Tâm sự xúc động của người từ cõi chết trở về

Ngày 24/12/2017 11:48 AM (GMT+7)

Khi đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, con người ta mới cảm thấy quý cuộc đời này biết bao. Anh Hà Quang Hiệp (39 tuổi, trú tại quận Lê Chân, TP Hải Phòng) cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Với quá khứ gần 20 năm nghiện ma túy, nhiều lần vào tù ra tội vì tàng trữ trái phép thứ chất cấm này, từng bị bác sĩ trả về để gia đình lo hậu sự vì dính căn bệnh HIV nhưng rồi hồi phục thần kỳ, anh hiểu hơn ai hết về sự hủy hoại khủng khiếp do ma tuý gây ra.

Đoạn tuyệt ma túy vì mẹ

Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, phố Hàng Kênh (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) nổi tiếng là địa bàn phức tạp, tập trung đủ loại tệ nạn xã hội. Không những vậy, nơi đây sản sinh ra không ít những đại ca giang hồ khét tiếng đất Cảng như anh em nhà Giới "trâu", Thỏ "rít".

Ở phố Hàng Kênh chẳng ngày nào không xảy ra các vụ việc phức tạp, với những con nghiện lượn lờ. Những tụ điểm ma túy nổi như cồn như Chợ Con, xóm Chùa, đình Hàng một thời từng là nỗi ám ảnh của người dân. Hiệp là một trong những thanh niên không vượt qua được cám dỗ.

Trải lòng với chúng tôi, anh Hiệp cho biết, bản thân đã từng dính vào ma túy gần 20 năm trời. Nhóm bạn thân của anh có 10 người thì 8 người đã chết, một người vẫn còn nghiện ngập, chỉ duy nhất anh đoạn tuyệt được ma lực của ma túy để cố gắng sống những ngày có ích trong phần còn lại của cuộc đời mình.

Bi kịch thực sự đến với anh Hiệp khi vào năm 2002, anh phát hiện mình nhiễm HIV do dùng kim tiêm chung với bạn nghiện. Biết mình nhiễm bệnh, anh chán nản nên càng lún sâu hơn vào ma túy.

Tâm sự xúc động của người từ cõi chết trở về - 1

Anh Hiệp cứu người bị sốc ma túy. Ảnh: Minh Lương

Trong những lúc tuyệt vọng nhất thì người duy nhất ở bên anh, động viên, an ủi chính là mẹ. Nhìn những giọt nước mắt xót xa của người mẹ già mỗi lần khóc trộm con, anh đau đớn như ngàn vết dao cứa vào trái tim đang rỉ máu.

Anh Hiệp sinh ra trong một gia đình có 4 anh em trai. Một người bạt xứ sang Hồng Kông và cũng đang mắc nghiện. Một người đã chết vì đâm chém. Còn duy cậu em út không nghiện ngập.

Bản thân anh Hiệp hai lần đi trung tâm cai nghiện, hai lần vào trại giam nhưng vẫn không thể chiến thắng được những cơn đói thuốc. Trong phút phẫn uất, căm thù chính bản thân mình, anh đã chặt phăng ngón tay trỏ mà thề rằng “phải bỏ được cái chết trắng”. Nhưng cũng chỉ bỏ được đúng một tuần rồi anh lại quay về nếp cũ.

Năm 2008, khi đang cai nghiện tại Trại Gia Minh (TP Hải Phòng), sức khỏe của anh Hiệp suy sụp đi trông thấy do bệnh tật. Vốn là chàng trai cao to, vạm vỡ, nhưng vào thời điểm đó trông anh chẳng khác nào một bộ da bọc xương, cân nặng chưa đầy 40kg, hạch nổi khắp người.

Trước tình hình đó, trung tâm đã quyết định trả anh Hiệp về nhà để gia đình lo chuyện hậu sự trong trường hợp xấu nhất. Tuy nhiên, trong thời điểm tuyệt vọng nhất, anh lại hồi phục một cách thần kỳ. Sau khi trở về nhà, sức khỏe anh tiến triển tốt. Bệnh tật tự nhiên thuyên giảm, tăng cân nhanh chóng, chỉ chưa đầy một tháng sau anh lại có thể sinh hoạt bình thường.

Ân nhân cứu sống hàng trăm con nghiện

Trở về từ cõi chết nên anh Hiệp hiểu hơn bao giờ hết giá trị của cuộc sống. Đó cũng chính là bước ngoặt định mệnh để anh đoạn tuyệt ma túy. Không chỉ quyết tâm làm lại cuộc đời, mà sau đó anh còn tự nguyện trở thành "bác sĩ" cứu sốc cho biết bao con nghiện.

Cơ duyên dẫn anh Hiệp trở thành “bác sĩ bất đắc dĩ” cũng rất tình cờ. Một lần đi trên đường, thấy đám người lố nhố cứu sốc cho một người nghiện, anh nảy ra ý định làm đơn xin gia nhập nhóm cộng đồng “Vòng tay bè bạn”.

Để người ta có thể biết tới mình mà gọi khi gặp con nghiện sốc thuốc, anh Hiệp đã phải đi khắp các bến xe, bến tàu, gầm cầu, các quán nước trà… nơi mà anh biết con nghiện thường hay “dặt dẹo” ở đó để dán số điện thoại.

Anh bảo: “Có số điện thoại rồi, người ta sẽ gọi mình bất kể lúc nào. Trời mưa hay nắng, ban ngày hay ban đêm mình đều có thể bị gọi đi. Có những đêm trời rét căm căm đang nằm ngủ trong chăn ấm cũng bị "bốc" dậy. Rét đã đành chứ thêm cả mưa nữa thì khủng khiếp lắm, cả "bác sĩ" lẫn con nghiện đều run bần bật, ướt như chuột lột".

Lật từng trang cuốn sổ ghi chép tên tuổi những người nghiện được anh giúp đỡ, anh Hiệp vui vẻ cho biết, tới thời điểm hiện tại, con số đã vượt hơn 500 người. Mô tả về công việc của mình, anh chia sẻ: "Mỗi một ca cứu sốc ma túy thường mất ít nhất là 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Đó cũng là quãng thời gian đủ để cho con nghiện tỉnh dậy.

Trở ngại lớn nhất trong hành trình thực hiện công việc của mình chính là những ánh mắt kì thị của nhiều người xung quanh. Dường như có những người họ không cần hiểu thấu đáo mục đích việc làm của tôi, họ chỉ thấy khi bắt gặp hình ảnh con nghiện đang sốc thuốc là vô cùng phiền toái. Thậm chí có những lần đi cứu sốc, người nhà tưởng mình cũng là con nghiện nên thẳng tay ra đòn.

Thế nên chuyện mình đôi lúc bị đấm chảy máu mồm hay rách mắt không phải là hiếm. Mỗi lần như thế tôi cũng thấy tủi thân và tự ái lắm. Nhiều lúc cũng muốn bỏ nghề cho rảnh nhưng cứ nghĩ đến quá khứ của mình, nhớ đến những gì mình đã phải trải qua thì lại cố gắng gạt bỏ mọi thứ để tiếp tục công việc".

Không chỉ đơn thuần làm công việc cứu sốc, mà hàng tuần Hiệp cùng các đồng nghiệp trong nhóm “Vòng tay bè bạn” vẫn đến các khu gầm cầu, những nơi được coi là ổ nghiện để trò chuyện, động viên, tuyên truyền các con nghiện từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời.

Với những con nghiện có tinh thần hướng thiện, anh sẽ cùng với các đồng nghiệp tư vấn, hướng dẫn họ tiếp cận những cơ sở cai nghiện bằng methadone trong thành phố. Anh Hiệp cười bảo: "Mỗi lần giúp được một con nghiện từ bỏ ma túy làm lại cuộc đời mình thấy hạnh phúc lắm”.

Theo Nguyễn Minh Lương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h