Kình ngư Ánh Viên muốn chia tay đội tuyển bơi Việt Nam để dành thời gian cho bản thân như hoàn thành việc học, chăm lo cho cuộc sống cá nhân…
Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên xin giải nghệ
Tối ngày 8/10, đại diện Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) xác nhận với Tri Thức Trực Tuyến, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã viết đơn bày tỏ nguyện vọng xin thôi tập trung tuyển quốc gia. Việc Ánh Viên muốn xin nghỉ đội tuyển được cho là sau thành tích không tốt tại Olympic Tokyo.
Tổng cục TDTT sẽ làm việc với Ánh Viên và Hiệp hội Thể thao Dưới nước Việt Nam trong thời gian tới, để tìm giải pháp phù hợp nhất.
Trong đơn, Ánh Viên bày tỏ nguyện vọng được trở về đơn vị, không tiếp tục tập huấn đội tuyển nữa. Ánh Viên hiện là quân nhân, do đơn vị Quân đội quản lý (tương tự như trường hợp của xạ thủ bắn súng Hoàng Xuân Vinh). Cô gái sinh năm 1996 này đã cống hiến rất nhiều cho thể thao Việt Nam nói chung và bộ môn bơi lội nói riêng.
Ông Võ Quốc Thắng chia sẻ với Tuổi Trẻ Online: "Trong cuộc làm việc với lãnh đạo trung tâm, Ánh Viên cho biết mình đã suy nghĩ về việc chia tay sự nghiệp thi đấu đỉnh cao rất lâu, chứ không phải bồng bột. Ánh Viên nói đã dành toàn bộ tuổi trẻ của mình để cống hiến cho bơi lội và thể thao Việt Nam. Năm nay Ánh Viên đã 25 tuổi, tuổi không còn trẻ với một vận động viên bơi lội trong khi thành tích của mình lại đi xuống.
Ánh Viên muốn chia tay đội tuyển bơi Việt Nam để dành thời gian cho bản thân như hoàn thành việc học tại Trường đại học TDTT TP. HCM, chăm lo cho cuộc sống cá nhân… Quyết tâm từ giã đội tuyển của Ánh Viên rất cao".
Dù vậy ông Thắng cho biết đã lắng nghe, động viên và phân tích mọi điều để Ánh Viên nắm được. Đồng thời trung tâm cũng muốn Ánh Viên tiếp tục thi đấu, ít nhất là đến hết SEA Games 31 diễn ra vào tháng 5/2022.
Trước đó, Ánh Viên cũng nằm trong danh sách 200 vận động viên trọng điểm của ngành thể thao, được đầu tư chuẩn bị cho các giải đấu trong năm 2022, với trọng tâm là SEA Games 31 và Asiad 19. Thông tin Ánh Viên xin giải nghệ khiến giới chuyên môn và người hâm mộ bất ngờ. Dù thời gian qua thành tích của vận động viên người Cần Thơ đi xuống nhưng cô vẫn là một tượng đài của bơi lội Việt Nam.
Nguyễn Thị Ánh Viên là nữ kình ngư đầu tiên của Đoàn thể thao Việt Nam 3 lần liên tiếp tham dự Olympic. Tại Tokyo 2020, kình ngư quê Cần Thơ nhận vé dự hai nội dung gồm 200m tự do và 800m tự do, đều dừng bước ở vòng loại.
Ở nội dung 200m tự do, Ánh Viên cán đích với thời gian 2 phút 05 giây 28, xếp thứ 26 trong 29 vận động viên thi vòng loại. Tại phần thi 800m, cô đạt thông số 9 phút 3 giây 56, xếp cuối trong số 30 vận động viên tranh tài. Thành tích của Ánh Viên tại Olympic Tokyo không tốt và kém xa thông số tốt nhất từng đạt được.
Sau khi thi đấu xong tại Olympic Tokyo, Ánh Viên cùng đoàn Việt Nam trở về nước và cách ly tại Hà Nội. Nữ kình ngư sinh năm 1996 đã trở lại TP. HCM sau thời gian cách ly.
(Theo Người Đưa Tin)
9 lần lén hiếp dâm con gái 12 tuổi của "vợ hờ", đôi nhân tình lĩnh án
Mới đây, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên toà sơ thẩm vụ án bé gái ở Hà Đông bị mẹ hành hạ, người tình của mẹ xâm hại.
Sau 1 ngày xét xử, HĐXX quyết định tuyên phạt Phạm Thanh Tùng (SN 1990, trú ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP.Hà Nội) 19 năm tù về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi"; Hoàng Thị Thu Huyền (SN 1987, ở phường Hà Cầu, quận Hà Đông) 3 năm tù về tội "Hành hạ con". Nạn nhân trong vụ án này là cháu B. (SN 2009, con của Huyền).
"Yêu râu xanh" tại tòa
Theo hồ sơ bản cáo trạng, Huyền từng kết hôn và có 3 người con nhưng do mâu thuẫn nên hai vợ chồng đã ly hôn. Sau khi ly hôn, Huyền sống cùng 3 con, trong đó có cháu N.H.B.
Trong thời gian sống cùng các con, Huyền thường xuyên có hành vi ngược đãi, hành hạ cháu B. như dùng tay hoặc các vật dụng: Ống nhựa, gậy gỗ, dây điện… đánh đập cháu B., để lại nhiều thương tích cho nạn nhân.
Tháng 5/2020, Huyền cùng các con đến thuê một căn hộ chung cư ở phường Quang Trung (quận Hà Đông) để ở.
Trong khoảng thời gian này, Huyền có quan hệ tình cảm và chung sống như vợ chồng với Phạm Thanh Tùng và có một con chung.
Từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2021, lợi dụng lúc Huyền không có nhà, Tùng nhiều lần ép cháu B. quan hệ tình dục. Khi cháu B. không đồng ý, Tùng dọa đánh nên cháu B. sợ và phải làm theo lời Tùng.
Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định Tùng đã 9 lần thực hiện hành vi hiếp dâm đối với cháu B. tại nhiều địa điểm khác nhau.
Ngày 25/1/2021, người nhà cháu B. đón cháu về chăm sóc mới biết sự việc và đến cơ quan công an trình báo sự việc.
Ngày 20/2/2021, Tùng bị Công an quận Hà Đông bắt giữ về hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Bị cáo Hoàng Thị Thu Huyền do đang nuôi con nhỏ nên quá trình điều tra được tại ngoại. Ngoài vụ án này, Huyền còn đang bị xem xét xử lý trong một vụ án khác về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
(Theo Người Đưa Tin)
Giá heo giảm 30.000 đồng/kg, nông dân khóc ròng
Sáng nay, 8-10, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến về phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022.
Báo cáo của Cục Chăn nuôi cho thấy, giá thịt heo xuất chuồng đang giảm rất mạnh, lượng heo thịt quá lứa cũng đang ứ đọng trong chuồng khoảng 30%.
Cụ thể, nếu như trong tháng 3, 4, giá heo hơi xuất chuồng vào khoảng 70.000-75.000 đồng/kg thì đến tháng 7, 8 giảm còn 50.000-58.000 đồng/kg, có địa phương xuống dưới 50.000 đồng/kg.
Giá thịt heo ngoài chợ đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Ảnh: AH
Sang tháng 9-2021 giá tiếp tục giảm. Tính đến thời điểm hiện tại, giá bình quân đang dao động từ 40.000-49.000 đồng/kg tùy từng vùng. Đặc biệt có một số địa phương do giãn cách xã hội giá xuống dưới 40.000 đồng/kg. Heo thịt quá lứa đang ứ đọng khoảng 30%.
Trong khi đó, giá thành sản xuất nếu chăn nuôi theo chuỗi từ nuôi heo nái đến nuôi heo thịt giá thành khoảng 45.000-50.000 đồng/kg; chăn nuôi phải mua con giống giá thành khoảng từ 53.000-60.000 đồng/kg.
"Như vậy với mức giá heo hơi trên thị trường hiện nay thì người chăn nuôi cũng không còn thu được lợi nhuận như các tháng đầu năm 2021. So với giá bình quân năm 2020, mức giá hiện tại đã giảm mạnh từ 25.000-30.000 đồng/kg" - Cục Chăn nuôi đánh giá.
Đáng chú ý, mặc dù giá heo hơi giảm mạnh nhưng giá thịt heo tại các cửa hàng thịt, các chợ truyền thống và các siêu thịt vẫn cao do các chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển và chi phí phòng chống dịch.
Đối với sản phẩm gia cầm, hiện nay đàn gia cầm khoảng 523 triệu con, tăng khoảng 4,4%. Theo xu hướng tăng trưởng của năm 2020, trong 9 tháng đầu năm 2021, đàn gia cầm tiếp tục phát triển nhưng do nhu cầu thị trường giảm, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên lượng gia cầm tồn đọng trong chuồng cao.
Đặc biệt tại các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, các doanh nghiệp chăn nuôi trong tháng 8 và 9 chỉ tiêu thụ được 5-10% gà công nghiệp lông trắng. Trong tháng 8, lượng gà công nghiệp quá tuổi xuất chuồng tại khu vực này ứ đọng trên 9,3 triệu con với khối lượng trên 3,8kg (bình thường xuất 1,8-2,5 kg), gà lông màu tiêu thụ được khoảng 70%.
"Dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy hàng loạt các chuỗi sản xuất, cung ứng đối với ngành chăn nuôi, làm giá nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, đặc biệt là thức ăn tăng 16-36%. Trong khi đó giá sản phẩm đầu ra rất thấp, có giai đoạn có loại vật nuôi chỉ bản được 25-30% giá thành như gà công nghiệp lông trắng. Tình hình này làm cho người chăn nuôi lỗ rất nhiều, ứ đọng tiền vốn" - Cục Chăn nuôi nhận định.
Dự sinh nhật xong, cặp vợ chồng rủ thêm bạn về nhà mở tiệc thác loạn
Ngày 8/10, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, Công an phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã đề xuất, ra quyết định xử phạt đối với 10 đối tượng về các hành vi “Sử dụng trái phép chất ma túy” và “Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người” với tổng số tiền 157,5 triệu đồng.
Trước đó, khoảng 23h30 tối 6/10, lực lượng Công an phường Thống Nhất kiểm tra căn nhà thuộc tổ 2, KP6, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa do vợ chồng H.T.Đ (25 tuổi) và N.T.M.L (25 tuổi) thuê trọ.
10 thành viên nhóm bán hàng bình ổn tụ tập thác loạn bị đưa về trụ sở công an.
Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện vợ chồng Đ. cùng 8 đối tượng khác gồm 1 nữ, 7 nam đang tụ tập sử dụng trái phép chất ma túy. Tại hiện trường, tổ công tác đã thu giữ 2 bộ dụng cụ để sử dụng ma túy cùng các thiết bị loa, nhạc phục vụ cho bữa tiệc thác loạn của các đối tượng.
Bước đầu làm việc, vợ chồng Đ. khai nhận là thành viên của nhóm bán hàng bình ổn giá tại phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa và trước đó có tham dự sinh nhật của một người bạn trong nhóm này. Sau khi dự sinh nhật xong, Đ. và L. rủ thêm 8 thành viên trong nhóm bán hàng về phòng trọ của mình rồi cùng nhau tổ chức sử dụng ma túy thì bị lực lượng Công an phường Thống Nhất kiểm tra, phát hiện.
Hiện vụ việc đang được xử lý theo quy định.
Quảng Nam: 5 tiểu thương bị nước cuốn khi ra chợ
Sáng 8-10, ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), cho biết lực lượng chức năng và người dân địa phương đang tổ chức tìm kiếm người phụ nữ bị nước lớn cuốn mất tích.
Trước đó, khoảng 4 giờ sáng cùng ngày, 5 người dân ở thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên) gánh hàng đi chợ từ thôn Lệ Bắc qua chợ La Tháp (xã Duy Châu) để bán hàng. Khi đi trên con đường đất cấp phối giữa lòng nhánh sông Thu Bồn, nước lớn từ thượng nguồn đổ về, chảy xiết cuốn trôi cả 5 người.
4 người may mắn níu được cây bói nên thoát nạn, riêng bà Hồ Thị Chín (SN 1956) bị nước cuốn mất tích.
Được biết, thôn Lệ Bắc có khoảng 300 hộ dân với hơn 1.300 khẩu, chỉ có duy nhất một con đường đất cấp phối giữa lòng sông. Chỉ cần một trận mưa lớn ở thượng nguồn, tuyến đường bị ngập, nước chảy xiết và cả thôn rơi vào cảnh cô lập hoàn toàn.
Việc di chuyển của người dân, học sinh phải phụ thuộc vào đò ngang tạm bợ hết sức nguy hiểm. Nhiều năm qua, đã có hàng chục người dân mất mạng khi đi qua tuyến đường này. Vì lẽ đó, một cây cầu bắc ngang qua sông để di chuyển an toàn là ước mơ của hàng ngàn người dân Lệ Bắc bao đời nay.
Theo ông Nguyễn Thế Đức, nhiều năm qua, cử tri địa phương liên tục phản ánh, UBND huyện Duy Xuyên cũng đã rất nhiều lần gửi văn bản lên Sở GTVT, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị xem xét xây cầu cho người dân. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT, Tổng cục Đường Bộ xem xét hỗ trợ vốn để xây cầu nhưng đến nay nguyện vọng chính đáng của người dân vẫn chưa được đáp ứng. Ông Đức cho hay cần khoảng 40 tỉ đồng để xây cầu cho người dân.
Cứ mùa mưa lũ đến, người dân Lệ Bắc và chính quyền địa phương đứng ngồi không yên. Chẳng biết phải mất bao nhiêu mạng người nữa thì người dân Lệ Bắc không phải rơi lệ với những nỗi đau chồng chất…