"Người khuyết tật 2 chân như tôi, nửa mét cũng không thể di chuyển được, vậy mà anh phi công buông lời: "Tôi thế này mà phải bế chị á?".
Bày tỏ về việc Vietjet Air từ chối phục vụ người khuyết tật nặng không tự di chuyển được, bà Nguyễn Hồng Oanh- Giám đốc Trung tâm hành động vì sự phát triển hòa nhập (IDEA) chia sẻ: “Bản thân tôi là người khuyết tật, tôi từng bị từ chối như chị Nguyễn Thị Bích Vân, hành khách của Vietjet”.
Bà Nguyễn Hồng Oanh (ngồi xe lăn).
Về góc độ con người – với con người dù anh có trang thiết bị tối tân, hay không có thiết bị nào nhưng với một người khuyết tật nhỏ bé trong thời gian cả sân bay vắng lặng như vậy là vô cảm. Sự vô cảm này làm tôi rợn người.
Tôi đã đi nhiều sân bay, có những sân bay nhỏ (Đà Lạt, Huế) không có thiết bị hiện đại như ở các sân bay lớn Hà Nội, TP. HCM nhưng tôi chưa bao giờ nhận được thái độ lãnh cảm, thiếu trách nhiệm.
Có lần tôi đến sân bay Đà Lạt ở đó không có xe nâng nhưng họ vẫn đón tiếp tôi nhiệt tình, cử chỉ thân thiện làm tôi thấy xúc động. Nhân viên ở đó họ bảo “Chúng em sẽ khênh chị”.
Tôi muốn nhấn mạnh thái độ nhận thức giữa con người-con người dành cho nhau. Họ nhìn người khuyết tật với ánh mắt gì đó, có những dòng comment rất khó chịu.
Không phải là người khuyết tật mà tôi nói ra những lời này để bênh vực người yếu thế. Với một con người biết suy nghĩ, có nhận thức, biết cảm thông, chia sẻ thì chắc chắn người ta sẽ không có những lời bình luận, cách nhìn kỳ thị.
Đừng nhìn khuyết tật như một kẻ đáng thương, mà bất cứ lúc nào cần sự giúp đỡ không cần đến điều kiện, quy luật nào.
Tôi nghĩ những điều giải thích của Vietjet, của nhân viên đều là cách biện minh. Bản thân nhân viên đó rất đáng thương vì không phải lỗi của riêng nhân viên này, điều quan trọng là lãnh đạo, quản lý ở đó không thường xuyên phổ biến cập nhập các thông tin, quy định hướng dẫn cho nhân viên thái độ, cách ứng xử với hành khách như thế nào. Lãnh đạo hành không không thể vin điều đó vào luật, quy định để từ chối phục vụ.
Tôi không nói ai đúng, ai sai. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến tình cảm, thái độ giữa con người với con người. Người ta sẽ có nhiều cách giải quyết có tình, có nghĩa chứ không phải cứng nhắc theo quy định.
Cách đây 10 năm, tôi từ nước ngoài về. Lúc đó hầu như tất cả nhân viên trong máy bay đều là nữ, duy nhất chỉ có một phi công nam. Anh đứng đấy nên tôi nhờ anh bế tôi ra xe, quãng độ khoảng 2 mét (với người khuyết tật 2 chân như tôi, nửa mét cũng không di chuyển từ ghế sang xe được).
Anh phi công buông lời : Tôi thế này mà phải bế chị á (anh ta đang mặc vest, cà vạt). Tôi nghĩ không biết người ta suy nghĩ như thế nào về người khuyết tật.
Hiện tại, tôi nghĩ những sự việc tai tiếng ầm ĩ, cộng đồng sẽ nghĩ đến người khuyết tật như thế nào. Bởi không phải ai cũng đồng cảm. Sẽ có người nghĩ, nhìn những người khuyết tật bằng cách e dè, ái ngại, thậm chí không muốn liên quan tới người khuyết tật.
Có những người không hiểu rõ sẽ cho rằng, chúng tôi là những người chuyên đi gây rối, phiền hà để có những thứ nọ, thứ kia. Vì vậy, muốn nhận được sự cảm thông, tôn trọng từ cộng đồng , bản thân mỗi cá nhân người khuyết tật phải có thái độ ứng xử đúng mực.
Ở Việt Nam những năm gần đây, mới có những hội, tổ chức bảo vệ người khuyết tật, nên người khuyết tật phải đấu tranh bảo vệ quyền của mình, cố gắng nỗ lực hơn để cộng đồng hiểu giá trị, những đóng góp của người khuyết tật.
Bây giờ những người khuyết tật không như xưa mà họ đã cố gắng thay đổi nhận thức của cộng đồng bằng chính cử chỉ, hành động, cách ứng xử.
Sau những chuyến đi, tôi được lắng nghe những tâm sự của chị em khuyết tật. Có những người tâm sự với tôi rằng, “Em ức lắm chị à, ra đến chợ người ta bảo con què còn bày đặt chuyện cưới xin, đẻ con, …”, nghe xong những câu nói đó, nhiều chị em không dám ra đường, nhốt mình trong nhà vì sợ nghe những cấu nói đó.
Họ tự ti về mình, tủi thân, thấy mình là gánh nặng cho gia đình. Có người mạnh mẽ hơn, đứng lên phản ứng lại những lời miệt thị đó.
Tâm lý của những người khuyết tật thường bị lung lay. Khi được một lời khen họ thấy hạnh phúc, có niềm tin. Nhưng chỉ một lời chê bai, họ sẽ suy nghĩ nhiều hơn người bình thường, họ mặc cảm, thậm chí còn nghĩ đến tự tử. Nếu hai người bằng tuổi nhau, nhưng người khuyết tật sẽ có suy nghĩ già hơn, ai nói gì cũng nghĩ sâu hơn, không bao giờ quên.
Bị khuyết tật từ lúc hai tuổi, những miệt thị, ánh mắt coi thường hướng vào tôi rất nhiều. Những cảm giác buồn tủi, tổn thương tôi đã nếm trải nhưng giờ tôi cũng gạt đi lời miệt thị của mọi người. Tôi đang thấy cuộc sống rất vui vẻ. Hồi bé, câu nói “ con què” tôi vẫn thường nghe. Lúc đi học, quãng đường đến trường được bạn bè, người thân cõng tôi bị ném đá. Đó là sự miệt thị lớn với tôi.
Chỉ một câu nói “con què ” khiến tôi rất đau, trùn ý chí. Mỗi khi nhắc lại vẫn thấy đau. Những lời lẽ đó, giờ nghĩ lại tôi rất coi thường, vì người có nhận thức, có văn hóa không bao giờ nói như vậy.
Tôi có chia sẻ với người khuyết tật, cái quan trọng nhất với chúng ta là để cho tâm lý ổn định, không vì những câu nói miệt thị mà gục gã. Hãy hành động, cố gắng vươn lên để cộng đồng thấy mình không như họ nghĩ.