Trong thư tuyệt mệnh, ông Linh viết: “Con người ta có thể chịu đói, chịu khổ, chịu nhiều nỗi bất hạnh nhưng khó có thể chịu đựng những oan ức, uất hận và bế tắc… Tôi đã ở tuổi 70, không còn đủ sức mạnh để đương đầu… Đối với tôi bây giờ, chỉ còn cách duy nhất, tốt nhất cho sự giải thoát là tự sát”.
Khoảng 9h ngày 21/10, ông Vương Chí Linh (SN 1943, ngụ phường 7, quận Gò Vấp, TP HCM) đã dùng hóa chất đổ lên đầu bà Nguyễn Thị Tường Vân (SN 1964, ngụ quận 3, vợ đã ly hôn). Sau đó, ông Linh chạy vào nhà khóa cửa, dùng xăng tự thiêu. Bà Vân bị thương tích ở vùng đầu và họng do nuốt phải hóa chất, được người dân đưa đi cấp cứu. Còn ông Linh đã tử vong trước khi lực lượng PCCC đến dập tắt đám cháy.
Bất ngờ nộp đơn ly hôn
Theo người thân của ông Linh, ông từng có một đời vợ và 2 con riêng nhưng đã ly hôn. Năm 2002, ông Linh kết hôn với bà Vân. Trước đó, cả 2 đều có tài sản riêng là nhà và đất ở quận Bình Thạnh, quận 9. Theo thời gian, khối tài sản này càng lớn, ông Linh để bà Vân đứng tên.
Trong đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng, ông Linh cho biết năm 2007, ông đã tình nguyện viết giấy tặng toàn bộ tài sản của mình - trị giá hơn 30 tỉ đồng - cho bà Vân. Bà Vân phải có trách nhiệm lo toan cuộc sống của ông đến khi ông qua đời, lúc đó bà mới có quyền định đoạt toàn bộ khối tài sản. Tuy nhiên, sau khi ông ký giấy tặng cho tài sản, bà Vân bất ngờ nộp đơn ly hôn.
Thi thể ông Vương Chí Linh được đưa ra khỏi hiện trường.
Năm 2010, TAND quận Gò Vấp xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn và tuyên toàn bộ tài sản thuộc về bà Vân. Ông Linh kháng cáo, yêu cầu TAND TP HCM xử phúc thẩm xem xét lại phần tài sản. Dựa trên những chứng cứ, hồ sơ và đối chất giữa các bên, TAND TP HCM tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.
Ông Linh tiếp tục làm đơn giám đốc thẩm và khiếu nại đến các cơ quan chức năng. Mới đây, cơ quan thi hành án dân sự đã cưỡng chế, yêu cầu ông giao căn nhà ở đường số 3, phường 7, quận Gò Vấp cho bà Vân.
“Tốt nhất là tự sát”
Trong thư tuyệt mệnh, ông Linh viết: “Con người ta có thể chịu đói, chịu khổ, chịu nhiều nỗi bất hạnh nhưng khó có thể chịu đựng những oan ức, uất hận và bế tắc… Tôi đã ở tuổi 70, không còn đủ sức mạnh để đương đầu, không còn đủ thời gian để chờ đợi… Đối với tôi bây giờ, chỉ còn cách duy nhất, tốt nhất cho sự giải thoát là tự sát”.
Cũng trong thư tuyệt mệnh, ông Linh cho biết đã gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng, nhờ sự tư vấn và giải quyết tranh chấp từ phía luật sư. Tuy nhiên, ông đều nhận được những gợi ý phải “chạy án với số tiền hàng trăm triệu đến bạc tỉ”.
Khi nghe tin ông Linh tự thiêu, một số người bạn ở Bình Dương tức tốc chạy đến hiện trường. Một người bật khóc: “Chúng tôi chơi với nhau rất thân. Mấy tháng nay ông ấy buồn bã, ôm hồ sơ đi khắp nơi khiếu nại và buột miệng nói nếu không được ở trong ngôi nhà của mình sẽ tự sát. Chúng tôi đã khuyên răn, bảo chuyện đâu còn có đó nhưng không ngờ, ông ấy lại hành động như vậy”.
Một người bạn khác, ông Đạt (60 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) cho biết: “Ông Linh là cán bộ hưu trí của một tổng công ty. Những tưởng ông làm lụng cả đời, về già sẽ an nhàn, không ngờ... Cách đây vài ngày, ông ôm hồ sơ đến nhờ tôi xem, trong đó có quyết định cưỡng chế của cơ quan thi hành án. Ông ấy nói nếu ra khỏi ngôi nhà đang ở, ông cũng không biết đi về đâu...”.
“Tòa xử đúng, không oan sai” Trao đổi với phóng viên tại bệnh viện, người nhà bà Vân cho biết sáng 21/10, cơ quan thi hành án dân sự đã mời ông Linh và bà đến làm việc liên quan đến bản án tòa tuyên trước đó. “Khi chúng tôi liên lạc, ông Linh vui vẻ nhận lời và không có biểu hiện gì giận dữ. Không ngờ...” - em trai bà Vân nói. Cũng theo người này, ông Linh và bà Vân mâu thuẫn từ nhiều năm qua. Khi tòa xử ly hôn, tài sản là căn nhà 2 người chung sống được tòa tuyên thuộc về bà Vân nhưng ông Linh vẫn ở đó. Cho rằng tòa “ăn chia” với bà Vân, ông Linh đã nhiều lần có lời lẽ không hay với bà. “Dĩ nhiên chị tôi chứng minh được số tài sản là của mình nên tòa mới tuyên như vậy. Không có gì là oan sai cả” - em bà Vân khẳng định. |