"Dù công trình gì vẫn dứt khoát chấm dứt việc cần cẩu treo trên đầu mà người dân cứ vô tư đi qua lại".
Những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại các điểm thi công tuyến đường sắt đô thị Hà Nội vẫn ám ảnh người dân Thủ đô. Trong khi đó, cả Hà Nội đang trở thành một đại công trường với nhiều điểm có giàn giáo nặng cả nghìn tấn luôn rình rập trên đầu người dân qua đường.
Cần cẩu trên đầu, phương tiện vô tư qua lại
Trả lời phóng viên, TS. Phạm Thanh Bình (Viện trưởng Viện Quy hoạch giao thông) cho biết, về nguyên tắc, công trình giao thông đang thi công phải cách ly với người tham gia giao thông theo một khoảng cách nhất định, đủ rộng.
Người dân vô tư đi lại qua các công trình thi công
TS. Bình có ý kiến, về tổ chức giao thông, theo kinh nghiệm thực tế, khi đang thi công một công trình giao thông, cơ quan chức năng phải chặn hết tất cả lối đi vào đường này, khi nào xây dựng xong mới mở đường trở lại cho người đi.
TS. Bình thừa nhận, Việt Nam vẫn chưa có điều kiện làm điều này. Chặn đường để phục vụ thi công rất khó vì không có đường thay thế. Tuy nhiên, Sở giao thông vẫn cần đưa ra một số biện pháp cụ thể, tổ chức lại giao thông ở những khu vực này.
Bà Tiến sĩ đơn cử, cách tổ chức giao thông Hà Nội từng thực hiện ở công trình đường vành đai 3 cấm toàn bộ ô tô con để giảm ùn tắc giao thông là không khả thi vì lại gây ùn tắc ở đoạn đường khác. Do đó, lực lượng chức năng vẫn phải cho xe con đi và chỉ cấm xe taxi.
Trong quá trình thi công, nếu không có biện pháp thay thế thì đòi hỏi đơn vị quản lý, đơn vị thi công công trình phải tăng cường lực lượng, cảnh báo nhiều hơn.
PGS.TS Nguyễn Lân (nguyên Kiến trúc sư trưởng đầu tiên của Hà Nội) thì nêu quan điểm, tổ chức giao thông lẫn lộn giữa công trình thi công ở trên cao cùng với người đi lại tự do như hiện nay rất nguy hiểm.
Theo TS. Lân, giao thông cần phải phân đoạn. Tập trung thi công đoạn nào thì phải chặn hai đầu đoạn đó, không cho các phương tiện qua lại. Cơ quan chức năng phải tìm những đường đi vòng, hướng dẫn người dân tránh đoạn đường đó.
Ông Lân cho rằng, Hà Nội ngày nay đã có rất nhiều tuyến đường có thể tránh. Đơn cử như đường Nguyễn Trãi (nơi đang thi công đường sắt trên cao), có thể được tổ chức đường tránh như đường Lê Văn Lương. Đường này cũng đi thẳng được đến Hà Đông.
TS. Lân nhấn mạnh: "Dù công trình gì vẫn dứt khoát chấm dứt việc cần cẩu treo trên đầu mà người dân cứ vô tư đi qua lại. Các công trình cũng nên tranh thủ làm việc ban đêm nhiều hơn".
Các thanh sắt không được cố định, có thể rơi xuống đường bất cứ khi nào
Quản lý cẩu thả
Kiến trúc sư Nguyễn Nga (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Bảo tồn Phát triển cầu Long Biên) cho rằng, không chỉ riêng đường sắt đô thị mà nhiều công trình thi công tại Việt Nam vấp phải điều đáng lo ngại này.
"Cách quản lý chưa chặt chẽ, cẩu thả, hoặc không mua đúng thiết bị theo tiêu chuẩn, thậm chí bòn rút là điều làm cho các công trình chúng ta xây ra khó có được sự an toàn" - bà Nga nói.
Theo bà Nga, việc không tôn trọng tiêu chuẩn kỹ thuật làm cho các công trình của mình làm đều trở nên nguy hiểm. Trong đó, vấn đề quan trọng là do tổ chức và quản lý.
KTS Nguyễn Nga nêu dẫn chứng về chiếc cầu Long Biên được xây dựng đã hơn 110 năm. Việc thi công công trình có 40 kỹ sư Pháp và 3.000 công nhân Việt Nam. Thời điểm đó, thi công công trình như vậy rất khó, nhưng cách làm việc trong cuộc thi công công trình cầu Long Biên đã tuân thủ các chặt chẽ các tiêu chí xây dựng.
Bà Nga lấy ví dụ về sự chặt chẽ tỉ mỉ trong thi công mà bà từng tìm hiểu kỹ tại một công trình nhà máy làm ống chịu lực để cấp nước ở nước ngoài. Khi cấp nước, người công nhân đúc ống này vào ống kia để tạo nên một đường dây dài dưới nước.
Khi bà chứng kiến các đơn vị nước ngoài thi công, người ta luôn đo đúng độ ống A lắp với ống B và đánh dấu đỏ. Người công nhân cứ theo dấu làm đúng tiêu chí đó. Đó là ngưỡng an toàn.
Nếu chỉ có một vấn đề đó mà không chặt chẽ thì công nhân sẽ không cơ sở để tuân thủ. Người lắp nông, người lắp sâu vô tội vạ. “Lắp xong rồi, ống sẽ rõ rỉ những đã nằm trong lòng đất, ai biết ở đâu mà chữa” – bà Nga nói.