Mẹ bệnh nhân Nguyễn Duy Hưng (19 tuổi) tố Bệnh viện Chợ Rẫy không cho con trai mình qua Mỹ chữa trị khiến nam bệnh nhân này tử vong. BV này đã phản bác các thông tin người này đưa ra.
Cuối giờ chiều 14/9, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, cơ quan này đã nhận được thông tin liên quan ca bệnh Nguyễn Duy Hưng (19 tuổi) tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Theo đó, trong sáng 14/9, Bệnh viện Chợ Rẫy đã họp và trong chiều cùng ngày đã cung cấp thông tin tới cơ quan truyền thông.
Bệnh nhân vào viện khi đã rất nặng, theo dõi hoại tử
Theo BV Chợ Rẫy, lúc 0h40 ngày 5/8, bệnh nhân Nguyễn Duy Hưng (19 tuổi, ở Đồng Nai) được chuyển tới BV Chợ Rẫy từ BVĐK Đồng Nai, với chẩn đoán viêm tụy cấp nặng theo dõi hoại tử.
Khoa Hồi sức tích cực, BV Chợ Rẫy (TP HCM). Ảnh: Vietnamnet
Lúc này mạch, huyết áp người bệnh bình thường, tuy nhiên bụng chướng. Qua thăm khám, xét nghiệm, ê-kíp đã cho sử dụng thuốc giảm đau, chuyển lên khoa Nội tiêu hóa.
Đại diện khoa Nội Tiêu hoá cho biết, bệnh nhân nhập khoa lúc 6g ngày 5/8 với chẩn đoán là Viêm tuỵ cấp nặng. Trong ngày, bệnh nhân được theo dõi sát và điều trị theo đúng tình trạng bệnh.
"Do mẹ của cháu không có mặt nên quá trình theo dõi và điều trị BS trực khoa đã ít nhất 2 lần giải thích tình trạng bệnh nặng cho các người nhà của cháu Hưng (có dì ruột là người trực tiếp nuôi dưỡng cháu) biết là bệnh rất nặng, diễn biến khó lường và rất nguy hiểm" - đại diện khoa Nội tiêu hoá cho biết.
Sau đó bệnh diễn biến nặng hơn vào sáng 6/8, các BS khoa đã liên tục trao đổi diễn biến bệnh của cháu với người nhà (là cha và dì ruột), khoa đã cố gắng tập trung điều trị tối đa cho cháu.
Khoa Nội tiêu hoá khẳng định với ca bệnh này, đã liên lạc khẩn trương, trực tiếp, đầy trách nhiệm giữa khoa và nhiều đơn vị khác trong viện. Sau đó, các bác sĩ sắp xếp đưa BN Hưng xuống khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục theo dõi và điều trị.
TS. BS.Lưu Ngân Tâm- Trưởng khoa Dinh dưỡng (BV Chợ Rẫy) - người được mời hội chẩn tại khoa Hồi sức tích cực khoảng 3h chiều ngày 6/8 - cho biết: Tình trạng bệnh nhân Hưng lúc nữ bác sĩ này thăm khám là viêm tụy cấp nặng, thể hoại tử, suy hô hấp, tổn thương thận cấp vô niệu, tình trạng bụng chướng căng, nghe không có nhu động ruột, theo dõi tình trạng tăng áp lực ổ bụng nặng, mất máu cấp. Ngay lúc đó, bác sĩ Khoa hồi sức tích cực đã điện thoại mời khoa Ngoại Gan mật tụy hội chẩn khẩn.
BS Đoàn Tiến Mỹ - Trưởng Khoa Gan Mật Tụy cho hay, nhóm BS phẫu thuật viên và hồi sức đã giải thích bệnh nhân tình trạng rất nặng, khó qua khỏi để gia đình biết tình trạng bệnh của bệnh nhân cũng như tiên lượng.
"Mổ cho bệnh nhân lúc này mới có hy vọng vì hồi sức nội khoa đã không cải thiện mà xấu hơn, diễn tiến xuất huyết trong ổ bụng và sau phúc mạc, suy đa cơ quan. Mổ là tìm cơ may sống chứ không phải là mổ cầu may" - BS Mỹ nói.
Gia đình sau đó xin đưa bệnh nhân về nhà lo hậu sự.
Không có chuyện viện phí 50-70 triệu/ngày như phản ánh
Đại diện khoa Hồi sức tích cực khẳng định, thông tin viện phí mỗi ngày từ 50 – 70 triệu, ngoài ra còn thêm 10 triệu tiền tiêm thuốc kháng nấm của mẹ bệnh nhân phản ánh là không đúng sự thật.
Cụ thể bệnh nhân nằm điều trị tại khoa từ 6 - 28/8 (23 ngày) là 660,798,915 đồng, tính trung bình một ngày nằm điều trị tại khoa chưa đến 29 triệu đồng (bao gồm tất cả chi phí thuốc, dịch truyền, máu truyền, thở máy, dinh dưỡng, xét nghiệm và lọc máu liên tục). Tổng số lần đóng tiền tạm ứng tại khoa 19 lần.
Khoa này cũng cho biết, các thông tin yêu cầu liên lạc với BS ở Mỹ và những phát ngôn của BS điều trị với mẹ bệnh nhân theo phản ánh là hoàn toàn không đúng sự thật.
Mẹ bệnh nhân có xin số điện thoại cá nhân của BS điều trị (cụ thể là BS Hiền, BS Hưng) nhưng BS không cho và đã giải thích với mẹ BN nếu BS bên Mỹ muốn trao đổi chuyên môn phải có sự ủy quyền từ phía người nhà, và gọi trực tiếp đến Bệnh viện Chợ Rẫy, Khoa Hồi sức cấp cứu, BS tại khoa sẽ trao đổi chuyên môn trực tiếp.
BS điều trị cũng đã cho địa chỉ email để tiếp nhận thông tin trao đổi. Tuy nhiên không nhận được bất kỳ yêu cầu trao đổi chuyên môn nào từ phía BS bên Mỹ.
Mẹ bệnh nhân nhiều lần dấm dúi tiền cho bác sĩ nhưng đều bị từ chối
"Mẹ bệnh nhân cũng nhiều lần dấm dúi tiền nhưng điều bị BS Hưng, BS Hiền, BS Minh Duy từ chối vì tất cả điều này là không được phép đối với nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy" - đại diện khoa Hồi sức tích cực nói.
Đối với yêu cầu tiếp nhận thuốc điều trị từ phía bên Mỹ, khoa này cho rằng Bệnh viện Chợ Rẫy không thiếu thuốc và y cụ điều trị cho bệnh nhân Hưng, và việc tiếp nhận thuốc từ bên Mỹ là không thể vì không được phép.
Cũng tại khoa Hồi sức cấp cứu, tất cả bệnh nhân được chỉ định lọc máu đều thể hiện đầy đủ trong hồ sơ bệnh án, bảng chỉ định và theo dõi, bảng kê khai chi tiết chi phí phẫu thuật trọn gói đều đầy đủ. Ngoài ra, khoa có 8 máy lọc máu liên tục và 2 máy lọc máu ngắt quãng luôn đáp ứng được nhu cầu điều trị cho người bệnh. Do đó, không thể có chuyện "đóng tiền mà không được lọc máu vì khoa chỉ có 3 máy lọc máu".
Bên cạnh đó, 10 máy lọc máu tại khoa đang được dùng tại các Trung tâm lớn trên thế giới, không như phản ảnh của người nhà bệnh nhân là "các nước tân tiến đã vứt đi hơn 10 năm rồi”.
Người nhà bệnh nhân không đồng tình với cách làm của mẹ bệnh nhân
Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân Hưng có người nhà là cán bộ của Viện. Đó là BS Hồ Thanh Bình - Trưởng khoa Nội tổng quát 10B1. Đây cũng là người có sự "gửi gắm" cháu mình cho các đồng nghiệp để cháu được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức.
BS Hồ Thanh Bình. Ảnh: Vietnamnet
"Với kinh nghiệm làm hồi sức điều trị bệnh nặng trong nhiều năm, tôi biết cháu mình sẽ không qua khỏi ngay từ đầu do bệnh quá nặng... Tôi luôn chờ một phép màu rằng cháu mình sẽ qua khỏi. Nhưng cuối cùng, cháu tôi trở nặng và không qua khỏi dù các đồng nghiệp của tôi đã cố gắng làm cái gì tốt nhất cho cháu tôi. Đó là cái nghiệp của những người làm nghề này, đôi khi đành bất lực với bệnh nhân của mình" - BS Bình tâm sự.
Vị bác sĩ Trưởng khoa này cũng cho biết "thật sự xấu hổ với các đồng nghiệp của mình". Bản thân ông và gia đình không đồng tình việc làm này của mẹ bệnh nhân Hưng bởi đã "xúc phạm đến danh dự và uy tín nhân viên Bệnh viện, nơi mà tôi – một bác sĩ mặc áo blouse trắng mỗi ngày – để khám và chữa bệnh cho mọi người".