng thì cần định vị xem khối u đó nằm ở đâu, và phải cắt. Một số trường hợp khác thì tùy theo bệnh lý, ví dụ tăng sản thượng thận bẩm sinh gây dậy thì sớm ở trẻ trai thì dùng thuốc uống để ức chế dậy thì. Với trường hợp trẻ có tuyến vú phát triển sớm: Khi xét nghiệm không thấy có dấu hiệu gì đặc biệt: Tuổi xương không tăng, siêu âm ổ bụng không thấy gì bất thường,… mà chỉ có vú to hơn bình thường, thì gọi là tuyến vú phát triển sớm. Trường hợp này không phải dùng thuốc ức chế dậy thì. Bố mẹ chỉ cần theo dõi biểu hiện của con từ 3 đến 6 tháng, sau đó khám lại. TS Bùi Phương Thảo - Phó khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền (BV Nhi Trung ương) |