Theo chuyên gia thời tiết nước ngoài, áp thấp nhiệt đới mới hình thành gần Philippines sẽ mạnh lên thành bão trong vài ngày tới và hướng đi của nó sẽ tương tự như bão số 9 (bão Molave) đã đổ bộ vào Việt Nam.
Trang AccuWeather của Mỹ hôm 29/10 đưa tin, sau khi bão số 9 quét qua Philippines, các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do cơn bão này sẽ có rất ít thời gian để khắc phục thiệt hại khi một áp thấp nhiệt đới mới đang hình thành gần nước này.
Sáng sớm 28/10 (giờ địa phương), Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) bắt đầu đưa ra khuyến cáo về một áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Philippines. Tính đến tối cùng ngày, áp thấp nhiệt đới này đang hoạt động ở phía đông Philippines, cách thủ đô Manila khoảng 2.000 km về phía đông.
Dự báo hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới mới sắp mạnh lên thành bão gần Philippines lúc 11h sáng 28/10. Ảnh: Cơ quan Quản lý thiên văn, địa vật lý và khí quyển Philippines - PAGASA
Khi áp thấp nhiệt đới này di chuyển theo hướng tây trên vùng biển Philippines, nó sẽ gặp phải các luồng gió đứt thấp và vùng biển ấm - 2 điều kiện chính để một áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão.
Với những điều kiện như vậy, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão sớm nhất vào ngày 29/10, theo nhà khí tượng học Jason Nicholls, chuyên gia của trang AccuWeather.
Khi mạnh lên thành bão, cơn bão này sẽ được đặt tên quốc tế là Goni, theo cách mà JMA sử dụng. Tại Philippines, bão Goni sẽ được gọi với cái tên Rolly.
Cho tới cuối tuần này, bão Goni sẽ tiếp tục mạnh lên khi nó di chuyển theo hướng tây qua Biển Philippines và hướng về Philippines. Bão Goni nhiều khả năng sẽ tăng cấp trở thành bão nhiệt đới cực mạnh vào ngày 31/10.
"Cơn bão này có thể đạt đến đến cường độ bão cực mạnh trước khi nó quét qua Philippines vào ngày 31/10 hoặc 1/11", Nicholls dự đoán.
Các tác động từ bão Goni sẽ được nhận thấy rõ nhất vào ngày 30/10 tại Philippines. Mưa lớn và lũ quét sẽ xuất hiện ở khu vực miền Trung của Philippines, nhưng gió giật mạnh là vấn đề đáng ngại nhất khi bão đổ bộ.
Được sự báo là một cơn bão nhiệt đới cực mạnh và nguy hiểm, thậm chí là một siêu bão khi đổ bộ vào đất liền, gió giật do bão Goni sẽ rất nguy hiểm.
Dự kiến, gió giật ở khu vực gần nơi bão Goni đi qua có thể có vận tốc lên tới 185 - 210 km/h. Gió giật mạnh có thể làm đổ gãy cột điện, sập đường dây điện, bật gốc cây cối và các công trình, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Nhất là khi các công trình này vừa phải oằn mình chống chịu sức gió của cơn bão số 9.
"Bão Goni dự kiến có hướng đi tương tự như bão số 9 khi nó quét qua Philippines và cuối cùng là đổ bộ vào Việt Nam vào tuần tới", chuyên gia Nicholls dự báo.
Áp thấp nhiệt đới mới sắp mạnh lên thành bão được dự báo là có hướng di chuyển tương tự bão số 9 đổ bộ vào Việt Nam. Ảnh: AccuWeather
Cuối tuần trước, bão số 9 cũng được hình thành từ một áp thấp nhiệt đới gần Philippines, sau đó quét qua quốc gia này khiến hơn 10 vạn người phải sơ tán khẩn cấp. Chưa có thống kê chính xác về số người thiệt mạng do bão số 9 gây ra ở Philippines.
Sau khi vào biển Đông, bão số 9 tăng cấp nhanh chóng trở thành cơn bão cực mạnh, hướng đến khu vực miền Trung Việt Nam. Trưa 28/10, bão số 9 đổ bộ vào Việt Nam gây ra nhiều thiệt hại.
Theo AccuWeather, sau áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão Goni, Philippines được cho là sẽ đối mặt thêm với một áp thấp nhiệt đới khác vào đầu tháng 11.
"Áp thấp nhiệt đới này có thể mạnh lên thành bão nhiệt đới có tên gọi Atsani khi nó đi qua phía nam và phía đông của đảo Guam vào cuối tuần này hoặc đầu tuần tới", theo Nicholls.