Sở GD&ĐT Hà Nội quy định, nếu nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 10 độ C thì học sinh bậc mầm non, tiểu học được nghỉ ở nhà và dưới 7 độ C thì các em THCS nghỉ.
Trong công văn vừa gửi các trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, Sở GD&ĐT Hà Nội nêu, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các nơi thuộc Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh, khu vực Thủ đô sẽ có những ngày rét đậm, rét hại.
Để bảo đảm sức khỏe và phòng, chống rét cho học sinh, Sở GD&ĐT đề nghị các quận, huyện, trường học thường xuyên theo dõi thông tin nhiệt độ ngoài trời ở khu vực Hà Nội trong những ngày rét đậm, rét hại. Nếu nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 10 độ C thì học sinh mầm non, tiểu học được nghỉ ở nhà. Nếu nhiệt độ ngoài trời dưới 7 độ C thì học sinh THCS được nghỉ.
Về căn cứ nhiệt độ, Sở GD&ĐT đề nghị các địa phương cập nhập bản tin dự báo thời tiết của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (kênh H1) vào 6h sáng hằng ngày.
Học sinh mầm non, tiểu học được nghỉ khi trời rét dưới 10 độ C.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học kiểm tra và sửa chữa kịp thời các phòng học, phòng chức năng, phòng bán trú, phòng ăn... bảo đảm tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Các trường có tổ chức bán trú cần đặc biệt quan tâm bảo đảm cơm, thức ăn, nước uống nóng sốt; chỗ nghỉ trưa đủ ấm. Các trường, nhóm lớp mầm non cần bảo đảm có nước ấm để chăm sóc và phục vụ trẻ em.
Các đơn vị, trường học lưu ý, không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại; phối hợp cha mẹ học sinh nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm; không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục trong những ngày trời rét.
Trong những ngày rét đậm, rét hại, căn cứ điều kiện thời tiết của từng địa phương, các trường có thể điều chỉnh thời gian học, sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Trường hợp học sinh đến muộn vì lý do thời tiết, nhà trường cần linh hoạt giải quyết để học sinh được vào học.
Mẹo giữ ấm và chăm sóc trẻ nhỏ khi trời lạnh
Theo BS. Bùi Thị Yến Nhi - BV ĐH Y Dược TP.HCM Cơ sở 3 cho biết, hệ hô hấp của trẻ nhỏ so với người lớn chưa hoàn thiện như niêm mạc có nhiều mạch máu, hàng rào niêm mạc mũi kém, khả năng sát trùng của niêm dịch kém, lỗ mũi hẹp, khoang hầu nhỏ ngắn, do đó khi hít thở không khí khả năng lọc sạch kém và không được sưởi ấm đầy đủ...
Do đó, khi thời tiết lạnh, trẻ em dễ bị tổn thương sớm nhất và nhanh nhất do khả năng miễn dịch đang ở mức thấp và các cơ chế bảo vệ chưa hoàn thiện đầy đủ, trẻ dễ bị viêm đường hô hấp, niêm mạc thanh - khí - phế quản dễ bị phù nề, xuất tiết, biến dạng khi bệnh.
BS. Bùi Thị Yến Nhi đưa ra một số mẹo giữ ấm và chế độ sinh hoạt, ăn uống để cho trẻ khỏe mạnh trong thời tiết giá lạnh:
Phương pháp quần áo "xếp lớp" khi đi ra ngoài: Mặc quần áo phù hợp sẽ giúp che chắn cho trẻ nhỏ khỏi cái lạnh giá buốt bên ngoài. Hãy chọn quần áo mỏng nhẹ, thoáng khí và mặc thành nhiều lớp thay vì chỉ mặc một lớp quần áo dày cộm, cồng kềnh.
Găng tay, khăn quàng cổ, tất dài, giày cao cổ, mũ len hoặc mũ lưỡi trai vừa vặn trùm lên mũ của áo khoác sẽ bảo vệ được đôi bàn tay, cổ, bàn chân, đầu và tai khỏi lạnh. Sau khi hoạt động ở ngoài vào, hãy kiểm tra bụng, bàn tay và chân của trẻ. Bàn tay, chân phải mát, không lạnh hoặc ấm; bụng trẻ phải ấm, không mát hoặc nóng. Nếu bụng, bàn tay/chân quá ấm điều đó nghĩa là chúng ta đã mặc quá nhiều cho trẻ; còn nếu bụng, bàn tay/chân lạnh thì hãy ủ ấm ngay và ghi nhớ lần sau mặc thêm lớp cho trẻ.
Vì sao Lê Tùng Vân xin hoãn thi hành án tù?
Ngày 19/12, trao đổi với PV tờ Tri thức Trực tuyến, Phó Chánh án TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, Nguyễn Khắc Linh Duy cho biết TAND huyện Đức Hòa đã nhận được đơn đề nghị tạm hoãn chấp hành án phạt tù của ông Lê Tùng Vân (90 tuổi, ngụ số 191A ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An).
"Đơn đề nghị của ông Lê Tùng Vân đã được chuyển đến tòa sáng nay, hiện TAND huyện Đức Hòa xem xét nội dung đơn", ông Duy cho hay.
Theo tờ Đại Đoàn Kết, bị cáo Vân bị kết án 5 năm tù về tội "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Trong quá trình tố tụng vụ án, ông Vân được cơ quan chức năng cho phép tại ngoại ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, Đức Hòa vì “tuổi cao, sức yếu”.
Ông Lê Tùng Vân. Ảnh: Tri thức Trực tuyến
Trong đơn đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù giam gửi tới cơ quan chức năng, ông Vân cho biết năm nay đã "91 tuổi tây, 92 tuổi ta, tuổi già, sức yếu, thân mang nhiều bệnh tật kinh niên: tăng huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu mạn, hẹp mạch vành, viêm loét dạ dày…". Ông Vân cũng cho biết thêm trong đơn rằng, "nhiều năm nay, tôi chỉ có thể nằm trên võng đung đưa, sinh hoạt cá nhân tôi đều phải nhờ người nhà chăm sóc", và khẳng định "tôi không đủ sức khỏe để đi ở tù".
Ngoài ra, ông Vân cũng cho rằng ông đang có đơn kêu oan, kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm mà TAND tỉnh Long An tuyên ngày 3/11. Do đó, ông đề nghị Chánh án TAND huyện Đức Hòa xem xét hoàn cảnh và sức khỏe thực tế của bản thân để ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù theo quy định.
Liên án đến vụ việc, theo tờ Pháp luật TP.HCM, ngày 16/12, TAND huyện Đức Hòa đã có thông báo sửa chữa, bổ sung quyết định thi hành bản án hình sự (ban hành ngày 7/12).
Quyết định ký ngày 7/12 nêu sẽ thi hành án đối với người bị kết án là ông Lê Tùng Vân. Quyết định này cũng nói rõ là cho thi hành án “đối với người bị kết án đang bị tạm giam”. Nay, tòa thông báo sửa lại thành thi hành án “đối với người bị kết án đang được tại ngoại”.
Mặt khác, theo quyết định cũ, tòa nêu: “Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An thi hành quyết định này và thông báo cho gia đình người bị kết án biết nơi người đó chấp hành hình phạt tù”.
Nay, tòa sửa lại thành: “Trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày nhận được quyết định này, người bị kết án phải có mặt tại cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Đức Hòa để chấp hành án. Nếu quá thời hạn trên mà không có mặt tại cơ quan công an để chấp hành án thì người bị kết án sẽ bị áp giải đến trại giam để chấp hành án”.
Tòa cũng yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Đức Hòa thi hành theo quyết định mới này và thông báo bằng văn bản cho tòa biết.
Messi sắp xuất hiện trên tờ tiền mệnh giá cao nhất Argentina
Theo báo chí xứ Tango, ngay sau chiến thắng của đội nhà trước Pháp, Ngân hàng trung ương Argentina đã có một cuộc họp khẩn cấp. Cuộc họp này bàn về nhiều vấn đề quan trọng như tiền thưởng của đội tuyển, cách tri ân đội tuyển và cả kế hoạch in hình Messi trên tờ 1.000 peso, vốn là tờ có mệnh giá cao nhất ở Argentina (1.000 peso tương đương gần 8 USD).
Theo thông lệ, cứ mỗi sự kiện lịch sử, Argentina sẽ cho ra mắt những tờ tiền đặc biệt. Họ đã làm được điều đó sau chức vô địch World Cup 1978, kỷ niệm 50 ngày mất của Eva Peron (cố đệ nhất phu nhân Argentina) và năm nay là 2022, thêm một chức vô địch thế giới nữa. Điều đó thúc đẩy ngân hàng trung ương Argentina cho ra mắt một tờ tiền để tôn vinh Messi.
Messi có thể xuất hiện trên tờ tiền 1.000 peso
Mặt trước của tờ tiền in hình Messi, mặt sau in hình HLV Lionel Scaloni. Đây là ý tưởng được đưa ra bởi Eduardo Hecker, chủ tịch Ngân hàng trung ương Argentina. Và nhiều khả năng tờ tiền đặc biệt này sẽ được in giới hạn.
Phần nhiều ý kiến ủng hộ kế hoạch trên, đặc biệt có thống đốc Lisandro Cleri. Thế nhưng cũng có những ý kiến phản đối bởi họ cho rằng trong bối cảnh lạm phát leo thang, chi phí sản xuất một tờ tiền mới sẽ rất tốn kém, ảnh hưởng đến ngân sách chung. Nhưng phần đông ủng hộ lại cho rằng đây là việc làm tối thiểu mà họ có thể làm được cho đội tuyển quốc gia, đặc biệt là ngôi sao Messi.
Bên cạnh đó, các bên cũng bàn về một lễ tri ân đội tuyển nước nhà. Nhưng điều này là rất khó khăn khi các thành viên Albiceleste sẽ có rất ít thời gian tại quê nhà. Và chắc chắn họ cũng rất bận rộn với những sự kiện ăn mừng triền miên sau chức vô địch.
Một người bị đánh gãy răng vì hát karaoke ồn ào
Ngày 19/12, Công an huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết đang điều tra, làm rõ vụ việc xô xát đánh nhau xuất phát từ việc gây ồn ào trong lúc hát karaoke.
Báo Người Lao Động đưa tin, ngày 10/12, anh Lê Công H. (SN 1984, ngụ thôn 7, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đang cùng với 2 người bạn (ngụ cùng xã) hát karaoke (dạng loa kéo) tại nhà riêng.
Hiện trường một vụ án. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, quá trình hát đã gây ồn ào khiến ông Lê Chí C. (SN 1965, là hàng xóm của anh H.) bực tức, có sang nhắc nhở. Tại đây, 2 bên xảy ra mâu thuẫn chửi bới nhau.
Ông C. được cho rằng đã đập loa, giật míc, nên 2 bên xảy ra xô xát, đánh nhau.
Nguồn tin cũng cho hay, sự việc khiến anh H.V.V. (SN 1988; ngụ xã Thọ Xương, là bạn của anh H.) bị ông C. đánh gãy răng. Ông C. cũng bị đánh bị thương.
Nhận được tin báo, cơ quan Công an huyện Thọ Xuân đã có mặt tại hiện trường, lấy lời khai của những người liên quan để điều tra, làm rõ, Dân Việt phản ánh.
Hiện, vụ việc đang được Công an huyện Thọ Xuân tiếp tục điều tra, làm rõ.
Rau xanh tăng giá chóng mặt, đắt ngang thịt, cá
Rau đắt ngang thịt, cá
Tan làm ghé qua chợ Nghĩa Tân mua thức ăn chuẩn bị bữa tối, chị Nguyễn Thị Dung (Cầu Giấy, Hà Nội) giật mình vì giá rau xanh tăng chóng mặt sau mấy ngày miền Bắc chuyển rét đậm. Bình thường, giá chỉ 10.000 đồng/kg cải bắp, tuy nhiên những ngày này đã lên tới 25.000 đồng/kg, nên mâm cơm của gia đình chị phải điều chỉnh, từ nhiều rau, vừa thịt sang tăng thịt, giảm rau.
Chị Hoàng Thị Trang (Bắc Từ Liêm) than thở: “Lương công nhân không đủ để mua rau, ở siêu thị đắt đã đành, chợ còn đắt hơn”. Chị cho biết chưa bao giờ mua mớ rau cải ngọt có giá 17.000 đồng/kg, rau muống có giá 15.000 - 20.000 đồng/mớ, đắt gấp 2-3 lần so với tháng trước.
Giá rau xanh tăng "chóng mặt" khiến người dân chắt chiu khi đi chợ.
Ghi nhận của Báo Giao thông tại chợ Quan Hoa, chợ Nghĩa Tân, Chợ Đồng Xa (Hà Nội) phần lớn các loại rau củ giá đều tăng gấp 2-3 lần so với tháng 11. Hiện rau muống có giá 15.000-20.000 đồng/mớ, rau cần 50.000 đồng/kg, cải cúc 10.000 đồng/mớ, su hào 10.000 đồng/củ, rau ngót, cải canh giá đều ở mức 15.000 đồng/mớ,…
Tương tự, bí xanh giá từ 10.000 đồng/kg nay tăng lên 25.000-30.000 đồng/kg, bắp cải cũng tăng gấp đôi lên mức 20.000 đồng/kg, đậu cove có giá 50.000 đồng/kg,…
Còn tại TTTM BigC Thăng Long các loại rau gia vị cũng tăng gấp 3 – 4 lần: Hành lá có giá 105.000 đồng/kg, tía tô 8.900 đồng/mớ/100g, kinh giới 6.900 đồng/mớ, rau thơm 109.000 đồng/kg, mùi tàu 69.000 nghìn đồng/kg,…
Như vậy, giá nhiều loại rau như rau cần, đậu cove, đặc biệt là một số loại rau thơm, rau gia vị đã đắt ngang thịt, cá.
Bà Nguyễn Thị Thành, tiểu thương chợ Quan Hoa cho biết đang có nghịch lý giá thịt lợn giảm giá rau xanh tăng chóng mặt. Các tiểu thương buôn rau không dám nhập về bán, người dân chủ yếu chuyển qua ăn thịt, cá, trứng.
Đắt chợ, rẻ ruộng
Giá rau xanh đến tay người tiêu dùng cao chóng mặt, nhưng ngược lại tại ruộng vẫn bèo bọt. Bà Nguyễn Thị Chính (Tây Tựu, Bắc Từ Liêm) cho biết: “Thời tiết năm nay thất thường, lạnh muộn, trồng được 5 luống rau kinh giới đến thời điểm thu hoạch giá có phần tăng hơn tháng trước nhưng không đáng mấy. Hiện cắt tận vườn 5 bó mới chỉ được 8.000 đồng”.
Cũng tranh thủ thu hoạch lúc rau nhích giá, chia sẻ với PV Báo Giao thông, bà Phạm Thị Bình (Tây Tựu, Từ Liêm) cho biết: Rau rẻ không cắt thì ra hoa, nên vẫn phải bán. Tháng trước rau mùi tàu chỉ được 10.000 đồng/kg, tháng này thời tiết lạnh nên tăng lên 15.000 đồng/kg mới đủ công và thêm chút lãi.
“Giá rau xanh tăng cao là do ảnh hưởng bởi thời tiết. Những ngày qua mưa, rét khiến cây sinh trưởng chậm, nhiều loại rau không phát triển được, sản lượng thấp khiến giá bán bị đội lên cao. Rau xanh mà tính cân thì nhẹ lắm, đắt chợ nhưng rẻ ruộng, ra chợ họ bó lại bán có thể lời gấp mấy lần, mình vất vả trồng, chăm sóc, hái nhưng không được bao nhiêu”, bà Bình cho hay.
Theo bà con nông dân và các tiểu thương, từ nay đến Tết Nguyên đán 2023, giá rau phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu thời tiết nắng ấm lên thì việc gieo trồng thuận lợi, giúp gia tăng năng suất, giảm giá thành; nhưng nếu tiếp tục rét đậm, rau xanh chậm phát triển, năng suất giảm thì giá bán vẫn còn khả năng tăng cao.
Hà Nội bắn pháo hoa tại 31 điểm dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023
Sáng 19/12, tại cuộc tiếp xúc cử tri Hoàn Kiếm sau kỳ họp HĐND, Chủ tịch HĐND, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết UBND thành phố đã có văn bản kiến nghị và Thường trực Thành ủy nhất trí với kế hoạch bắn pháo hoa tại 30 quận, huyện, thị xã với 31 trận địa.
VietNamnet dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, kinh phí tổ chức bắn pháo hoa trên địa bàn TP.Hà Nội được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Thành ủy đã giao UBND thành phố xây dựng phương án cụ thể bắn pháo hoa, trong đó có thể nghiên cứu thêm địa điểm phù hợp.
Hà Nội bắn pháo hoa tại 31 điểm dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Ảnh minh họa
Những năm trước đại dịch COVID-19, dịp Tết Nguyên đán, chính quyền TP.Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa 31 điểm ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã (quận Hoàn Kiếm có hai điểm bắn đều ở Hồ Gươm). Trong đó 6 điểm tầm cao, còn lại tầm thấp, thời gian bắn 15 phút.
Năm 2020, để phòng dịch nên Hà Nội chỉ tổ chức bắn ở một điểm công viên Thống Nhất và tường thuật trên hệ thống truyền hình của thành phố để nhân dân theo dõi. Tết 2021, Hà Nội dự kiến thực hiện như Tết 2020 nhưng sau đó thành phố hủy để phòng, chống COVID-19.
Theo Dân Trí, cũng tại buổi tiếp xúc, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh thừa nhận tình trạng kinh doanh nhà hàng trong công viên tồn tại trong thời gian dài. Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các sở, ngành thành phố chấn chỉnh.
Trong khi đó, trả lời ý kiến của cử tri về vấn đề trông giữ xe lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, sau khi có thông tin trông giữ xe ô tô trên vỉa hè gây nứt vỡ, quận đã rà soát, cho thấy, trên địa bàn có 32 điểm đang để ô tô trên vỉa hè, giấy phép cấp tạm 6 tháng/lần.
Quận Hoàn Kiếm đã giao các lực lượng chức rà soát lại theo các tiêu chí; nếu không đảm bảo điều kiện kết cấu, diện tích không đủ chiều dành cho người đi bộ thì sẽ thu hồi.
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm khẳng định sẽ từng bước tiến tới 100% vỉa hè trên địa bàn quận không để ô tô. Các vỉa hè này nếu có nhu cầu sẽ cho phép để xe máy, chấm dứt tình trạng ô tô trèo lên vỉa hè gây lún nứt.
Giá xăng nhập đã xuống 17.000 đồng/lít
Theo dữ liệu của Bộ Công thương, giá xăng A95 nhập từ Singapore tiếp tục thiết lập mức thấp kỷ lục trong năm 2022. Theo đó, giá xăng nhập chỉ còn 82 USD/thùng.
Mức giá này tương đương với ngày 3-9-2021, khi đó giá xăng trong nước (A95) là 21.131 đồng/lít. Nếu trừ đi thuế bảo vệ môi trường là 3.300 đồng thì giá xăng chỉ còn 17.831 đồng/lít.
Trong suốt thời gian qua, giá xăng A95 nhập từ Singapore vẫn duy trì mức dưới 90 USD/thùng. Mức giá xăng nhập cao nhất cũng chỉ 89 USD.
Hai ngày nữa sẽ đến kỳ điều chỉnh xăng tiếp theo, do đó, với việc giá xăng nhập giảm kỷ lục cùng với tỉ giá hạ nhiệt thì giá xăng trong nước có khả năng giảm lần thứ 4 liên tiếp.
Trong kỳ điều chỉnh trước, giá xăng A95 đã giảm 1.504 đồng xuống còn 21.200 đồng/lít. Đây là lần giảm thứ 3 liên tiếp.
Giá xăng giảm mạnh trong thời gian qua nhờ vào giá dầu thô toàn cầu rớt xuống mức thấp nhất trong năm 2022.