Thực hư đề xuất bắt buộc người dân hiến máu 1 lần/năm

Ngày 09/01/2017 18:09 PM (GMT+7)

Theo đại diện Bộ Y tế, việc đưa ra đề xuất trên nhằm so sánh và chứng minh cho mọi người thấy rằng phương án vận động hiến máu tình nguyện như hiện nay là hợp lý và tối ưu nhất.

Mới đây, trong báo cáo đánh giá tác động của Bộ Y tế để lấy ý kiến đưa vào dự thảo Luật về máu và tế bào gốc có đưa ra giải pháp bắt buộc hiến máu 1 năm/lần, ngoại trừ trường hợp không thể hiến máu. Giải pháp thứ 2 được Bộ Y tế đưa ra là vẫn thực hiện hiến máu nhân đạo như hiện nay, nhưng sẽ tăng chi phi cho vận động hiến máu.

Ngay sau khi dự thảo trên được đưa ra, dư luận đã có rất nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là phương án bắt buộc người dân hiến máu 1 lần/năm. Để làm rõ vấn đề này, chiều ngày 9/1/2017, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).

TS Quang cho rằng, đúng là trong dự thảo có đưa ra hai giải pháp về việc quy định hiến máu bắt buộc và hiến máu nhân đạo. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng nói rõ quan điểm về vấn đề này, đó là vẫn lựa chọn giải pháp tổ chức phong trào hiến hiến máu nhân đạo.

Thực hư đề xuất bắt buộc người dân hiến máu 1 lần/năm - 1

Hiện nay việc hiến máu tại Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tự nguyện (Ảnh minh họa)

Việc đưa hiến máu tình nguyện vào trong luật nhằm khích lệ, động viên cho những người hiến máu, từ đó có những chính sách, chế độ đãi ngộ xứng đáng cho những người hiến máu, ví dụ như cơ chế bồi dưỡng, khen thưởng, nghỉ chế độ tái tạo sức lao động sau khi hiến máu.

“Việc đưa ra hai giải pháp trong dự thảo, trong đó có giải pháp bắt buộc người dân hiến máu 1 lần/ năm nhằm để mọi người cùng nhau bàn thảo. Từ đó để chứng minh việc hiến máu tình nguyện là giải pháp tối ưu, tốt nhất cả về quyền con người, về kinh tế và bác bỏ luận điểm cho rằng cần bắt buộc người dân hiến máu”, ông Quang chia sẻ.

Theo ông Quang, khi soạn thảo, những nhà làm luật đã nghiên cứu rất rõ những tác động về mọi mặt trong trường hợp áp dụng hai phương án trên. Ví dụ như việc áp dụng phương án bắt buộc người dân hiến máu 1 lần/năm, thì mỗi năm nước ta có khoảng 46 triệu lượt người hiến máu. Như vậy lượng máu sẽ đủ cho nhu cầu chữa bệnh, thậm chí là dư thừa (lãng phí) và chi phí thực hiện phương án này là 4.160 tỷ đồng.

Còn nếu chọn phương án như đang thực hiện hiện nay là hiến máu tình nguyện thì mỗi năm có khoảng 18 triệu người hiến máu và chi phí thực hiện phương án này là khoảng 2.000 tỷ. Với số lượng người hiến máu này, chúng ta đã đáp ứng đủ nhu cầu hiến máu ở tuyến trung ương, tuyến tỉnh và chỉ thiếu ở một tuyến huyện hoặc vùng sâu, vùng xa (khoảng 20%).

Trong trường hợp đó đã có những phương án điều trị và giải pháp thực hiện đó là thành lập ngân hàng máu sống ở những nơi khó khăn như biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa.

Ngoài ra, ông Quang cũng dẫn chứng cụ thể rằng, hiện trên thế giới chưa có quốc gia nào quy định việc hiến máu bắt buộc, ngay cả Trung Quốc đất nước có số dân đông, có thể chế quy định chặt chẽ cũng chưa quy định bắt buộc việc hiến máu.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h