Tin tức 24h: Trưởng trạm y tế ở Cà Mau nơi tiêu hủy đàn chó, mèo xin nghỉ việc

Khánh Hằng - Ngày 11/10/2021 19:00 PM (GMT+7)

Trưởng trạm y tế xã bị cư dân mạng cho là người ra quyết định tiêu hủy đàn chó, mèo nên đã có lời lẽ chửi bới, xúc phạm.

Tối 11-10, trao đổi với báo chí, ông Trần Tấn Công - Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau - cho biết áp lực phòng chống dịch tại địa phương hiện rất lớn. Lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu đã vất vả và mệt mỏi nên cần sự chia sẻ, động viên từ người dân.

Những chú chó theo chủ về quê đã bị tiêu hủy. Ảnh cắt ra từ clip

Những chú chó theo chủ về quê đã bị tiêu hủy. Ảnh cắt ra từ clip

"Khi nhận được đơn xin nghỉ việc của bác sĩ Đỗ Kim Chi - Trưởng Trạm Y tế xã Khánh Hưng - huyện đã vận động bà tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đến khi hoàn thành chiến dịch tiêm vắc-xin cho người dân. Hai ngày tới, huyện sẽ tiến hành tiêm hơn 40.000 liều vắc-xin cho người dân. Trong điều kiện lực lượng phòng chống dịch còn hạn chế, đã gặp khó giờ khó càng thêm khó" - ông Công nói.

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng Trưởng Trạm Y tế xã Khánh Hưng là người quyết định tiêu hủy đàn chó, mèo nên rất nhiều cư dân mạng đã có lời lẽ chửi bới, xúc phạm. Bà Chi mắc một số bệnh nền cộng với việc không chịu được áp lực từ dư luận nên đã làm đơn xin nghỉ việc.

Theo lãnh đạo UBND huyện Trần Văn Thời, quan điểm phòng chống dịch Covid-19 của huyện là lấy nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe tính mạng của người dân lên trên hết. Qua rà soát quy trình, việc tiêu hủy đàn chó, mèo không phải theo diện động vật bị dịch bệnh mà dựa vào các quy định về phòng chống dịch để tiến hành thực hiện.

(Theo Người lao động)

Vì sao TPHCM chưa cho phép mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ?

Tại buổi họp báo thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM chiều 11/10, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM đã lý giải nguyên nhân dịch vụ ăn uống tại chỗ chưa được mở lại.

Theo ông Phương, thời gian qua loại hình dịch vụ nào đủ điều kiện kinh doanh an toàn thì đã được mở lại, loại hình nào có khả năng gây ra nhiều rủi ro thì thành phố hết sức cân nhắc, tính toán.

“Ăn uống tại chỗ là hoạt động tập trung đông người nên đến lúc này, thành phố chưa có chủ trương mở lại. Trên bình diện chung, TPHCM xét thấy chưa nên mở, cần phải có lộ trình” - ông Phương chia sẻ.

Hàng quán tại TPHCM chỉ được phục vụ bán mang đi

Hàng quán tại TPHCM chỉ được phục vụ bán mang đi

Cũng theo ông Phương, các loại dịch vụ sẽ do từng sở, ngành liên quan phụ trách, riêng việc ăn uống do Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM phụ trách. Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp.

Về tiến độ chi trả gói hỗ trợ đợt 3, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, đến nay số lượng chi trả đợt 3 đã đến tay hơn 3,7 triệu người.

“Con số này sẽ tiếp tục tăng theo từng giờ đối với 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố. Với tiến độ này, chắc chắn đến ngày 15/10, các đơn vị sẽ hoàn thành chi trả theo chỉ đạo của UBND thành phố” - ông Lâm thông tin.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, việc vận hành chi trả qua ứng dụng theo công văn của UBND thành phố đến nay thuận lợi và chưa có vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, về mặt công nghệ, do hạ tầng cùng lúc có hơn 1 triệu người truy cập nên nghẽn mạch. Các tổ chi trả của khu phố có chậm hơn so với tiến độ. Các vùng xa trung tâm mất nhiều thời gian hơn.

“Việc phát, chi trả cho người dân được ký vào 29/9, phường 12 quận 3 là địa phương đầu tiên thực hiện. Đến nay, 6 đơn vị đạt trên 90% là quận Phú Nhuận (96,3%), còn lại trên 90%. Tiến độ này rất khả quan” – ông Lâm nói.

Trả lời việc phường An Phú (TP Thủ Đức) kêu gọi người thật sự khó khăn mới nên đăng ký nhận hỗ trợ, vậy khái niệm “thật sự khó khăn” được hiểu thế nào? Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, theo Công văn 3181, có 3 nguyên tắc để xem xét chi trả hỗ trợ. Một là rà soát đảm bảo chi đủ, đúng, không trùng lắp, không phân biệt nơi tạm trú, thường trú. Thứ hai là công khai minh bạch, không trục lợi cá nhân. Thứ ba là phát huy tối đa mọi nguồn lực.

“Như vậy, chúng ta thấy rằng 'hoàn cảnh thật sự khó khăn' là hỗ trợ cho người có hoàn cảnh thật sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội kéo dài, do mất việc làm, giảm thu nhập. Những người này sẽ được công khai ở khu phố, tổ dân phố… đề nghị UBND xã phường, TP Thủ Đức phê duyệt” - ông Lâm giải thích.

(Theo Tiền Phong)

Hà Nội bỏ quy định hành khách từ TP.HCM phải cách ly tập trung 7 ngày

Ngày 11/10, VietNamnet đưa tin, UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản hỏa tốc về việc triển khai thí điểm mở đường bay nội địa thường lệ đi và đến TP.Hà Nội.

Theo đó, UBND TP.Hà Nội thống nhất với bộ Giao thông vận tải về thực hiện quy định tạm thời triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 từ ngày 10/10 - 20/10 tổ chức khai thác đường bay giữa Hà Nội – TP.HCM và Hà Nội - Đà Nẵng với tần suất 1 chuyến trên ngày (chở khách 2 chiều), ngồi giãn cách 50% công suất.

Theo đó, đối với hành khách đủ điều kiện theo quy định của bộ Giao thông vận tải, bộ Y tế thì thực hiện theo dõi sức khoẻ tại nhà hoặc nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 theo quy định của Trung ương và thành phố.

Hà Nội bỏ quy định hành khách từ TP.HCM phải cách ly tập trung 7 ngày. Ảnh minh họa

Hà Nội bỏ quy định hành khách từ TP.HCM phải cách ly tập trung 7 ngày. Ảnh minh họa

UBND TP.Hà Nội đề nghị bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành TP.Hà Nội và các tỉnh, thành phố có liên quan (nơi có hành khách đi đến sân bay quốc tế Nội Bài) trong quá trình tổ chức bán vé, đưa đón hành khách, người đưa đón đến sân bay quốc tế Nội Bài, đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19.

Hà Nội giao các sở, ngành thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Sở Y tế sẽ là cơ quan chủ trì, đầu mối phối hợp tiếp nhận thông tin hành khách để phối hợp quản lý, kiểm soát dịch COVID-19, theo dõi sức khoẻ hành khách tại nhà, nơi lưu trú theo quy định của Trung ương và thành phố.

Đồng thời, phối hợp với Cảng vụ hàng không, các hãng hàng không kiểm soát dịch tễ đối với hành khách tại sân bay quốc tế Nội Bài để sàng lọc, phân loại và thông báo cho UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn được biết để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Sở Y tế có trách nhiệm hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn quản lý, giám sát hành khách tại nơi cư trú, lưu trú đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp y tế về phòng, chống dịch theo các quy định của Trung ương và thành phố đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

TP.Hà Nội giao sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố, Y tế, Du lịch thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, chủ động nắm bắt tình hình để giải quyết các vấn đề phát sinh, tham mưu, đề xuất UBND thành phố xem xét, giải quyết các nội dung vượt thẩm quyền.

Trước đó, theo Dân Trí, vào tối 9/10, UBND TP.Hà Nội đã ban đã hành văn bản về việc triển khai phương án mở đường bay nội địa thường lệ đi và đến Hà Nội nhằm thực hiện kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải, với giai đoạn thí điểm từ ngày 10/10 - 20/10 sẽ tổ chức khai thác đường bay giữa Hà Nội - TPHCM và Hà Nội - Đà Nẵng với tần suất một chuyến/ngày, chở khách 2 chiều.

Tuy nhiên, quy định cách ly tập trung 7 ngày đối với hành khách đi máy bay từ TP.HCM đến Hà Nội và lưu trú tại thành phố đã khiến dư luận đưa ra nhiều ý kiến trái chiều.

(Theo Người đưa tin)

Hàng xóm hai vợ chồng bị sát hại ở Hóc Môn đã cố gắng giải cứu

Con trai 10 tuổi may mắn thoát nạn

Ngày 11-10, Công an huyện Hóc Môn, TP.HCM vẫn đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan lấy lời khai, điều tra về hành vi giết người với Quách Hào Quang (40 tuổi, quê Cà Mau, tạm trú xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) sau khi sát hại hai vợ chồng trên địa bàn.

Trưa cùng ngày, tại con hẻm trên đường Võ Thị Hồi (xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM) người thân của gia đình anh NHH. (46 tuổi) và chị HTM. (40 tuổi, vợ anh H.) đang tổ chức đám tang cho 2 người xấu số.

Nhiều người dân khu vực vẫn chưa hết bàng hoàng sau buổi tối định mệnh. “Lúc đó gần 21 giờ tối, bình thường những người ở đây thức rất khuy, trẻ con thì chơi ở con hẻm nhưng hôm đó do trời mưa lớn, những nhà xung quanh đều đóng cửa” – một hàng xóm sống cách nơi xảy ra án mạng chừng vài mét nói.

Anh Hải, người hàng xóm của gia đình nạn nhân xác nhận với PV mình chính là người đã cầm thang tre, tìm cách khống chế Quang như trong đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội.

“Lúc đó tôi ở trong nhà, nghe thấy tiếng hô hoán, kêu cứu nên xông ra thì thấy người đàn ông (tức Quang – PV) cầm gậy bóng chày tấn công hai vợ chồng nên hô hoán, cùng bốn năm thanh niên tìm cách khống chế kẻ này. Riêng đứa bé chạy lên gác” – anh Hải nói.

Người đàn ông hàng xóm cho biết mình đã dùng thang, giải cứu hai vợ chồng khi vụ việc xảy ra. Ảnh: NT

Người đàn ông hàng xóm cho biết mình đã dùng thang, giải cứu hai vợ chồng khi vụ việc xảy ra. Ảnh: NT

Anh Hải sau đó chạy lấy thanh tre, tìm cách khống chế kẻ sát nhân. Lúc này, Quang gầm lên: “Tao xác định tao cũng chết rồi”. Những người dân thấy kẻ này hung hãn, nên vây ráp, dùng gậy gộc, bàn ghế tấn công, ép Quang vào nhà cố thủ và giải cứu nạn nhân.

“Lúc đó, tôi chạy qua thấy người phụ nữ máu me đầy người, hoảng loạn kêu cứu vì bị đè xuống đất. Còn người đàn ông thì tay lăm lăm con dao kề lên cổ nạn nhân. Tôi hét lên mày làm gì vậy” – anh Nguyễn Khắc Tô Giang (49 tuổi, hàng xóm của nạn nhân) không khỏi bàng hoàng nhớ lại.

Riêng anh Giang cho biết, mình chính là người đã cầm chồng ghế tìm cách giải cứu hai vợ chồng trong khi kẻ thủ ác lăm lăm hung khí. Ảnh: NT

Riêng anh Giang cho biết, mình chính là người đã cầm chồng ghế tìm cách giải cứu hai vợ chồng trong khi kẻ thủ ác lăm lăm hung khí. Ảnh: NT

Anh Giang cùng bốn năm người hàng xóm hô hoán, tìm cách tấn công Quang để giải cứu chị M. lúc này đã trọng thương. “Tôi dùng ghế ném vào người đàn ông. Tuy nhiên hắn phản kháng, cố gắng kéo nữ chủ nhà vào bên trong để sát hại bằng được. Nhiều người lúc này xông tới, vây ráp và tìm cách lôi người phụ nữ ra ngoài” – anh Giang tiếp.

Diễn biến vụ việc xảy ra rất nhanh, chừng vài phút, Quang yếu thế phải chạy vào nhà cố thủ. Tay lăm lăm hung khí. Sau đó không lâu, công an có mặt, lúc này hai nạn nhân đã được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Quang sau đó hợp tác, chấp nhận chịu trói.

“Anh H. lúc đầu bị thương nhẹ hơn vợ, nhưng trong lúc thấy kẻ sát nhân hung hãn, tấn công vợ nên xông vào, tay không giải cứu vợ, đồng thời cứu con trai khoảng 10 tuổi đang ở trong nhà thì bị Quang đập gậy bóng chày vào đầu, gục xuống ở cửa, không thoát kịp” – người đàn ông sống gần đó nói.

Theo người dân, Quang nhiều lần tìm đến con hẻm nơi gia đình anh H. sinh sống để theo dõi, cũng như gây sự. Ảnh: NT

Theo người dân, Quang nhiều lần tìm đến con hẻm nơi gia đình anh H. sinh sống để theo dõi, cũng như gây sự. Ảnh: NT

Riêng anh Giang cho biết, lúc xông tới thì thấy bé trai đang ở trong nhà nên chỉ tay nói chạy lên trên gác. Riêng Quang cố thủ hàng chục phút.

Anh Hải cũng thông tin, thời điểm xảy ra vụ việc, bé trai mau mắn chạy lên gác, đóng cửa và thoát sang ngôi nhà lân cận qua lối ban công dưới sự giúp đỡ của các hàng xóm.

Nỗi đau ập xuống quá kinh khủng 

Ghi nhận, đám tang của hai vợ chồng anh H. tổ chức đơn sơ. Trưa cùng ngày, có khoảng 10 người đến thăm viếng, động viên gia đình.

Trưa cùng ngày, gia đình tổ chức hậu sự cho người đã khuất. Ảnh: NT

Trưa cùng ngày, gia đình tổ chức hậu sự cho người đã khuất. Ảnh: NT

Một phụ nữ hàng xóm cho hay, anh H. tính tình rất hiền lành, dễ mến. Hàng ngày anh H. làm việc ở siêu thị, chăm chỉ làm ăn. Còn chị M. ở nhà nhận hàng may mặc để gia công. Do đợt dịch, cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn.

Theo tìm hiểu của PV, gia đình anh H. chị M. đã sinh sống ở con hẻm được vài năm. Hai vợ chồng có hai người con, một trai một gái. Thời điểm xảy ra vụ việc họ đang ăn cơm, người con gái đi làm nên không có mặt.

Thủy Tiên (22 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết mình là bạn thân của con gái nạn nhân. Cô cho biết hai vợ chồng anh H. chị M. có cuộc sống khó khăn, tai vạ đổ ập xuống, hai người ra đi là cú sốc không thể tưởng tượng với hai con nhỏ.

“Bạn em làm ở siêu thị điện máy, em trai đang học. Cuộc sống trước giờ rất khó khăn giờ lại có tai họa đổ xuống đầu nên không biết sau này ra sao. Em cũng mong muốn có các mạnh thường quân hỗ trợ, giúp đỡ cho hai chị em bạn ấy” – Tiên nói.

Hàng xóm cho biết, gia đình anh H. đã chuyển đến sinh sống ở con hẻm được một vài năm. Ảnh: NT

Hàng xóm cho biết, gia đình anh H. đã chuyển đến sinh sống ở con hẻm được một vài năm. Ảnh: NT

Cô gái trẻ cho biết các bạn bè, người thân sau khi hay chuyện đều bàng hoàng, càng đau buồn hơn khi nhiều thông tin trên mạng đồn đoán nguyên nhân câu chuyện là vợ anh H. có mối quan hệ tình cảm với hung thủ.

“Gia đình hiện rất đau khổ. Câu chuyện thực tế là trước đây mẹ của bạn em có làm ăn chung với ông ta (tức Quang – PV). Nhưng sau đó không còn làm ăn chung nữa. Từ khoảng hai năm trở lại đây, ông ta thường hay khủng bố gia đình, dọa bắt cóc người con trai và thực tế đã tìm đến trường, đòi đón bé trai nhưng cô giáo không cho. Người này tuyên bố là không để gia đình bạn em sống yên ổn khiến gia đình mệt mỏi” – Tiên cho hay.

Theo cô gái, chỉ mấy tháng trước, ông Quang nhiều lần đến nhà của anh H. để quậy phá, theo dõi và một trong số đó có phá hỏng một chiếc điện thoại của chị M. “Gia đình có trình báo lên chính quyền địa phương vì lo lắng. Ông Quang có hứa hẹn là sẽ không làm phiền gia đình nữa cho đến sự việc ngày hôm trước” – cô gái tiếp.

Cô gái 22 tuổi nhiều lần khẳng định việc ông Quang có những biểu hiện bất bình thường khi tìm đến con hẻm như nhiều lần đến nhà rình mò, quậy phá. Nguyên nhân là do mâu thuẫn trong việc làm ăn với chị M. từ hơn hai năm về trước. “Nhiều người không biết sự thật đăng lên làm ảnh hưởng đến tâm lý gia đình” – cô gái buồn bã.

Theo người dân, căn nhà của hai vợ chồng anh H. đang ở cũng đã thế chấp ngân hàng từ trước đó.

(Theo Pháp luật TP HCM)

Giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh, RON95 lên gần mức 23.000 đồng/lít

Chiều ngày 11/10, liên bộ Tài chính- Công Thương thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ.

Tại kỳ điều hành này, liên Bộ quyết định ngừng trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu (Quỹ BOG) đối với các mặt hàng xăng A95, dầu diesel, dầu hỏa; đồng thời tăng chi sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5 ở mức cao.

Giá xăng RON95 lên gần mức 23.000 đồng/lít. Ảnh minh họa

Giá xăng RON95 lên gần mức 23.000 đồng/lít. Ảnh minh họa

Liên Bộ cũng quyết định chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa (kỳ trước không chi) để giá xăng dầu trong nước có mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Sau khi trích lập và chi quỹ BOG, giá xăng E5 tăng 967 đồng/lít, lên mức 21.683 đồng/lít; xăng A95 tăng 934 đồng/lít, lên mức 22.879 đồng/lít.

Giá các mặt hàng dầu cũng đều tăng khá mạnh. Dầu diesel tăng 959 đồng/lít, lên mức 17.545 đồng/lít; dầu hỏa 16.622 đồng/lít, tăng 979 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành; dầu mazut 17.097 đồng/kg, tăng 517 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành.

Lý giải việc liên tục tăng giá xăng dầu liên bộ Tài chính- Công Thương cho biết, giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang tăng khá mạnh. Giá dầu thô ngày 10/10 đã lên mức 80,11 USD/thùng đối với WTI và 82,58 USD/thùng đối với dầu Brent, cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.

Thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng của việc nhu cầu tăng do kinh tế các nước trên thế giới đang dần hồi phục, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang khôi phục trở lại; nhu cầu năng lượng (trong đó có xăng dầu) cũng tăng do chuẩn bị nguồn năng lượng cho mùa Đông trong khi giá khí đốt tăng mạnh,...

(Theo Đời Sống Pháp Luật)

Hà Nội sẽ có thêm 18 khách sạn giá bình dân cho người về từ TP.HCM cách ly

Trao đổi với PV Báo Giao thông vào chiều nay (11/10), bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội đang bổ sung thêm 18 khách sạn đạt tiêu chuẩn phòng cách ly cho những người từ TP.HCM về bằng đường bay.

"Ngoài 20 khách sạn đã công bố trước, thì nay Sở Du lịch đang bổ sung thêm 18 khách sạn với gần 2/000 phòng đủ tiêu chuẩn cách ly để phục vụ cho người từ TP.HCM đến Hà Nội có nhu cầu cách ly ở khách sạn", bà Giang nói và cho biết, hiện nay không xuất hiện tình trạng thiếu phòng ở những khách sạn đạt tiêu chuẩn cách ly.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cũng cho biết, giá phòng của 18 khách sạn chuẩn bị được bổ sung này ở mức bình dân, từ 500 đến 1 triệu đồng/ngày đêm.

"Hà Nội sẽ cung cấp đủ khách sạn cho nhu cầu của người từ TP.HCM về Hà Nội", bà Hà khẳng định.

Trước đó, ngày 10/10, Hà Nội thông tin về danh sách 20 khách sạn làm cơ sở cách ly y tế tập trung phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đây là những khách sạn được dùng để người dân về từ TP.HCM cách ly tập trung.

Phía Hà Nội cũng thông tin về mức giá phải trả khi người dân cách ly tại các khách sạn này. Theo đó, đối với phòng đơn thấp nhất 1,3 triệu/đêm, còn mức giá của khách sạn cao nhất là 4,6 triệu/đêm.

Cụ thể, được xếp hạng 3 sao, khách sạn New Era ở 17 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, có giá thấp nhất trong số 20 khách sạn được chọn làm nơi cách ly tập trung, giá 1,3 triệu đồng/ngày đêm (phòng đơn), gần 1,9 triệu đồng/ngày đêm cho phòng đôi. Mức này đã bao gồm xe đưa đón, ăn 3 bữa/ngày và test Covid-19 hai lần.

Khách sạn Hòa Bình (3 sao, địa chỉ 27 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm) có giá cao nhất từ 1,8 - 4,6 triệu/ngày đêm với phòng đơn và 2,7 - 6,9 triệu/ngày đêm cho phòng đôi. Mức này bao gồm cả ăn ba bữa, đồ uống đơn giản và giặt ướt.

Theo đại diện Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội, các khách sạn không thuộc diện điều tiết giá theo quy định của Nhà nước, tuy nhiên, Sở Du lịch Hà Nội đã chỉ đạo các khách sạn xây dựng và đưa ra mức giá hợp lý, phù hợp cho nhiều đối tượng thực hiện cách ly.

Nếu không chọn cách ly tập trung ở các khách sạn trên, hành khách về từ TP.HCM có thể chọn cách ly tại các cơ sở của thành phố.

(Theo Báo Giao Thông)

Xe cá nhân lưu thông giữa TP.HCM và 4 tỉnh liền kề cần chú ý

Cụ thể, mới đây Sở GTVT TP.HCM tiếp tục trình UBND TP.HCM dự thảo phương án đi lại cho người lao động giữa TP.HCM và các tỉnh liền kề. Đáng chú ý, việc đi lại bằng xe cá nhân vẫn chưa được thống nhất.

Cụ thể, đối với phương tiện giao thông cá nhân (ô tô, mô tô, xe gắn máy), người điều khiển phương tiện và ngồi trên phương tiện phải đáp ứng các điều kiện sau:

Lưu thông từ các tỉnh Bình Dương, Long An, Tây Ninh vào TP.HCM đã tiêm ngừa COVID-19 (ít nhất một mũi đối với loại vaccine tiêm hai mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (định kỳ 7 ngày/lần).

Sở GTVT TP.HCM tiếp tục trình dự thảo phương án đi lại giữa TP.HCM và các tỉnh liền kề lên UBND TP.HCM. Ảnh: ĐT.

Sở GTVT TP.HCM tiếp tục trình dự thảo phương án đi lại giữa TP.HCM và các tỉnh liền kề lên UBND TP.HCM. Ảnh: ĐT.

Đối với trường hợp lưu thông từ TP.HCM vào các tỉnh như sau:

Lưu thông vào tỉnh Long An: Đã tiêm ngừa COVID-19 (ít nhất một mũi đối với loại vaccine tiêm hai mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng và có  kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (định kỳ 7 ngày/lần).

Lưu thông vào tỉnh Bình Dương: Trường hợp cá nhân sử dụng phương tiện ô tô đã tiêm ngừa COVID- 19 (ít nhất một mũi đối với loại vaccine tiêm hai mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (định kỳ 7 ngày/1 lần), và (3) có giấy xác nhận phục vụ lưu thông của người lao động có nội dung địa điểm, cung đường.

Trường hợp sử dụng mô tô, xe gắn máy chỉ áp dụng đối với người lao động đi lại giữa 2 địa phương giáp ranh TP Thủ Đức với TP Thuận An và Dĩ An. Người ngồi trên phương tiện phải đáp ứng các yêu cầu sau: Đã tiêm ngừa COVID-19 đầy đủ hai mũi hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (định kỳ 7 ngày/1 lần) và có giấy xác nhận phục vụ lưu thông của người lao động có nội dung địa điểm, cung đường.

Lưu thông vào tỉnh Tây Ninh: Đã tiêm ngừa COVID-19 ít nhất một mũi đối với loại vaccine tiêm hai mũi và ít nhất 21 ngày sau khi tiêm hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng và có kết quả xét nghiệm (SARS-CoV-2) âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả).

Lưu thông vào tỉnh Đồng Nai: Chưa cho phép xe cá nhân (ô tô, mô tô, xe gắn máy) lưu thông.

Phương thức nhận diện, kiểm soát đối với các địa phương trên như sau: Người tham gia lưu thông giữa các tỉnh phải khai báo y tế, sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID, mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động) và kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính theo quy định của ngành y tế.

Trường hợp không có mã QR, xuất trình một trong các giấy tờ sau: Là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng (có xác nhận của cơ quan chức năng nơi quản lý, theo dõi, điều trị); Đã tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Trường hợp tổ chức vận chuyển theo hình thức đưa đón công nhân, chuyên gia bằng ô tô: Đối tượng vận chuyển là công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp, hợp tác xã (gọi tắt là đơn vị) tổ chức đưa đón từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh đến các cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn TP.HCM và ngược lại.

Phương thức nhận diện quản lý phương tiện vận chuyển như sau: Các đơn vị xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia thông qua đơn vị đầu mối đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động, gửi đến Sở GTVT các tỉnh, TP (nơi cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động, đặt trụ sở) để được xem xét, cấp Giấy nhận diện tạo điều kiện lưu thông liên tỉnh. Hoặc Sở GTVT các tỉnh tổng hợp danh sách gửi Sở GTVT TP.HCM hỗ trợ cấp Giấy nhận diện.

Yêu cầu đối với người phục vụ, người điều khiển và người ngồi trên phương tiện vận chuyển phải đáp ứng các điều kiện sau: Lưu thông từ các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh vào TP.HCM đã tiêm ngừa COVID-19 (ít nhất một mũi đối với loại vaccine tiêm hai mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng; và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (định kỳ 7 ngày/lần).

(Theo Pháp luật TPHCM)

Để con dưới 18 tuổi tiêm vaccine Covid-19, một Phó giám đốc bị kỷ luật

Sáng 11/10, theo thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Thị ủy Giá Rai (Bạc Liêu), đơn vị vừa triển khai quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách Đảng đối với bà Nguyễn Thị Sứ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã Giá Rai.

Tiêm ngừa vaccine cần đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tiêm ngừa vaccine cần đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bà Sứ bị kỷ luật do liên quan đến việc tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Trước đó, cơ quan chức năng thị xã Giá Rai nhận được phản ánh của người dân về việc có một số trường hợp tiêm vaccine ngừa Covid-19 chưa đủ 18 tuổi, không đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sau khi kiểm tra xác minh, cơ quan chức năng xác định, có 1 trường hợp tên B.N.T.N. (17 tuổi, ngụ phường 1, thị xã Giá Rai) là con ruột của bà Sứ.

Việc để con trai tiêm vaccine ngừa Covid-19 khi chưa đủ 18 tuổi của bà Sứ đã có hành vi vi phạm các quy chế, quy định về chuyên môn trong ngành y tế và vi phạm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, qua rà soát ban đầu trên hệ thống, hiện có trên 60 trường hợp được tiêm vaccine ngừa Covid-19 dưới 18 tuổi.

Tính đến 6h ngày 11/10, toàn tỉnh Bạc Liêu đã có 160.996 người đã tiêm mũi 1 và 49.250 người đã tiêm mũi 2.

(Theo Báo Giao Thông)

COVID-19 11/10: Diễn biến bất ngờ vụ 15 chú chó theo 2 vợ chồng F0 về quê bị tiêu hủy
Ngành chức năng ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã xác định được quê quán của chủ nhân đàn chó mèo bị tiêu hủy.

Dịch COVID-19

Khánh Hằng (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Vụ 15 chú chó bị tiêu hủy