Vì tham lam và ngu muội, 3 vị hoàng đế này đã bị một thứ xuân dược tước đi mạng sống một cách thê thảm.
Trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, bắt đầu từ Tần Thủy Hoàng, có rất nhiều hoàng đế đều hy vọng mình có thể trường sinh bất lão. Nhiều người vì muốn lấy lòng hoàng đế mà đã giở chiêu trò, sử dụng những biện pháp đen tối và đáng sợ để có được thứ thuốc được cho là "trường sinh". Nhưng cuối cùng, tất cả những loại thần dược đó đều vô ích, khiến bậc đế vương trở nên ốm yếu hoặc mất mạng.
Câu chuyện về đan được trường sinh nổi tiếng nhất lịch sử phải kể đến "hồng diên hoàn". Thứ thuốc được cho là xuân dược, thần dược này đã được 3 vị hoàng đế nhà Minh tin dùng và đều tiễn họ về nơi cực lạc.
Gia Tĩnh Minh Thế Tông muốn trường sinh bất lão
Vào thời Minh Thế Tông, nhà vua sùng bái Đạo giáo nên đã tích cực luyện đan dược. Trong cung khi ấy có tên quan coi kho tên Đào Trọng Văn đã hiến cho Minh Thế Tông một phương thuốc có tên "hồng diên hoàn", được ca ngợi là giúp người trẻ ra, khí huyết lưu thông, sức khỏe cường tráng, mạnh mẽ và cực dẻo dai trong chốn phòng the.
Loại thuốc này khi bào chế thì cần kinh nguyệt của trinh nữ. Sau đó, máu kinh (hồng diên) được pha thêm sương đêm, ô mai, đem sắc 7 lần. Sắc xong còn cho thêm trầm hương, chu sa, nhựa thông... vào để luyện cô đặc lại thành thuốc viên.
Chính vì tin vào công thức xuân dược quán đản này mà Minh Thế Tông đã tổ chức nhiều đợt tuyển trinh nữ từ 11-16 tuổi để lấy kinh nguyệt. Cuốn "Minh thực lục" ghi lại: Từ năm 1547-1564, hoàng đế đã tuyển hơn 1.000 thiếu nữ vào cung. Để lấy được nguyên liệu, Đào Trọng Văn đã cho những cô gái trẻ dùng thuốc kích huyết. Nhiều người vì chuyện này mà mất mạng.
Minh Thế Tông sau khi dùng thuốc thì tính tình trở nên nóng nảy, thường xuyên đánh đập, thậm chí hạ sát những cung nữ xung quanh mình. Chịu hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần, một cung nữ tên Dương Kim Anh đã cầm đầu một cuộc nổi loạn, định dùng dây thừng siết cổ hoàng đế trong lúc ông ta say ngủ. Tuy nhiên, vì quá lo lắng, những cung nữ này đã hành thích vua thất bại.
Sau khi thoát chết, Minh Thế Tông vẫn tiếp tục sử dụng hồng diên hoàn. Uống thuốc trường sinh, hoàng đế không khỏe ra mà ngày càng cáu kỉnh. 9 năm sau, ông qua đời vì ngộ độc ở tuổi 59.
Long Khánh Minh Mục Tông hoang dâm
Con trai Minh Thế Tông là Minh Mục Tông sau khi lên kế vị cũng quan tâm đến hồng diên hoàn, nhưng việc sử dụng đan dược của ông ta có mục đích khác với bố mình. Là một người ham muốn sắc dục mạnh mẽ, lên ngôi khi đã lớn tuổi nên Minh Mục Tông muốn có một loại thuốc hỗ trợ mình trong chuyện chăn gối.
Sau khi dùng hồng diên hoàn, nhu cầu của Minh Mục Tông càng mạnh. Hàng ngày, hoàng đế không lo chuyện triều chính mà chỉ ở trong cung làm chuyện nam nữ. Chính vì hoang đâm vô độ mà chỉ sau 6 năm tại vị, Minh Mục Tông đã qua đời ở tuổi 36.
Cái chết thê thảm của Minh Quang Tông
Câu chuyện của Minh Quang Tông (Chu Thường Lạc), cháu Minh Mục Tông còn thê thảm hơn. Sau khi lên kế thừa ngai vàng, Chu Thường Lạc bắt đầu phóng túng dục vọng khiến cơ thể ngày càng suy nhược. Có đêm, nhà vua "mây mưa" với nhiều mỹ nữ cùng lúc. Người đã yếu lại ra gió, ham mê nữ sắc, chẳng mấy chốc Chu Thường Lạc đổ bệnh.
Lúc bấy giờ, Càn Thanh cung nội, Đề đốc Lưỡng Tư phòng, Đề đốc Binh trượng chưởng cục ấn, Ngự mã giám thái giám, Đề đốc thái giám điện Thành Tế là Thôi Văn Thăng cho rằng hoàng đế bị nóng trong nên đã kê cho ông các phương thuốc giải nhiệt, nhuận tràng. Hoàng đế uống thuốc xong thì đi tả liên tục, 2 ngày sau không thể lên triều, nằm trên giường không thể ngóc đầu dậy, hơi thở yếu ớt.
Lúc đó, ở Hồng Lư tự có viên quan tên Lý Khả Chước nói mình có thuốc tiên chữa được bách bệnh, chính là hồng diên hoàn. Chu Thường Lạc uống 2 viên thấy tinh thần phấn chấn đến lạ, nhịp thở đều trở lại, ngủ ngon hơn nên tấm tắc khen Lý Khả Chước là trung thần và ra lệnh ban thưởng. Thấy thuốc có tác dụng, hoàng đế tiếp tục uống thêm bất chấp lời thái y khuyên nên để hôm khác. Cuối cùng, Chu Thường Lạc chỉ mới tại vị được 29 ngày đã qua đời.
Những vị hoàng đế cổ đại vì lòng tham và sự thiếu hiểu biết mà đã bị lang băm lừa tin vào hồng diên hoàn. Vào cuối thời Minh, nhà dược học Lý Thời Trân đã lên tiếng về nguyên liệu chính làm nên thứ thuốc này. Theo đó, kinh nguyệt là thứ không sạch sẽ nhưng đã bị phương sĩ dùng tà thuật để tô vẽ, biến thành thứ thần dược bí truyền. Chỉ có những kẻ ngu muội mới tin vào nó và đưa thứ uế trọc này vào người, làm tổn thương khí huyết, sinh ra đủ thứ bệnh.