Tâm sự của người cha tìm lại con sau 25 năm mất tích

Ngày 08/04/2015 12:25 PM (GMT+7)

Từ khi mất liên lạc với con, ông Trần Chu Tinh vẫn luôn nghĩ, có thể vì Trần Tuấn Anh nhận nhiệm vụ đặc biệt nào đó nên ông vẫn hy vọng một ngày con sẽ trở về. Có nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, ông lại đọc bài thơ đã viết tặng con ngày lên đường du học…

“Tôi có đứa con trai mười bảy”

Trong suốt mấy giờ trò chuyện, người bố của anh Trần Tuấn Anh, ông Trần Chu Tinh (SN 1929) không khỏi tự hào về người con trai cả học giỏi, ngoan ngoãn và rất thông minh. Một phút ngậm ngùi, ký ức về người con trai của gần 30 năm trước lại ùa về. “Tuấn Anh thông minh và có trí nhớ tốt lắm. Tôi nhớ ngày xưa đi học, khi thầy giáo bảo bài toán này chỉ giải được hai cách thì nó chứng minh rằng, bài toán đó có thể giải được nhiều cách khác nhau. Xem bóng đá quốc tế, sau mỗi trận thì toàn bộ cầu thủ nó đều thuộc tên. Nó cũng là người ngăn nắp, sạch sẽ và chỉn chu. Cứ mỗi khi bước ra khỏi nhà là phải đứng trước gương, khi mẹ hỏi sao soi nhiều thế thì nó bảo, soi để xem ở bên ngoài đã gọn gàng chưa và tự soi vào bản thân mình cần sống như thế nào, học tập, ước mơ phải làm sao”, ông Tinh nhớ lại.

Tâm sự của người cha tìm lại con sau 25 năm mất tích - 1

Ông Vũ Hồng Thái (bên phải), Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn đường mòn Hồ Chí Minh sau khi nghe tin, đến động viên gia đình. Ảnh: P.Bình

Gạt chiếc kính, ông cố không nhỏ nước mắt khi đọc bài thơ tặng con, nhưng ông nghẹn ngào, lạc cả giọng. “Tôi có đứa con trai mười bảy/ Mắt sáng như sao, sáng bóng cờ/ Cách ba năm trước quàng khăn đỏ/ Vầng trán nhô vầng mái tóc tơ/ Nó lớn lên lúc nào cũng chẳng rõ/ Từ hôm Huy hiệu của Đoàn trao/ Bạn của con tôi đủ gái trai/ Hình như chưa đến tuổi hai mươi/ Mỗi khi vui hát trong phòng học/ Ước vẹn từng phen chuyển đất trời/ Người ước kỹ sư, người bác sĩ/ Người mơ chuyên nghiệp ở nông trường/ Lúc đó con tôi thường không nói/ Thích đứng soi mình trước bóng gương/ Có ai hiểu được con tôi nhỉ?/ Đoán thử chàng trai ấy nghĩ gì/ Chỉ biết mùa xuân rất thắm tươi/ Đã về trên má, với trên môi/ Có ai hiểu được con tôi nhỉ?/ Đoán thử chàng trai ấy nghĩ gì?”.

Đó là bài thơ mà ông đã viết tặng con trước khi lên đường du học (khoảng tháng 8/1987). Vậy mà đã 28 năm trôi qua. Trong 28 năm đó, thời gian đầu ông mòn mỏi chờ con hoàn thành khóa học trở về phục vụ Tổ quốc, làm rạng danh gia đình và quê nhà. Còn thời gian sau, từ khi mất liên lạc với con năm 1992, cả ông và vợ, bà Vũ Thị Chỉm lại mòn mỏi chờ đợi một câu trả lời: Con của họ đang làm gì, ở đâu, hiện nay như thế nào?

Ông Tinh kể: “Thời gian đang ở bên nước ngoài, Tuấn Anh cũng chỉ gửi về được vài lần thư. Mỗi lần như thế, nó đều gửi kèm theo một phong thư khác có ghi địa chỉ bằng tiếng Nga để bố mẹ gửi ngược lại. Nó là một đứa tình cảm, sống có trách nhiệm và thương yêu bố mẹ, các em lắm. Ngày xưa Tuấn Anh bảo với tôi là ước mơ được đi khắp thế giới mà không mất tiền. Tôi hỏi thích học gì thì nó bảo sẽ thi ĐH Hàng hải, rồi làm thủy thủ viễn dương. Nhưng ước mơ đó của Tuấn Anh đành gác lại khi cán bộ Trường Học viện Quân sự về Trường lựa chọn những học sinh giỏi, xuất sắc để cử sang Liên Xô học tập. Khi con đi, tôi đặt nhiều hy vọng lắm, bởi nó là đứa thông minh, nhanh nhẹn và có bản lĩnh lắm. Từ hôm biết về hoàn cảnh của con như thế, trong tôi vẫn đầy những băn khoăn, suy nghĩ vì sao lại thế? Vì sao con tôi lại ra nông nỗi này?”.

Chỉ mong con được sớm về đoàn tụ

Tâm sự của người cha tìm lại con sau 25 năm mất tích - 2

Bức ảnh anh Tuấn Anh chụp thời đang ở Liên Xô.

Nhìn bức ảnh đen trắng mà anh Tuấn Anh chụp những năm học tập bên Liên Xô gửi về cho gia đình, ông Tinh tự hào: “Từ nhỏ cho đến lúc con đi du học, điều mà tôi luôn yên tâm là ý chí và nghị lực học tập của nó. Ở nhà, nó là đứa học giỏi và sang bên kia nó cũng không thua bạn thua bè. Chỉ sang một thời gian ngắn, Tuấn Anh đã viết thư về báo tin vui cho gia đình khi trở thành một trong hai sinh viên xuất sắc của trường tên lửa hàng không không quân, được hiệu trưởng ký tặng vào đằng sau bức ảnh”.

Nói về Tuấn Anh, về gia đình, rồi giọng ông chùng xuống, giọt nước mắt như chực trào ra: “Hàng chục năm trời không có tin tức của con, tôi không biết bày tỏ cùng ai vì tôi sợ vợ buồn, rồi tủi thân. Trong thâm tâm tôi luôn có niềm tin, nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, những khi nhớ con quá, tôi lại đọc đi đọc lại bài thơ đã viết tặng con trước khi ra sân bay. Khi không kiềm chế được, tôi lại nghĩ đến bài hát “Huyền thoại mẹ”, rồi tự nhủ, cứ coi như con mình đang làm nhiệm vụ đặc biệt. Rồi cũng như bao nhiêu người khác ở gần nhà mình, có con tham gia chiến trường, đến giờ không biết hi sinh ở đâu, hay là còn sống mà chưa tìm được về nhà? Rồi có người mất đến cả chục đứa con cho Tổ quốc thì sao? Tôi cứ nghĩ như thế để không được mềm lòng”.

Nhắc đến vợ, ông lại thêm nghẹn ngào, “bà ấy từng là một chính trị viên nên cũng rất can đảm. Cả hai vợ chồng tôi đều nghĩ, chắc con đang làm nhiệm vụ rồi một ngày nào đó sẽ về thôi. Nhưng dù sao bà ấy cũng là phụ nữ nên có lúc mềm lòng. Chờ tin con lâu quá, đến khi bị bệnh nặng và phút cuối đời bà ấy vẫn canh cánh một nỗi lòng là đứa con trai cả hiện nay như thế nào, ở đâu, làm gì?”.

Từ hôm biết tin con như thế, tâm trạng ông Tinh rối bời, chỉ mong sớm được đưa con về đoàn tụ cùng gia đình. “Hôm đó khoảng 6h30 sáng, tôi đang nghỉ thì có đứa cháu hàng xóm gọi sang bảo hình như có người đăng thông tin anh Tuấn Anh. Khi được xem ảnh và thông tin, tôi không tin được vào mắt mình. Ngày con đi là một thanh niên trai tráng, phong độ, thông minh nhưng giờ là một người bệnh tật như thế. Đến khi chị Tạ Thị Đông kết nối điện thoại, tôi không dám nói chuyện với con vì sợ trong hoàn cảnh đấy, nếu tôi xúc động quá, bệnh của con lại nặng thêm. Tôi dự định, khi đưa Tuấn Anh về đoàn tụ với gia đình, chỉ mong mọi người an ủi, động viên bằng tình thương để cho con tôi được khỏi bệnh, sớm trở lại với cộng đồng. Về phía các cơ quan nhà nước, cũng mong hết sức tạo điều kiện để thủ tục đưa người về sớm được hoàn thiện. Qua bài báo này, tôi cũng rất cảm ơn chị Tạ Thị Đông, cộng đồng người Việt ở Nga, các cơ quan ban, ngành đã hết sức giúp đỡ cho con tôi thời gian qua”, ông Tinh chia sẻ.

Theo Phùng Bình
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot