Ước vọng lớn nhất của những người giáo viên đặc biệt này là nghe học sinh cất tiếng "Em chào cô" và xuất hiện phép màu để các em có thể hòa nhập được vào cuộc sống.
Nhân ngày Quốc tế phụ nữ (8/3), phóng viên đã có dịp ghé thăm một ngôi trường đặc biệt trên địa bàn Hà Nội. Gọi như vậy bởi trong ngôi trường này có những học sinh đặc biệt được chăm sóc, dạy dỗ bởi những cô giáo tận tụy. Ngôi trường đó mang tên Trường THCS Hy Vọng (Đức Giang, Long Biên, Hà Nội).
Người giáo viên đầu tiên tôi tiếp xúc là cô giáo trẻ Trần Thị Kim Ngân (26 tuổi) đang dạy dỗ rất nhiều em nhỏ bị khuyết tật bẩm sinh. Hiện tại, công việc của cô giáo trẻ là phụ trách bộ môn thể dục; hỗ trợ giảng dạy "ngôn ngữ bằng tay" và kiêm quản lý thư viện.
Ngân chia sẻ, thời gian đầu khi mới vào trường, cô gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp với học sinh. "Không nghe, không nói được nên muốn giao tiếp với các em phải dùng kí hiệu bằng tay. Những năm tháng học trên giảng đường tôi không được đào tạo về ngôn ngữ "ký hiệu". Nhiều em nổi cáu bởi tôi không biết cách giao tiếp với chúng. Bởi vậy, ngày lên lớp, tối tôi theo học một lớp giáo dục đặc biệt. Miệt mài học tập hơn 1 năm tôi mới có thể giao tiếp và nói chuyện với các em", Ngân nói.
Gắn bó với ngôi trường này suốt 4 năm qua, Ngân chỉ ao ước nghe được tiếng "Em chào cô" từ chính những học sinh thân yêu của mình. "Được gắn bó với các em cũng là cái "duyên" của tôi. Tôi luôn cảm thông, lắng nghe, coi các em như con ruột của mình. Hiện tại, tôi chỉ hy vọng các em tự tin giao tiếp và nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống", Ngân tâm sự.
Trường THCS Hy Vọng (Đức Giang, Long Biên, Hà Nội) nơi Ngân đang giảng dạy có 14 thầy cô giáo với 82 em học sinh, trong đó có 14 em ở giai đoạn can thiệp sớm (trước 6 tuổi).
Công việc của cô giáo trẻ hàng ngày là dạy thể dục và hỗ trợ bộ môn giảng dạy kí hiệu bằng tay.
Ngân tâm sự: "Hầu hết gia đình các em đều đặt niềm tin và hy vọng vào các cô giáo. Vì vậy trách nhiệm đặt lên vai chúng tôi càng nặng nề".
Hiện tại, Ngân đã lập gia đình và có một cô con gái nhỏ 4 tuổi. "Vững bước đi đến thời điểm hiện tại, tôi có sự động viên và "hậu phương" vững chắc từ chồng. Biết vợ vất vả, hàng ngày việc đưa đón con đi học đều do ông xã của tôi phụ trách. Anh ấy còn nghiên cứu, học thêm ngôn ngữ bằng tay để chia sẻ, thấu hiểu với công việc của vợ", Ngân chia sẻ.
Nụ cười hạnh phúc của cô giáo trẻ và học sinh trong một buổi lên lớp.
Người giáo viên thứ 2 phóng viên tiếp xúc là cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh (36 tuổi) hiện đang là giáo viên lớp khiếm thính.
Chia sẻ về quãng thời gian đầu tiên đặt chân về trường THCS Hy Vọng, cô Oanh cho biết, sau khi tốt nghiệp khoa Tiểu học - trường CĐ Sư phạm Hà Nội, chị được phân công về công tác ngôi trường này. Ngày đầu tiên làm việc, chị được cô hiệu trưởng phân công giảng dạy một lớp dự bị toàn các em khiếm thính.
"Bước vào lớp, chào các em; các em cũng không biết. Muốn các em đáp lại, cũng không biết phải giao tiếp như thế nào. Với sự say mê với nghề, tôi tìm hướng khắc phục. Hàng ngày, bên cạnh việc tham gia các lớp học về giao tiếp ngôn ngữ đặc biệt; khi có tiết trống, tôi liên tục đi dự giờ của các giáo viên khác trong trường. Sau đó, tôi được cơ quan cử đi tập huấn ở khoa Giáo dục đặc biệt - trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Dần dần cũng thành quen", cô Oanh tâm sự.
Để giảng dạy và thấu hiểu được từng học sinh trong lớp, với mỗi em, người giáo viên này lại có một phương pháp khác nhau. "Mỗi em là một cá thể; có một nhu cầu, tâm sinh lý khác nhau. Có em phải mềm mỏng, có em lại phải dỗ dành. Không xuất phát từ tình cảm, chắc tôi không gắn bó với nghề đến bây giờ. Nếu bản thân mình không đón nhận, liệu còn ai có thể đón nhận các bé nữa".
Vất vả là vậy, nhưng chưa khi nào cô Oanh có ý định từ bỏ nghề. Niềm vui lớn nhất của người giáo viên này là nhìn thấy học sinh ngoan ngoãn, trưởng thành. "Gắn bó với nghề suốt 15 năm qua, nhiều thế hệ học sinh đã tốt nghiệp ở đây và trưởng thành. Một số em xây dựng gia đình, không quên gửi thiệp mời cô giáo. Cầm những tấm thiệp trên tay, tôi vui mừng như người thân của mình có được hạnh phúc vậy", đôi mắt cô bừng sáng.
Hàng ngày, cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh miệt mài bên các trang giáo án.
Để có được bài giảng hay, ý nghĩa; người giáo viên này phải đầu tư rất nhiều "tâm" và "sức".
"Dạy học sinh tiếp thu bài đã khó, đối với trẻ khiếm thính còn khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, ngoài tình yêu thương, phải có tính kiên trì, nhẫn nại mới gắn bó được với nghề", cô Oanh chia sẻ.
Cô Oanh đang giảng dạy các em học sinh trong giờ Toán học.
Niềm vui của cả cô và trò khi tìm ra được đáp án đúng.
Nụ cười rạng rỡ của các em nhỏ khi được nhìn thấy hình ảnh của mình qua máy ảnh.