Khoản này thực chất là thưởng cuối năm theo hiệu quả sản xuất kinh doanh, khi doanh nghiệp quyết toán xong, thường rơi vào tháng một, gần với dịp Tết nguyên đán nên quen gọi là thưởng Tết.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) vừa có công văn yêu cầu các Sở LĐ,TB&XH địa phương báo cáo tình hình tiền lương năm 2016 và kế hoạch thưởng Tết năm 2017.
Theo đề nghị của Bộ LĐ,TB&XH, Sở LĐ,TB&XH các tỉnh, thành phố trên cả nước chỉ đạo bộ phận chuyên môn đề nghị doanh nghiệp phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở xây dựng phương án hỗ trợ người lao động các khoản trợ cấp, phụ cấp.
Đặc biệt, đối với phương án tiền thưởng trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, doanh nghiệp phải thông báo cho người lao động trong doanh nghiệp biết.
Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH cũng yêu cầu các địa phương khảo sát về tình hình tiền lương, nợ lương năm 2016 và kế hoạch thưởng Tết cho người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn và gửi báo cáo về Bộ trước 31/12/2016.
Mục đích của việc ban hành công văn này để người lao động chủ động trong việc lên kế hoạch chi tiêu trong dịp Tết. Nhưng thực tế người lao động vẫn không thể biết chính xác khoản tiền mà mình được nhận cho tới khi được nhận.
Thưởng Tết Đinh Dậu 2017 có thể cao hơn năm trước nhưng không nhiều. Ảnh: TL
Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, người nhiều năm phụ trách mảng tiền lương, nhận định tiền thưởng Tết năm nay có thể sẽ cao hơn năm trước do kinh tế có dấu hiệu hồi phục.
Theo ông Phạm Minh Huân, khoản này thực chất là thưởng cuối năm theo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Khi doanh nghiệp quyết toán xong, thường rơi vào tháng một, gần với dịp Tết nguyên đán nên quen gọi là thưởng Tết.
Theo khảo sát của Bộ LĐ,TB&XH năm 2016 tại hơn 13.000 doanh nghiệp trên cả nước, có 87% số doanh nghiệp báo cáo thưởng Tết Âm lịch 2016 với mức bình quân 1 tháng lương khoảng 5,53 triệu đồng/người, tăng 15,7% so với thưởng Tết nguyên đán 2015.
Theo đó, mức thưởng Tết cao nhất 624 triệu đồng, thuộc doanh nghiệp FDI ở Hải Dương. Mức thưởng thấp nhất là 40.000 đồng, của doanh nghiệp FDI ở Bình Phước.
Trong khi, tại Thủ đô Hà Nội, người có mức thưởng cao nhất là 100 triệu đồng/người thuộc doanh nghiệp FDI và người có mức thưởng thấp nhất là 450.000 đồng/người, cũng thuộc doanh nghiệp FDI.
Tại TP. HCM, người có mức thưởng cao nhất là 600 triệu đồng/người (ở doanh nghiệp dân doanh) và người có mức thưởng thấp nhất là 3,09 triệu đồng/người ở doanh nghiệp FDI.
Về thưởng Tết dương lịch năm 2016, khảo sát cho thấy, có 72% số doanh nghiệp báo cáo có tiền thưởng Tết dương lịch với mức thưởng bình quân khoảng 1,18 triệu đồng/người, tăng 1,6% so với năm 2015 (1,16 triệu đồng/người).
Trong đó, người có mức thưởng cao nhất là 2,028 tỷ đồng/người tại một doanh nghiệp FDI ở TP. HCM. Còn người có mức thưởng thấp nhất là 24.000 đồng/người, thuộc về doanh nghiệp FDI ở Thái Bình.
Tại Hà Nội, người có mức thưởng cao nhất là 30 triệu đồng/người (thuộc DN FDI), thấp nhất là 150.000 đồng/người (thuộc công ty có cổ phần, vốn góp Nhà nước và doanh nghiệp FDI).