Hầu hết các mặt hàng thực phẩm đồng loạt tăng từ 5% - 10% theo giá thịt lợn, tiểu thương và cả người tiêu dùng đều lâm vào cảnh dở khóc dở cười.
Nhiều thực phẩm rủ nhau tăng 5% - 10% theo giá thịt lợn
Còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng chị em nội trợ càng ngày càng đau đầu với bài toán kinh tế bởi giá thịt lợn tăng phi mã khiến các mặt hàng thực phẩm khác "nhảy múa" theo.
Theo khảo sát của phóng viên, giá thịt lợn bán tại các chợ dân sinh vẫn đang nằm ở mức cao chưa từng thấy trong vài năm trở lại đây. Thịt ba chỉ dao động ở mức 200.000-230.000 đồng/kg. Sườn non khoảng 220.000-250.000 đồng/kg, có nơi bán tới 280.000 đồng/kg. Còn các loại khác như thịt mông, thịt thăn, chân giò, nạc vai... khoảng 150.000 đồng/kg. Một tiểu thương ở chợ cóc trên đường 800A (Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết mức giá này biến động mỗi ngày, tùy vào sức mua của người dân.
Các tiểu thương không dám nhập hàng nhiều như trước vì sức mua giảm hơn một nửa so với trước đó
Tại các siêu thị ở Hà Nội, sườn non được niêm yết giá 260.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 230.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại một siêu thị lớn ở quận Tân Phú (TP.HCM), sườn non lợn được niêm yết giá 280.000 đồng/kg, nạc đùi lên 175.000 đồng/kg, thịt vai 145.000 đồng/kg, xương đuôi lợn 130.000 đồng/kg...
Do thịt lợn tăng phi mã, các chị em nội trợ chuyển sang mua thịt gà, thịt bò, cá, hải sản, trứng... Vì thế, những loại thực phẩm này cũng rủ nhau tăng theo 5% - 10%.
Chị Trang (một tiểu thương ở chợ cóc đường Nguyễn Quý Đức) cho biết khoảng nửa tháng này giá thịt bò tăng thêm khoảng 10.00 đồng/kg. Thịt thăn bò, thịt mông bò từ 250.000 tăng lên 260.000 đồng/kg, thịt diềm thăm bò từ 220.000 tăng lên 230.000 đồng/kg.
Cạnh hàng thịt bò, các quầy, tôm, hải sản, thịt gà cũng đua nhau tăng giá theo. Thịt gà ta tăng 10.000 - 30.000 đồng/kg, tôm sú, tôm bạc tăng thêm 10.000 - 20.000 đồng/kg mỗi loại, mực ống từ 240.000 đồng lên 250.000 đồng/kg, chỉ có cá vẫn đang giữ nguyên giá. Những tiểu thương ở khu chợ này giải thích nguyên nhân tăng giá là do dịch chuyển từ ăn thịt heo sang các loại thực phẩm khác. Hơn nữa, chi phí tháng gần Tết cũng tăng cao nên đội giá lên.
Tiểu thương muốn... bỏ chợ, chị em nội trợ đau đầu trong bão giá
Tình trạng thịt lợn tăng giá khiến các tiểu thương cũng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười. Tại chợ Ngã Tư Sở, các sạp thịt lợn chỉ bày rất ít ở trên bàn, người mua đìu hiu còn người bán "ngáp dài ngáp ngắn".
Chị Hà (một tiểu thương ở đây) chia sẻ: "Những ngày qua, những người bán thịt lợn như chúng tôi chọc ghẹo nhau rằng lợn tăng giá thế này tha hồ giàu. Nói cho vui vậy thôi chứ thực chất ai cũng không dám nhập hàng nhiều, mỗi ngày chỉ lấy khoảng 20kg bởi người mua giảm đi 1 nửa, thậm chí giảm tới 2/3. Có những hôm không bán hết phải mang về nhà để tủ đá ăn dần hoặc chấp nhận bán lỗ vốn để giữ chân khách quen".
18h30 tại chợ cóc trên đường Nguyễn Quý Đức, các sạp thịt lợn vẫn còn đầy hàng vì lượng người mua giảm mạnh
Còn chị Nga (ở chợ Thành Công) cho biết không chỉ giá nhập tăng mà lượng hàng cũng khan hiếm, có khi còn phải tranh cướp mới lấy được mấy chục cân thịt để bán. Trước đây mỗi ngày 2 vợ chồng chị Nga bán hết cả con lợn thì gần đây, ngày nào đắt hàng cũng chỉ được 20-30kg. Chồng chị phải chuyển sang chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập chứ 2 vợ chồng cùng bán thịt lợn thì sẽ rất túng thiếu. Chị Nga cho biết thêm, một số tiểu thương ở khu chợ này đã phải tạm nghỉ bán vì nhiều hôm không thu đủ vốn.
Không chỉ tiểu thương mà các chị em nội trợ cũng loay loay với bài toán "bão giá". Nhiều chị em phàn nàn cầm 100.000 đi chợ mà như bị ai ăn trộm, nghĩ nát óc mới mua được bữa ăn cho cả nhà để vừa đủ lượng, vừa đủ chất, mà còn phải đổi món thường xuyên để không ngán. Thay vì sử dụng thịt lợn trong bữa cơm hàng ngày, chị em dịch chuyển sang sử dụng các các thịt thay thế như cá, gà, bò,..
Các mặt hàng khác như giò chả cũng tăng giá từ 5%-10% (Ảnh: Tiền Phong)
Chị Lan (ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, trước đây 100.000 đồng tôi dễ dàng mua đồ ăn cho gia đình 4 người, 2 món mặn và vài món phụ. Thế nhưng bây giờ, từng đấy tiền để cả nhà ăn đủ ăn thực sự là một bài toán khó. Ví dụ ăn thịt lợn thì mua 5 lạng thịt ba chỉ khoảng 45.000 đồng, canh ngao hoặc canh cá 30.000 đồng, đậu phụ 10.000, rau 10.000 đồng. Còn giờ mua mỗi thịt lợn 5 lạng đã hơn 100.000 đồng rồi. Mà mâm cơm không thể chỉ có mỗi một món, còn phải có những món ăn kèm nữa.
"Nhiều hôm đi chợ, tính đi tính lại tôi vẫn không biết mua gì cho bữa tối. Giờ chỉ có mỗi cá với rau là giá cả ổn định, nhưng chẳng nhẽ cứ ăn cá mãi", chị Lan than thở.
Chị em nội trợ bày cách đối phó với giá cả thực phẩm tăng "phi mã"
Không chị mỗi chị Lan và nhiều bà nội trợ khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Và để đối phó với "bão giá", nhiều người phải bỏ công ra để làm những món công phu hơn để tiết kiệm chi phí. Chị Hòa (ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết chị có con nhỏ, nhưng cuối tuần vừa rồi phải nhờ chồng trông con hộ để ra chợ mua đồ về làm chả cá, nem rán ăn đổi bữa trong tuần.
Trên các diễn đàn về ẩm thực, chủ đề làm gì để đối phó với thịt lợn tăng giá đang được chị em bàn tán rôm rả
"Làm những món này tiền nguyên liệu không quá nhiều mà lại không ngán. Chứ giờ thịt lợn đắt đỏ, còn thịt bò, thịt gà cũng tăng theo, đi chợ loay hoay không biết mua gì", chị Hòa nói.
Chị em nghĩ ra các món ăn khác, công phu hơn để tiết kiệm chi phí
Một số người khác phải nhờ mẹ mua đồ ở quê gửi ra vì dù sao giá cả ở quê cũng đỡ đắt đỏ hơn thành phố. "Cứ cuối tuần, mẹ chồng tôi lại gửi một thùng giấy thực phẩm, bao gồm cả cá, tôm, gà, rau để ăn trong tuần. Mua ở đây đắt đỏ, có khi cầm một trăm ra chợ như bị ai ăn trộm, vèo một phát hết sạch, mà đồ mua được cũng chẳng đáng là bao".
Nhà hàng, quán ăn nghĩ chiêu giữ khách
Trước áp lực giá thịt lợn liên tục tăng mạnh, các nhà hàng cũng đang quay cuồng nghĩ cách giữ chân khách mà lại không bị lỗ. Nhiều quán treo biển "mong khách thông cảm”, quán tăng thêm 2.000-5.000 đồng/suất hay xin bớt 1 miếng thịt để không phải tăng giá.
Mới đây, trên mạng xã hội đăng tải bức ảnh một quán ăn ở TP.CHM treo biển với nội dung: "Giá thịt lợn lên gần 200.000 đồng/kg, tạo sức ép lên giá tiêu dùng. Một tô vẫn 50K. Quán quyết không tăng giá. Nhưng tạm thời bớt một miếng heo quay".
Một nhà hàng ở TP.HCM treo biển không tăng giá, nhưng bớt một miếng thịt heo
Tấm biển này được cho là làm ấm lòng người tiêu dùng giữa thời buổi mà giá của các loại thịt đang "chạy đua" với nhau, tăng lên từng ngày. "Thời buổi này mà không tăng giá thì cũng nể ông chủ phết. Thôi thì mỗi bên san sẻ với nhau một ít, bớt đi một miếng thịt nhưng không phải trả thêm tiền thì khách hàng cũng thấy vui", một cư dân mạng bình luận.
Nhiều quán ăn khác cũng chủ trương không tăng giá, chấp nhận giảm lợi nhuận một thời gian. Anh Tuấn (chủ quán cơm trên đường Mai Anh Tuấn, Đống Đa) cho biết: "Giá cả leo thang, nếu không tăng giá thì lợi nhuận chắc chắn sẽ giảm, có hôm còn lỗ. Nhưng tôi nghĩ đây là việc nên làm để giữ chân khách quen".
Trong khi đó, nhiều quán ăn khác bắt buộc phải treo biển tăng từ 5.000 -10.000 đồng/suất. Bà Hoa (chủ quán phở trên đường Hoàng Cầu) chia sẻ: "Biết là tăng giá khách sẽ không vui, nhưng thời buổi "bão giá", duy trì một vài hôm còn được, chứ nếu kéo dài chúng tôi sẽ lỗ nặng, chậm chí còn phải đóng cửa".