Không chỉ bám trường, bám lớp, nhiều người thầy không ngại ngần trồng rau, vào bếp để cải thiện bữa ăn cho học trò nghèo.
Bước vào năm học 2014-2015, ngành giáo dục huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum có 17 trường bán trú. Tuy nhiên, hiện chỉ có 3 trường xây dựng được bếp ăn kiên cố. Các trường còn lại, thầy và trò cùng nhau xoay xở.
Giúp sức để học trò có bữa ăn trưa
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Măng Ri cách trung tâm huyện gần 50 km. Ngôi trường nằm ngay dưới chân núi Ngọc Linh và được xem là một trong những trường xa và khó khăn nhất trên địa bàn huyện.
Thầy Tưởng Văn Quang, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS xã Măng Ri, chuẩn bị bữa ăn cho học trò.
Toàn trường có 129 học sinh thì có 81 em được hưởng chế độ bán trú. Hằng ngày, các em phải ăn trưa tại trường để chuẩn bị cho buổi học chiều. Tuy nhiên, do chưa có kinh phí nên 2 bếp ăn đang được làm tạm bợ bằng ván gỗ, mái tôn.
Hai bếp ăn như 2 căn nhà cấp 4 lụp xụp, ván gỗ có tấm đã rã mục nếu đụng mạnh tay có thể rơi ngay xuống. Thầy Lê Danh Chiến, giáo viên của trường, cho biết: “Hai căn nhà gỗ này là thành quả của cả tập thể. Nhà trường đã rất nỗ lực cùng chính quyền địa phương vận động người dân chung tay giúp sức”.
Trường Phổ thông bán trú THCS xã Ngọc Yêu, Trường Phổ thông bán trú THCS xã Ngọc Lây… cũng nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và người dân để cùng xây dựng những nhà ăn cho học sinh bán trú.
Thầy Lê Văn Hoàn, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Tu Mơ Rông, cho biết năm học 2014-2015, toàn huyện có tổng số 2.452 học sinh được hưởng chế độ bán trú. “Do điều kiện cơ sở vật chất phục vụ học sinh bán trú còn quá thiếu thốn, nhất là phòng ở và bếp ăn. Để có chỗ nghỉ ngơi cho học sinh, phòng giáo dục đã chỉ đạo sắp xếp phòng làm việc của giáo viên theo hướng gọn nhằm tạo chỗ ở cho học sinh nhưng cũng không khắc phục được là bao” - thầy Hoàn chia sẻ.
Hiệu trưởng cũng vào bếp
Để nấu ăn cho học sinh bán trú, có trường vận động được phụ huynh đóng góp, được sự đồng ý của chính quyền xã thì thuê người nấu ăn. Có nơi phụ huynh thay nhau tới trường nấu ăn. Đặc biệt, ở nhiều trường, thầy cô và học sinh chung tay cùng lo bữa.
Tại phòng ở tập thể của giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Măng Ri, lịch phân công nấu ăn được dán ở vị trí dễ nhìn nhất. Đặc biệt, trong lịch này, thầy Tưởng Văn Quang, hiệu trưởng nhà trường, cũng được phân công nấu ăn cho học sinh vào thứ hai và thứ năm như bao giáo viên khác.
Thầy Quang chia sẻ vì điều kiện còn nhiều thiếu thốn nên giáo viên nhà trường phân công nhau cùng nấu, một số học sinh phụ giúp bằng cách nhặt mớ rau, bóc củ hành. Có bữa ăn bán trú buổi trưa, học sinh học tốt lên rất nhiều. Buổi sáng, các em được học chính khóa, ăn trưa xong, nghỉ ngơi để chiều được thầy cô phụ đạo thêm. “Nấu ăn cho học sinh cũng như nấu ăn cho mình. Giáo viên tuy chịu cực một chút nhưng học sinh ngày càng tiến bộ nên ai cũng vui” - thầy Quang chia sẻ.
Cũng vì điều kiện xa trung tâm huyện nên hằng ngày, nguồn thực phẩm nấu ăn cho học sinh đều trông chờ vào những người bán hàng rong từ huyện Đắk Tô, Đắk Hà chở lên để mua. Đôi khi giá cả đắt đỏ do vận chuyển, các thầy cô đều phải tính toán sao cho bữa ăn không bị thiếu hụt.
Thay vì trồng hoa, Trường Phổ thông bán trú Dân tộc thiểu số Tu Mơ Rông trồng rau, vừa tạo cảnh quan vừa cải thiện bữa ăn cho học sinh. Cuối giờ học buổi chiều mỗi ngày, từng tốp học sinh xách nước tưới rau, tốp khác lui hui nhặt cỏ trong tiếng cười vui vẻ.
Thầy Hoàng Văn Hải, hiệu trưởng nhà trường, cho biết dù trên danh nghĩa là trường bán trú nhưng thực ra đây là ngôi trường nội trú vì học sinh trong cả huyện đều theo học, ăn, ở luôn tại trường. “Cả trường có 102 học sinh bán trú, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung. Đáng lý ra chỉ ăn một bữa trưa nhưng do các em ăn, ngủ luôn tại trường nên nhà trường phải tự cân đối, một ngày nấu cho các em ăn 2 bữa trưa và tối. Vì vậy, giáo viên cùng học sinh trồng rau ngay trong sân trường để cải thiện bữa ăn”.
Thiếu quá nhiều phòng học Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, tỉnh này hiện còn thiếu 407 phòng học bán trú tại các trường phổ thông dân tộc bán trú, phục vụ cho học sinh vùng khó khăn. Bên cạnh đó, cũng thiếu 336 phòng học các cấp trong diện phòng tạm, mượn nhờ người dân để phục vụ giảng dạy. Những huyện thiếu nhiều nhất là Đắk Glei 79 phòng, TP Kon Tum 71 phòng, huyện Tu Mơ Rông 25 phòng, huyện Kon Rẫy 22 phòng... chủ yếu thiếu ở cấp tiểu học và mầm non. |