“Tiền nhiều để làm gì?”, câu trả lời thì chắc mỗi người có thể có cho riêng mình. Nhưng tựu chung, tôi nghĩ tiền nhiều hay ít thì đó chỉ là phương tiện để có được tự do và hạnh phúc, dù đó là ai.
Trong phiên tòa xét xử ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên) vào ngày 20/2, cả hai đã tranh luận gay gắt về vấn đề chia tài sản.
Khi bà Thảo đề nghị ông Vũ cấp dưỡng cho mỗi người con 5% cổ phần của ông, ông Vũ đã không đồng ý và lớn tiếng: “Tiền nhiều để làm gì? Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?”.
Bà Thảo đề nghị ông Vũ cấp dưỡng cho mỗi người con 5% cổ phần của ông...
Ngay sau đó, câu nói “Tiền nhiều để làm gì?” của “vua cà phê” bỗng chốc “hot” trong cộng đồng mạng. Nhiều người đã đưa ra những phân tích và lời giải đáp cho câu hỏi này và mỗi người lại có quan điểm riêng của mình.
Sau đây, xin trích dẫn bài viết của Tiến sĩ Kinh tế Vũ Hoàng Linh - ĐHQG Hà Nội về câu chuyện trên:
““Tiền nhiều để làm gì?” hình như đang là trend mấy hôm nay? Cũng không hiểu tại sao nó “hot” nhất mạng xã hội hiện nay ngoài việc gợi nên tâm lý thoả mãn của đám đông về “người giàu cũng khóc” (tên 1 bộ phim truyền hình của Mexico hay Brazil từng đình đám ở Việt Nam 20 năm trước). Thật ra bình thường chẳng có mấy ai thực sự nghĩ tới câu hỏi này. Đơn giản, có rất ít người thực sự có nhiều tiền và trong số những người được coi là có nhiều tiền, lại càng hiếm người thực sự nghĩ là họ nhiều tiền vì khi đó cái khung tham chiếu của họ thường là những người giàu hơn họ nhiều lần.
Thế nên với đám đông thì câu “Tiền nhiều để làm gì?” là câu hỏi tu từ hoặc câu hỏi tình huống nhiều hơn là câu hỏi thực sự mà ai cũng có lúc phải nghĩ đến.
Câu trả lời thì chắc mỗi người có thể có cho riêng mình. Nhưng tựu chung, tôi nghĩ tiền nhiều hay ít thì đó chỉ là phương tiện để có được tự do và hạnh phúc, dù đó là ai.
...ông Vũ đã không đồng ý và lớn tiếng: “Tiền nhiều để làm gì?...".
Tiền nhiều thì sẽ có nhiều điều kiện hơn để đạt được cái đó với đa số nhân loại. Không tiền thì rất khó, nhưng cũng không phải không thể (ví dụ các nhà sư Phật giáo hay Jaina giáo đi theo hướng loại bỏ nhu cầu, giảm nhu cầu vật chất tới mức tối thiểu và qua đó, đạt được tự do và hạnh phúc).
Nhưng với đa số mọi người thì nghèo khổ đồng nghĩa với bất hạnh và phụ thuộc, dễ mất phẩm giá. Nhưng tiền nhiều cũng không phải là con đường dẫn tới tự do và hạnh phúc khi bạn phụ thuộc vào nó và thậm chí thành nô lệ cho nó. Các nhà tâm lý học Mỹ nghiên cứu mối quan hệ giữa giàu có và hạnh phúc hay sự thoả mãn và thấy rằng mối quan hệ này tỷ lệ thuận tới một mức nào đó- có thể gọi là mức thu nhập tới hạn. Và ở trên mức thu nhập này (ở Mỹ là 70 ngàn đô/năm) thì tiền bạc với hạnh phúc không có mối quan hệ rõ ràng theo chiều hướng như thế nào.
Người sống tự do cũng không nhất thiết phụ thuộc vào tiền. Nói như Mạnh Tử, người quân tử là người mà cảnh nghèo khó không làm cho họ trở nên hèn kém, cuộc sống giàu sang không khiến họ trở nên truỵ lạc. Hay nói như Marcus Aurelius, triết gia phái Khắc kỷ đồng thời là hoàng đế La Mã vào thế kỷ thứ 2, thống trị cả một đế quốc mênh mông trải ra trên ba châu lục thì ở nơi thôn dã hay trong chốn cung đình thì một triết nhân vẫn có thể thực hành lối sống đúng đắn của mình (cho dù ông thừa nhận là làm điều đó ở trong cung điện với vô số cám dỗ, mưu xảo và giả trá khó hơn nhiều so với thực hiện cách sống đó ở nơi đồng nội).
Anh Vũ chắc cũng hay tự xem mình là một nhà hiền triết theo cách của anh ấy, nhưng hẳn là anh sẽ thấy rằng lên núi đi tu, nhịn ăn tới cạn kiệt cơ thể vẫn dễ sống hơn là phải đối mặt trong phiên toà với người vợ từng có thời yêu thương, trước sự chứng kiến, tò mò, châm chọc, thích thú...của hàng triệu khán giả. Và câu hỏi “tiền nhiều để làm gì?” khi chiêm nghiệm trên núi cao, khi đang uống ly cafe chồn trong cái gió mát lộng và khói mơ màng cao nguyên sẽ rất khác khi phải đối mặt với những con số cụ thể ngàn tỷ, trăm tỷ, chia ai, bao nhiêu...
Làm người đã là khó. Làm người giàu khó hơn bội lần. Làm người giàu ở Việt Nam, xứ sở chưa bao giờ biết đến giàu sang, nơi tất cả mọi thứ đều quy về cái ăn (người Việt vẫn quen nói “ăn Tết”, và trước kia, khi gặp nhau thì sẽ hỏi “bác ăn cơm chưa” thay cho câu chào) thì lại càng khó hơn nữa”.