Hai lần trúng tổng cộng 8 giải độc đắc, ai cũng đoán già đoán non cách vợ chồng ông Tri sẽ tiêu tiền, mua sắm thế nào cho tương xứng với vị thế "đại gia vé số".
Nhưng rồi, những người tò mò đều phải thất vọng khi thấy "đại gia" này thậm chí còn không dám mua một manh áo mới, chứ chưa nói đến chuyện "lên đời" bằng xế hộp, hàng hiệu. Nhiều ngày sau khi lĩnh giải độc đắc, ông Tri vẫn cặm cụi đi bán vé số dạo, bơm ga bật lửa để kiếm chút tiền mưu sinh. Đến nay nhiều người ở địa phương vẫn bàn tán chuyện cả nhà ông sau mấy lần lĩnh giải chỉ dám mua một miếng thịt lợn nướng về ăn coi như "rửa lộc trời"…
Vận may hiếm có của anh bán vé số dạo
Xã Bình Chánh, H. Bình Chánh (TP.HCM) từng nổi tiếng với nhiều đại gia trúng xổ số tiền tỷ. Cho đến bây giờ, mỗi cuộc trà dư tửu hậu nơi đây, chuyện đại gia này, đại gia kia lên đời hoặc xuống dốc xung quanh tờ vé số vẫn là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất. Trong quá trình thực hiện loạt bài về hậu vận những người bỗng dưng trúng sổ xố tiền tỷ, tình cờ ghé qua địa phương này, PV báo ĐS&HN đã được nghe lại câu chuyện của ông Vũ Tri (SN 1950). Xung quanh cuộc đời của nhân vật này thật lắm nỗi bi hài mà nếu thoạt nghe, ít người dám tin về vị đại gia thuở nào lại có tính "tằn tiện" đến thế. Khi tiếp xúc, chúng tôi mới vỡ nhẽ, hóa ra, tất cả sự "tằn tiện" ấy là bài học thấm đẫm về cách tiêu tiền khi đột nhiên… giàu.
Trong ngôi nhà nằm bên con lộ chính của xã, cách quốc lộ 1A chừng hơn 1km, chúng tôi càng ngạc nhiên khi vị chủ nhân dáng người ốm nhách, cởi trần, mái tóc muối tiêu, chân đi cà nhắc tiếp khách. Hình ảnh ấy khiến chúng tôi ban đầu cứ ngờ ngợ mình… đến nhầm nhà, bởi không dám tin đây là "đại gia vé số" thuở nào như lời người dân đồn thổi: "Ông ấy từng hai lần trúng 8 giải độc đắc đó". Nhắc đến chuyện này, ông Tri cười hiền bảo, chuyện đó cũng lâu lắm rồi, cũng may mà có mấy lần trúng nói trên nên vận đời mới được thay đổi.
Căn nhà của ông Vũ Tri
Ông kể, năm 1984, thời điểm công ty xổ số kiến thiết Sông Bé (cũ) mới phát hành vé số, đang thất nghiệp nên ông cũng đi bán dạo, kiêm luôn nghề bơm ga bật lửa. Vợ chồng ông dựng tạm căn lều mục nát trên thửa ruộng cha mẹ cho, bám víu sống qua ngày. Căn nhà tồi tàn ấy, nơi được ông ví von hóm hỉnh: "Chó ngồi hở đuôi", là nơi sinh hoạt của hai vợ chồng và mấy đứa con thơ. Cuộc sống bầm dập khiến ông chẳng bao giờ nghĩ đến một ngày, mình sẽ được đổi đời. Vậy mà, khi rơi vào đến con đường cùng cực nhất, nợ nần chồng chất vì vay mượn anh em, hàng xóm để có cái ăn, ông Tri đột nhiên "lên đời" trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Ngày ấy, sau buổi chiều muộn trở về nhà, tâm trạng chán nản khi tập vé số cầm trên tay ế ẩm, đồng nghĩa với việc cả gia đình sẽ "treo niêu", ông Tri thò túi lôi tập vé số ra đếm, thở dài (!). Hôm đó, sau khi gần đến giờ thông báo kết quả xổ số, ông đem đến đại lý trả lại, đồng thời coi "ngày xui thì cho xui nốt" nên bỏ tiền mua mấy vé số cầu may. Đến khi có kết quả trúng thưởng, ông nhảy cẫng lên sung sướng khi biết tin mình vừa trúng 2 giải độc đắc. Lúc đó, vé số nhận thưởng của giải cao nhất là 65 triệu đồng nhưng cũng không đủ để ông thanh toán nợ nần. Vì thế, ngay đến bữa tiệc liên hoan, ông cũng không dám tổ chức. Một ngày sau khi lĩnh giải, ông lại đi bán vé số dạo, bơm ga bật lửa cóp nhặt từng xu.
Trời thương người nghèo khó, vận may lại tiếp tục tìm đến với người đàn ông vốn sinh ra đã mang khiếm khuyết dị tật này. Sau lần đầu trúng thưởng, chỉ cách mấy tháng sau, ông lại may mắn ẵm luôn 6 giải độc đắc liền một lúc. "Trúng trọn bộ 6 vé giải đặc biệt, tôi được lĩnh số tiền lên đến 1,5 tỷ đồng, nhiều gấp cả chục lần trước. Lúc đó, tôi tự thấy hạnh phúc lắm, khi vận may liên tục mỉm cười với mình, nhưng không bao giờ dám ảo tưởng". Theo ông, sự bỗng dưng giàu của như mình ở trong ấp 1, xã Bình Chánh không phải là chuyện quá xa lạ, khi một số người cũng từng có diễm phúc "thần tài" gõ cửa. Nhiều người đã vin vào đống tiền "từ trên trời rơi xuống", lập tức mua sắm hết đồ này, thứ kia, chi tiêu vô độ. "Lúc đó, họ còn đùa vui cá cược với nhau về cách "đại gia Tri" sẽ tiêu đống tiền đó như thế nào. Nhưng rồi, tất cả đều phải thất vọng khi thấy tui thậm chí còn không dám mua sắm bất cứ thứ gì giá trị, vẫn miệt mài dạo bộ khắp nơi mưu sinh như trước đây", ông Tri tâm sự.
Triết lí "sống với tiền" đặc biệt của ông lão bán vé số
Nhớ lại sự việc ngày ấy, mấy người hàng xóm nhà ông Tri vẫn không tin nổi câu chuyện khi ôm cục tiền trúng 6 giải độc đắc về nhà, ông Tri không dám tiệc tùng linh đình gì. Tối hôm ấy, người dân cả ấp chờ đợi rồi thất vọng thấy vợ ông đạp xe cọc cạch ra chợ, mua một miếng thịt lợn nướng sẵn khá lớn về làm lễ "rửa lộc trời". Hỏi về lễ ăn mừng quá "hẻo" đó, ông Tri cười bảo: "Nói ra hổng ai dám tin nhưng đó là sự thật. Ngày đó, sau khi nhận tiền về, tui bảo bả ra chợ, mua miếng thịt lợn nướng về làm lễ cảm ơn trời phù hộ. Sau đó, hai vợ chồng ngồi cạnh bên, vui quá không muốn cầm đũa mà rớt nước mắt nhìn các con ăn ngấu nghiến rất ngon lành".
Miên man trò chuyện với người đàn ông nay đã bước sang tuổi 60 này, người viết mới vỡ lẽ được bài học mà ông luôn lấy làm "kim chỉ nam" về cách tiêu tiền. Theo lời ông, cha mẹ mình ngày trước cũng được xem là giàu có thuộc diện khá nhất ở trong ấp. Nhưng so với các anh em, từ nhỏ ông vốn đã phải chịu nhiều thiệt thòi về thể xác. Sau một cơn sốt co giật, đôi chân ông bị tê liệt, gầy tóp lại như ông điếu. Không đầu hàng, Vũ Tri tập lết từng bước chân với sự giúp sức của cánh tay chống vào đầu gối. Lần hồi, những bước đi vững vàng hơn, dù dáng dấp lúc nào cũng xiêu vẹo. Thời gian trôi qua, Tri thi đậu vào đại học Vạn Hạnh (Sài Gòn). Hành trình vượt khó của ông sẽ thiếu chút gia vị, bởi như ông tự nhận thì chính "bài học lớn nhất" từ cha mình mới là điều thấm đẫm nhất mà bản thân luôn mang theo suốt hành trình cuộc đời.
Ông Vũ Tri vẫn nhận mình là người nghèo khi đã trúng 8 giải độc đắc
Dù nhà có điều kiện, nhưng cha ông luôn dạy cách tiêu tiền hợp lý, biết chắt chiu dành dụm từng đồng lúc khỏe mạnh, nhỡ bệnh tật ốm đau sẽ có khoản chi tiêu. "Đi ngoài đường, từ cái vòng thun hay cái chai nhựa người ta vứt lăn lóc… cha đều bắt thu gom về và dặn: "Lúc này, mình chưa cần xài nhưng cũng có lúc sẽ cần đến nó". Cũng may ngày đó, mình đã biết nghĩ xa, gửi toàn bộ tiền vào tiết kiệm nên giờ các con mới được học hành đầy đủ, có hai đứa còn đi học và làm việc ở Nhật Bản". Đấy là câu chuyện mà cho đến bây giờ, ông Tri vẫn thường xuyên lấy làm bài học để răn dạy con cái.
Ông Võ Văn Triều (chủ đại lý vé số trên đường Hoàng Phan Thái, xã Bình Chánh) - chủ đại lý vé số tại xã nói: "Gần 20 năm làm đại lý vé số, chuyên đổi số trúng cho nhiều người, từ hồi vé số các nơi mới chỉ 50 xu/số (thời điểm năm 1984 - PV), đến khi vé số lên 2.000 đồng rồi 5.000 đồng/tờ, tui chứng kiến vô khối người ở xã này đổi đời nhờ trúng số. Thật kỳ lạ vì hầu như không năm nào, xã này không có người trúng số từ vài chục triệu tới cả trăm triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, bản thân tôi cũng đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp rơi vào thảm cảnh tệ hại. Có người đang giàu có, trúng thưởng rồi thì ăn chơi vô độ, hết tiền lại phải lo kiếm ăn từng bữa; Có trường hợp khác thì phải bán hết nhà cửa, bỏ xứ ra đi vì ẵm giải xong tiêu quá hoang… Riêng ông Vũ Tri thì ngược lại. Ông ấy đến giờ vẫn chẳng thể hiện mình là người giàu có, rất tằn tiện chi tiêu và sống rất bình dị".
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Trúng 8 giải độc đắc vẫn tự nhận mình… nghèo Ông Tri bảo, khi đã có tiền thì phải xác định được giới hạn của mình, nếu không sẽ rất dễ rơi vào bi kịch. "Lộc của trời rơi trúng đầu thì mình phải biết cách sử dụng. Nếu mình xem là giàu sang, rồi tiêu pha quá đà thì sẽ nhanh chóng hết nhẵn. Còn khi xác định nghèo thì sẽ có cách tiêu sao vừa phải, đúng với mục đích của mình". |