“Tôi chỉ lo Hà Nội nhận "người học thuộc lòng" vào công chức. Mà những người chỉ biết học thuộc điều, luật, nhận vào cũng chả để làm gì, ấy là chưa kể họ sẽ phát sinh tiêu cực”, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ.
Hà Nội lý giải vì sao “siết” người ngoại tỉnh thi công chức
Điều kiện thi công chức Hà Nội: Quá chú trọng bằng cấp
Mới đây, Sở Nội vụ TP.Hà Nội công bố kết quả kiểm tra, sát hạch tiếp nhận công chức thi trượt trong kỳ tuyển dụng công chức TP.Hà Nội năm 2015.
Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, 30/63 thí sinh thuộc diện được đặc cách xét tuyển đã không qua được kỳ sát hạch. Điều đáng nói, trong số 30 người không đạt, 5 người có bằng thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài các ngành: Kinh tế, quản trị kinh doanh, quản trị tài chính, kỹ thuật hóa học và ngữ văn. Số còn lại đều là thủ khoa xuất sắc trong nước, cử nhân bằng giỏi nước ngoài.
Nội dung kiểm tra, sát hạch công chức bao gồm kiến thức về công vụ, công chức; kiến thức quản lý nhà nước chuyên ngành; vận dụng kiến thức chung và kiến thức quản lý nhà nước chuyên ngành vào thực tiễn công tác ở vị trí việc làm nếu được tiếp nhận; kỹ năng thuyết trình, tổng hợp và soạn thảo văn bản.
Tuyển người học thuộc lòng không khó
Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, mỗi cơ quan có một cách thi riêng. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước muốn tuyển đối tượng nào vào làm việc? Nếu muốn tuyển những người chỉ học thuộc hết các luật công chức không khó. Những người muốn thi qua các môn công chức, công vụ chỉ cần bỏ ra một tuần học thuộc lòng. Như vậy, Hà Nội cho đỗ thì không thể có chất lượng nhân sự tốt.
GS.TSKH Vũ Minh Giang.
GS Giang cũng cho biết, ông không tin thi các môn công chức, công vụ để đánh giá năng lực người này tốt, người kia tệ. Theo ông, những thủ khoa tốt nghiệp bao giờ cũng có nền tảng học vấn, phương pháp tiếp cận vấn đề khoa học. Do đó, thay vì “đánh đố” thí sinh học thuộc điều, luật, hãy đưa ra tình huống để họ ứng xử.
“Từng ngồi trong hội đồng tuyển dụng, tôi biết, muốn đánh trượt ai có khó gì. Người ra đề thi sẽ chủ động đưa ra hàng rào đánh đố thí sinh. Giám khảo cũng biết chắc chắn thí sinh không qua, sau đó họ giải thích. Mà cách giải thích muôn đời đúng”, GS Giang bày tỏ.
Ông nói: “Khi tuyển dụng, rất cần sự thật tâm: Muốn tuyển ai? Tôi không tin thủ khoa lại dốt nát và trượt nhiều như thế”.
Theo Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội: Thủ khoa trượt quy cho chất lượng đào tạo trong trường kém là không đúng. Bởi, những thủ khoa này ở hàng chục cơ sở đào tạo khác nhau. Họ không phải từ một nơi. Vì thế, không thể đánh giá, thủ khoa thi trượt do chất lượng đào tạo kém.
“Dù tôi không sốc với kết quả do Sở Nội vụ Hà Nội công bố, nhưng quả thật đây là “chuyện lạ” đến mức không bàn được”, GS Giang nói.
Bên cạnh đó, ông Giang cũng phân tích, 30/63 thủ khoa thi trượt có thể do chỉ tiêu chỉ có 30 người. Vì thế, người giỏi cũng có thể trượt, trừ trường hợp Hà Nội lấy số lượng công chức không hạn chế. Nếu tuyển dụng người kém vào làm việc, người giỏi trượt thì rất đáng lên án và phải phanh phui.
Bỏ lọt người tài
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ: Thủ khoa thi trượt do nhà tuyển dụng đòi hỏi kiến thức chuyên môn học trong trường khác xa với thực tế. Hơn nữa, để trở thành thủ khoa là nỗ lực của cá nhân và phụ thuộc vào môi trường đào tạo. Nếu môi trường đào tạo chặt chẽ thì thủ khoa có năng lực thực sự. Cách tuyển của Hà Nội toàn lý thuyết.
TS Nguyễn Tùng Lâm.
Ông Lâm bày tỏ: “Hà Nội hỏi quy chế nọ, quy chế kia, thủ khoa có làm đâu mà biết? Nhà tuyển dụng phải hỏi về năng lực tổ chức công việc, chứ hỏi nghị quyết, quản lý nhà nước quá cứng nhắc”.
“Hà Nội cần xem lại cách tuyển dụng đã hợp lý chưa? Tôi chỉ lo người giỏi không nhận, Hà Nội lại dùng "người học thuộc lòng" vào công chức. Mà những người chỉ biết học thuộc điều, luật, nhận vào cũng chả để làm gì, ấy là chưa kể họ sẽ phát sinh tiêu cực", ông Lâm kiến nghị.
Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng, các trường đại học chỉ đào tạo các môn khoa học cơ bản, năng lực cơ bản để làm việc. Các trường đại học không thể trang bị hết kiến thức kỹ năng thực tế. Do đó, thủ khoa trượt không thể đổ lỗi do chất lượng đào tạo từ trường đại học.
Theo ông Lâm, người tài giỏi sẽ chứng minh được khả năng thực sự ở mọi nơi. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước cũng mất cơ hội có người tài vào làm việc.
Tôi không nghĩ đến chuyện đào tạo sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội để làm công chức. Tôi đã từng là GS thỉnh giảng ở Nhật Bản và thấy mỗi năm họ có 100 suất vào cơ quan nhà nước. Đây cũng thành chỉ tiêu cho những người xuất sắc. Tuy nhiên, không phải họ đào tạo và học không phải chỉ vào công chức. Họ cũng dạy cái nền, còn quan trọng là phương pháp, kỹ năng, kiến thức chuyên môn, khả năng tự học của sinh viên.
Ở nước ngoài, họ thảo luận cho nhuần nhuyễn bằng tình huống cụ thể, chứ không phải học để làm công chức.
Ở Nhật Bản, tuyển dụng người, họ phải dạy thêm chứ không có trường học nào dạy các kỹ năng đầy đủ cho các cơ quan nhà nước. Nhà trường cũng không định hướng vào cơ quan nào.
Tôi nghĩ công chức cần tinh giản, bộ máy phải thật tinh, phù hợp với công việc và đãi ngộ xứng đáng để họ toàn tâm toàn ý. Nếu “chui” vào công chức không hài lòng, người ta sẽ cửa quyền, “hành là chính”.
(GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội)