Lương cơ sở là mức lương làm căn cứ tính mức đóng cũng như mức hưởng của nhiều chế độ khác. Vậy việc tăng lương cơ sở đối với người lao động từ ngày 1/7/2024 có tác động như thế nào đối với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, lương hưu...
Trả lời về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, theo Điều 89, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở.
Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động
Như vậy, tiền lương của người lao động là căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Từ ngày 1/7/2024 tăng lương cơ sở đối với người lao động thì tỷ lệ phần trăm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn giữ nguyên; còn mức lương đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp sẽ căn cứ trên thang bảng lương hoặc hợp đồng lao động.
Do đó, tăng lương cơ sở đối với người lao động thì có những tác động như sau:
Tăng mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) tối đa
Theo quy định tại khoản 1, Điều 18 Quyết định số 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì mức đóng BHYT của người lao động là 1,5%.
Tại khoản 3, Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định trường hợp tiền lương tháng của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHYT bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Do vậy, lương cơ sở từ 1/7/2024 tăng lên 2.340.000 đồng/tháng thì mức đóng BHYT tối đa của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cũng tăng lên. Cụ thể: Tăng từ 540.000 đồng/tháng lên 702.000 đồng/tháng.
Đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã phường thì theo quy định tại khoản 2, Điều 18 Quyết định số 595/QĐ-BHXH năm 2017 được tính bằng 1,5% mức lương cơ sở. Vì vậy, từ 1/7/2024 mức lương cơ sở tăng thì người hoạt động không chuyên trách ở xã phường sẽ đóng BHYT với mức cao hơn so với hiện nay, cụ thể: Mức đóng BHYT hiện nay là 27.000 đồng/tháng, khi áp dụng mức lương cơ sở mới sẽ đóng ở mức 35.100 đồng/tháng.
Tăng lương cơ sở từ 1/7 sẽ làm thay đổi các mức đóng, hưởng của người lao động ở các khoản khác thế nào? (Ảnh minh họa)
Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tối đa
Hằng tháng người lao động trích 8% mức tiền lương tháng của mình để đóng BHXH bắt buộc. Trong trường hợp, mức lương này cao hơn 20 lần tháng lương cơ sở thì mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc bằng 20 lần tháng lương cơ sở. Do đó, mức lương cơ sở tăng từ ngày 1/7/2024, thì mức đóng quỹ BHXH tối đa cũng tăng. Cụ thể: Tăng từ 2.880.000 đồng đồng/tháng lên 3.744.000 đồng/tháng.
Tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa
Hằng tháng, người lao động đóng 1% bảo hiểm thất nghiệp và nếu mức lương cao hơn 20 lần tháng lương cơ sở thì mức lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 20 lần tháng lương cơ sở. Khi mức lương cơ sở tăng thì mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa cũng tăng. Cụ thể: Tăng từ 360.000 đồng/tháng lên 468.000 đồng/tháng.
Tăng mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau
Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở theo quy định tại khoản 3, Điều 29, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Từ ngày 1/7/2024, mức trợ cấp này cũng được tăng. Cụ thể: Tăng từ 540.000 đồng/ngày lên 702.000 đồng/ngày.
Tăng mức trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi
Theo quy định tại Điều 38, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì lao động nữ sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được trợ cấp 1 lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp 1 lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con. Cụ thể: Tăng từ 3.600.000 đồng lên 4.680.000 đồng.
Tăng mức dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở theo quy định khoản 3, Điều 41, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Do đó, từ ngày 1/7/2024 mức trợ cấp này cũng được tăng. Cụ thể: tăng từ 540.000 đồng/ngày lên 702.000 đồng/ngày.
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Tăng mức lương hưu thấp nhất
Theo quy định tại Điều 56 và Điều 71, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì mức hưởng lương hưu thấp nhất cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là bằng mức lương cơ sở. Như vậy, khi lương cơ sở tăng lên 2.340.000 đồng/tháng thì mức lương hưu thấp nhất sẽ là 2.340.000 đồng/tháng.
Tăng mức trợ cấp mai táng
Theo quy định tại khoản 2, Điều 66, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động chết. Khi mức lương cơ sở tăng thì mức trợ cấp mai táng cũng tăng. Cụ thể: Tăng từ 1.800.000 đồng/tháng lên 2.340.000 đồng/tháng.
Tăng mức trợ cấp tuất hàng tháng
Theo quy định tại Điều 68, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở. Do đó, khi lương cơ sở tăng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng cũng tăng. Cụ thể:
Mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân đủ điều kiện hưởng bằng 50% mức lương cơ sở. Tăng từ 900.000 đồng/tháng lên 1.170.000 đồng/tháng.
Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức lương cơ sở. Tăng từ 1.260.000 đồng/tháng lên 1.638.000 đồng/tháng.