Chuyên gia về xây dựng cho rằng chính thái độ coi thường tính mạng của người khác, coi thường luật pháp là nguyên nhân khiến họ thi công ẩu, tắc trách như vậy.
Như chúng tôi đã đưa tin, sáng 6/11, tại khu vực thi công Nhà ga Thanh Xuân III (đường Nguyễn Trãi) thuộc Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông đã xảy ra sự cố rơi thép khiến 1 người thiệt mạng, 2 người bị thương.
Đáng nói, đây không phải là lần đầu đơn vị thi công đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh làm rơi đổ vật dụng xuống đường khi thi công. Vào tháng 9 năm ngoái, tại đoạn đối diện Bách hóa Thanh Xuân (Hà Nội), khi đang cẩu một thanh sắt dài khoảng 10m, đơn vị thị công đã để chiếc cần cẩu đổ nghiêng xuống đường – nơi đang có nhiều người qua lại. Dù sự cố không gây thương vong, nhưng đã khiến nhiều người đi đường hốt hoảng.
Coi rẻ mạng người, coi thường luật pháp?
Mổ xẻ nguyên nhân dẫn tới sự cố sáng 6/11, PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, thép là vật có tải trọng lớn. Khi cần cẩu đưa thép từ thấp lên cao mà bị rơi như thế có thể do người ta buộc không chắc, neo không tốt hoặc bản thân cáp của cần cẩu không còn đủ độ bền.
PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
“Cũng có thể trong quá trình làm, do tác động của động lực khiến neo tuột ra hoặc đứt dây làm rơi thép. Tất nhiên, khi thép bị rơi sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng của những người tham gia giao thông và hậu quả ra sao chúng ta đã thấy.
Nhiều khi đứt dây như vậy còn có thể gây lật cẩu và hậu quả còn nghiêm trọng hơn nhiều. Tôi nghĩ với trường hợp cụ thể này, nguyên nhân là do đứt dây buộc thép”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, theo PGS. TS Nguyễn Văn Hùng đó chưa phải là nguyên nhân chính.
Theo ông Hùng, lẽ ra trước khi thi công người ta phải rào chắn để đảm bảo an toàn. Thậm chí người ta phải làm các giàn đỡ ở trên để nếu thép có rơi xuống thì sẽ không bị văng ra chỗ khác, gây nguy hiểm.
Hơn nữa, họ cũng phải chọn thời điểm thi công sao cho phù hợp và phải có cảnh báo với người đi đường về khu vực đang thi công nguy hiểm. Đằng này giàn đỡ cũng không có, giờ thi công lại là giờ cao điểm, không có cảnh báo. Quá nguy hiểm!
Ông Hùng nhận xét, làm việc thiếu trách nhiệm, tắc trách như vậy là họ coi thường tính mạng của người khác, coi thường luật pháp cụ thể là các quy định về an toàn lao động. Nói cách khác, họ đã bất chấp nguy hiểm tính mạng của con người mà làm cho xong bằng mọi giá.
“Đơn vị thi công trực tiếp, nhà thầu, đơn vị tư vấn phải chịu trách nhiệm về việc này. Theo tôi, vụ việc trên khiến 1 người chết, ta phải xử lý hình sự. Vụ việc này không chỉ khiến gia đình nạn nhân xấu số đó phải chịu nỗi đau quá lớn mà còn gây tâm lý hoang mang, lo sợ, bất an trong xã hội.
Tôi nghĩ không phải vì áp lực tiến độ mà họ thi công ẩu như thế. Quan trọng ở chỗ họ có coi trọng tính mạng con người hay không thôi”, ông Hùng nhấn mạnh.
Hiện trường vụ tai nạn làm 1 người chết, 2 người bị thương
Cũng theo vị chuyên gia này, tính mạng của con người là vô giá. Tuy nhiên nhiều người nhà nạn nhân lại chấp nhận thương lượng, thỏa thuận bồi thường vì nghĩ đằng nào vụ việc thương tâm cũng đã xảy ra, người mất cũng đã mất, họ không muốn làm lớn chuyện. Nhưng xin hỏi phải bồi thường bao nhiêu cho đủ và liệu số tiền đó có làm sống lại con người được không?
“Theo tôi không thể dùng tiền để xử lý mọi việc được bởi nỗi đau họ gây ra là quá lớn. Cần phải xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan”, ông Hùng khẳng định.
Nên xử lý thế nào?
Đồng quan điểm với PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, TS Nguyễn Duy Tiến – Phó trưởng Bộ môn Cầu hầm, ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến thép bị rơi khỏi cần cẩu trong quá trình thi công. Chẳng hạn, do họ buộc không chặt hoặc trong quá trình di chuyển thép bị va chạm vào đâu đó. Cũng có thể do cần cẩu bị tuột móc, đứt xích…
“Phải có mặt ở hiện trường quan sát mới có thể biết nguyên nhân chính xác dẫn tới việc rơi thép là gì và hướng xử lý ra sao cho phù hợp”, ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, ở nước ngoài hay ở Việt Nam, khi có sự cố như vậy xảy ra, quy trình xử lý đều như nhau: Trước tiên, ta yêu cầu họ dừng thi công, kiểm tra tất cả các bộ phận, công đoạn, hiện trường; có thể cơ quan điều tra sẽ đo đạc, tính toán xem do thiết kế, do thi công hay do thời tiết… Sau đó, họ đưa ra kết luận rồi lập biên bản, xử lý các cá nhân, đơn vị có liên quan.
Về việc bồi thường cho các nạn nhân, nếu nhà thầu mua bảo hiểm, công ty bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm chi trả, còn nếu không, đơn vị thi công sẽ phải bỏ tiền túi để bồi thường.