Thông tin về việc xoài mút được làm giả và có hạt bằng nilon đã được cơ quan chức năng lên tiếng bác bỏ. Tuy nhiên, xung quanh nguồn gốc xuất xứ của loại xoài mút tí hon này cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Bác thông tin xoài giả
Sau khi đoạn video cảnh báo “Xoài mút được làm giả và có hạt bằng nilon” được trang facebook tên Dương Thành Nam đăng tải và gây hoang mang dư luận. Ngay lập tức, các cơ quan truyền thông cùng những chuyên gia và cơ quan chức năng đã vào cuộc để làm sáng tỏ vấn đề.
Theo đó, phân tích về việc lớp màng xuất hiện bên trong hạt xoài mút, nhiều chuyên gia về giống cây trồng cho rằng, đó là điều hết sức bình thường và loại xoài nào cũng có lớp màng bên trong hạt như thế.
Cụ thể, trao đổi thông tin với chúng tôi, bà Phạm Thị Ngọc (Giảng viên ĐH Nông lâm TP.HCM) cũng cho rằng, lớp màng trong hạt xoài được gọi là lớp mô bọc quanh phần noãn. Trong tự nhiên các loại hạt đều có một lớp vỏ bao bọc bên ngoài, bên trong lớp vỏ ngoài cùng có một lớp vỏ rất mỏng nữa làm bằng các chất hữu cơ để bọc noãn. “Nói một cách dễ hiểu, đây là lá chắn bảo vệ hạt khỏi những tác nhân bên ngoài”, bà Ngọc cho biết.
Hình ảnh trong clip được đăng tải khiến người tiêu dùng hoang mang về nguồn gốc của loại xoài mút tí hon này (Ảnh chụp từ clip)
Nguồn gốc giống xoài tí hon: Mỗi người hiểu một kiểu
Trước đó, cũng qua thông tin với phóng viên, ông Trần Ngọc Ẩn, Giám đốc Trung tâm giống Nông nghiệp – Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, cũng phân tích về nguồn gốc của loại xoài mút có kích thước nhỏ và hạt lép này.
Theo ông Ẩn, ban đầu có người nói đó là giống xoài ở tỉnh Bạc Liêu. Nhưng khi tìm hiểu thì ở Bạc Liêu không có giống xoài này. Ông Ẩn cho biết: “Có thể đây là giống xoài ở Campuchia hoặc Trung Quốc. Ngoài ra, giống xoài này không nằm trong danh sách giống cây trồng mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép sản xuất, trồng trọt đại trà ở các tỉnh miền Nam”.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học (Viện Cây ăn quả miền Nam), cũng cho rằng, loại xoài lạ xuất hiện trong những đoạn video rất giống với xoài cốc (hay còn được gọi là xoài cu) được trồng ở Hà Tiên (Kiên Giang) và một số tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, giống xoài này trái rất nhỏ và cây rất sai quả, thường thu hái từ các cây cổ thụ còn sót lại nên việc cung ứng với số lượng lớn ra thị trường như báo chí đã nêu là rất khó.
Mặt khác, qua thông tin với báo chí, đại diện Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng khẳng định, thông tin xoài bị làm giả và có hạt bằng nilon là hoàn toàn sai sự thật. Theo đó, đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, đây không phải là xoài Trung Quốc, mà chính là giống xoài Đài Loan được trồng ở Việt Nam. Giống xoài Đài Loan (còn gọi là xoài ba màu, xoài Đài Loan xanh), sinh trưởng mạnh, ít bị sâu bệnh hại, vỏ trái dày thuận tiện cho việc chuyên chở đi xa, nên nông dân tăng diện tích trồng mới.
Thông đó, từ số liệu của Cục Trồng trọt cho thấy, đến nay ở các tỉnh miền Tây Nam bộ đã có 6.000 ha xoài giống Đài Loan. Trong đó, cụ thể: An Giang 4.315 ha, Đồng Tháp 827 ha (620 ha đang cho thu hoạch), Đồng Nai 740 ha, Vĩnh Long 100 ha, Hậu Giang 40 ha, Tiền Giang 25 ha.
Tuy nhiên, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục trồng trọt cho biết: “Giống xoài này chỉ đáp ứng nhu cầu ăn tươi, chưa được nghiên cứu kỹ, chưa được công nhận giống cho phép sản xuất tại các tỉnh Nam Bộ”.
Còn theo những tiểu thương kinh doanh xoài ở các chợ và trên một tuyến đường ở TP.HCM thì đây là loại xoài có xuất xứ từ các vùng núi thuộc các tỉnh giáp ranh với Campuchia.
Đem thắc mắc về nguồn gốc của loại xoài này đến hỏi đại diện một số chợ nông sản đầu mối ở TP.HCM như: Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn, đại diện của những chợ này cho biết, trung bình những ngày qua đã nhập về hơn 80 tấn xoài có kích nhỏ chín vàng giống như báo chí đã nêu. Loại xoài này do các công ty vận tải và phân phối thực phẩm có trụ sở ở miền Bắc vận chuyển vào. Qua tìm hiểu giống xoài này nhập từ Trung Quốc, giá bán sỉ khoảng 15.000-22.000 đồng/kg.
Đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, mỗi đêm có khoảng từ 40-50 tấn xoài được một công ty vận chuyển từ miền Bắc vào chợ. Lý giải về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Hà (PGĐ Chợ Nông sản Thủ Đức) cũng cho rằng: “Các lô hàng nhập về chợ đều được các trạm kiểm dịch thu mẫu để kiểm tra hóa chất và dư lượng bảo vệ thực vật, nên chất lượng sản phẩm vẫn nằm trong ngưỡng cho phép. Nếu sản phẩm thiếu an toàn sẽ bị cơ quan quản lý tịch thu”.
Người phụ nữ quay clip “Xoài mút giả của Trung Quốc có hạt bằng nilon” xin lỗi
Khi mua xoài về ăn và phát hiện bên trong hạt có màng lạ, cùng với việc xem video cảnh báo về “xoài mút giả” của trang facebook tên Dương Thành Nam, bà P.T.T ở quận 5 (TP.HCM) đã tự thực nghiệm và nhờ người thân quay lại một video tương tự rồi đăng lên mạng xã hội.
Sau đó, khi cơ quan chức năng chính thức lên tiếng bác bỏ thông tin chuyện xoài mút giả và có hạt làm bằng nilon, bản thân bà T. đã tự xóa video của mình. Ngày 3/8, khi cơ quan chức năng đến nhà nhắc nhở, bà T. cho biết, mục đích của việc thực hiện đăng tải video lên mạng xã hội chỉ cảnh báo người tiêu dùng và cũng muốn nhiều người biết đến mình.
Tuy nhiên, bà T. cũng nhìn nhận, chính bản thân bà cũng không nghĩ dư luận lại phản ứng mạnh và gây tác hại đến nhiều người. Qua đây, bà cũng gửi lời xin lỗi đến tiểu thương, người tiêu dùng và nhà vườn về việc làm tai hại của mình.
Việt Nam đã nhập gần 500 tấn xoài mút từ Trung Quốc Cũng theo ông Trung, tháng 7-8 xoài mút về Việt Nam nhiều, nhưng sau tháng 8, xoài của Việt Nam vào chịnh vụ nên Cục sẽ dừng nhập xoài từ Trung Quốc. Cục Bảo vệ thực vật cũng bác bỏ xoài mút trên thị trường hiện nay làm bằng nhựa hoặc là xoài giả, mà cho rằng đây là quả xoài thật và là một trong khoảng 1.000 giống xoài đang có hiện nay. |