Người "khổng lồ" Nguyễn Văn Y (67 tuổi) cao 2,18 m ở TP Cần Thơ hiện có cuộc sống khó khăn. Đôi mắt của ông dần mù loà và bệnh tật triền miên.
Người khổng lồ cao hơn 2,1m ở Cần Thơ bây giờ ra sao?
Đi ngang chợ xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ bất cứ lúc nào cũng bắt gặp một người đàn ông cao lớn, đi chân trần khập khiễng và cầm cây gậy dò đường, đó chính là ông Nguyễn Văn Y - người đàn ông cao 2,18m.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng (em gái thứ 6 của ông Y) phân trần: "Tôi và các con hay khuyên anh ấy lớn tuổi, hai mắt không thấy đường nên ở nhà đừng đi ra ngoài nhưng không nghe. Đóng hàng rào rồi thì anh ấy lại lẻn đường sau đi ra chợ. Ngày nào cũng phải đi chứ ở nhà là ảnh không chịu nổi".
Ông Y đã bị mù và thường đi lang thang.
Ông Nguyễn Văn Y là con nuôi của cha mẹ bà Phượng. Theo lời bà, ngày trước cha mẹ sanh 3 đứa con nhưng đều mất sớm nên mẹ bà Phượng xin ông Y từ một người phụ nữ khác về nuôi. Lúc này, ông Y mới 3 ngày tuổi nhưng lớn hơn rất nhiều so với những đứa trẻ mới chào đời khác.
Người "khổng lồ" có cuộc sống chật vật.
Càng lớn, ông Y trông cao lớn khác thường, mạnh khoẻ, nặng đến 100 kg và ăn rất nhiều. Do cao lớn và nặng ký nên ông Y gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. "Anh ấy ăn 1 lần khoảng 1 kg gạo, chè trôi nước có thể ăn đến 50 viên. 4 thước vải mới may được 1 bộ quần áo, còn giày dép thì cha tôi phải đặt người làm vì bàn chân anh ấy khá to, dép ngoài chợ không đôi nào vừa"- bà Phượng nói.
Thời mới lớn, tuy hơi khờ khạo nhưng ông Y có sức khỏe phi thường. Ông đi làm thuê, làm mướn nhiều công việc nặng nhọc nhưng có bao nhiêu tiền về đưa cho cha mẹ. Từ khi cha mẹ mất, ông Y sống trong căn nhà nhỏ bên cạnh nhà bà Phượng. Bên trong nhà chỉ có một cái giường, ti vi và nhà vệ sinh. Hằng ngày, bà Phượng nấu cơm rồi mang qua cho ông ăn.
Bà Phượng thở dài: "Hồi chồng tôi còn sống, ông ấy đi đờn ca tài tử còn có thu nhập để tôi lo cho anh Y. Bây giờ chồng tôi mất rồi, mà 2 đứa con gái mới ra trường đi làm, nên cũng chật vật lắm. Những anh chị em còn lại ai cũng khó khăn nên không thể giúp được gì. Lâu lâu có nhà hảo tâm gửi tiền cho".
Niềm vui của ông Y là hàng ngày đi ra chợ được người dân cho tiền, cho bánh.
Bà Phượng cũng cho biết bây giờ ông Y không cao đến 2,18 m nữa mà chỉ tầm khoảng 2 m do ông bị co rút người lại, lưng còng cộng thêm bệnh tật triền miên. Niềm vui mỗi ngày của người đàn ông này khi ra chợ được người dân cho bánh, tiền rồi đem về nhà cho em gái. Bà Phượng mong mỏi: "Nhiều lúc anh Y đi ngoài đường, mấy chú chạy xe tải thấy tội nghiệp nên hỏi đường chở anh ấy về nhà và còn cho tiền. Tôi chỉ mong một điều là ảnh còn khỏe mạnh để sống bên cạnh tôi".
Từ 1-3, làm việc trong môi trường độc hại người lao động được bồi dưỡng bằng hiện vật
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 24/2022 quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại (có hiệu lực từ ngày 1-3-2023).
Theo đó, điều kiện để được nhận bồi dưỡng bằng hiện vật là người lao động làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định.
Điều kiện thứ hai là có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại theo quy định của Bộ Y tế hoặc tiếp xúc với ít nhất một yếu tố được xếp từ bốn điểm trở lên thuộc nhóm chỉ tiêu “Tiếp xúc các nguồn gây bệnh truyền nhiễm theo Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm”.
Mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền như sau: Mức 1: 13.000 đồng; Mức 2: 20.000 đồng; Mức 3: 26.000 đồng; Mức 4: 32.000 đồng.
Nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng.
Nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng.
Trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.
Thông tư 24 cũng nêu rõ việc bồi dưỡng không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (bao gồm cả việc đưa vào đơn giá tiền lương) thay cho hiện vật bồi dưỡng.
Việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Trường hợp người lao động làm công việc lưu động, phân tán, ít người hoặc các công việc khác có tổ chức lao động không ổn định mà không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ, người sử dụng lao động phải cấp hiện vật cho người lao động để người lao động có trách nhiệm tự bồi dưỡng theo quy định.
Đôi nam nữ nhảy sông tự tử ngày mùng 2 Tết
Ngày 23/1 (mùng 2 Tết), Công an TP Hải Phòng cho biết, lực lượng Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) đang tích cực tìm kiếm 1 nạn nhân nhảy sông đào Tam Bạc tự tử.
Lực lượng công an đang tìm kiếm anh S. trên khu vực sông đào Tam Bạc.
Theo Công an TP Hải Phòng, khoảng 3h sáng cùng ngày, một đôi nam nữ là anh N.T.S (39 tuổi, trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng) và chị N.T.T.T (26 tuổi, trú tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng) nhảy sông tự tử ở sông đào Tam Bạc, khu vực được chặn 2 đầu để nuôi thiên nga. Sau khi nhận được tin báo, các lực lượng chức năng đã cứu được chị T., còn anh S. vẫn mất tích.
Tới 8h30 sáng cùng ngày, các lực lượng chức năng thuộc Công an TP Hải Phòng đã triển khai xe cứu nạn cứu hộ dưới nước, xuồng hơi, sử dụng thiết bị lặn, thiết bị chuyên dụng dưới nước để tiếp cận hiện trường, tìm kiếm nạn nhân và phối hợp Công an quận Hồng Bàng xử lý vụ việc theo quy định.
Bực tức chuyện ngày Tết, em trai mua xăng đốt nhà anh ruột
Sáng 23/1, thông tin từ lãnh đạo UBND xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, chính quyền địa phương đang phối hợp với cơ quan công an xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ án xảy ra trên địa bàn.
Theo đó, khoảng 14h ngày 22/1 (tức 1 Tết Nguyên đán), do mâu thuẫn chuyện nhỏ nhặt, Lục Văn T (SN 1995, thôn Phúc Lương) đã ra cửa hàng tạp hóa xã Tân Đồng mua 2 lít xăng mang đến nhà anh trai ruột là Lục Văn S (SN 1985) để tưới xăng và châm lửa đốt.
Ảnh minh họa.
Phát hiện hỏa hoạn, gia đình và người dân đã nhanh chóng tổ chức dập lửa và đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Anh Lục Văn T. bị bỏng toàn thân hiện đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.
Đối tượng sát hại vợ đêm 29 Tết khai gì?
Ngày 23/1, Bảo Vệ Pháp Luật dẫn thông tin cho hay, VKSND tỉnh Đắk Lắk cho biết, Nguyễn Hữu Tuyến (SN 1990, trú tại Khúc Thừa Dụ, TP. Buôn Ma Thuột), kẻ giết vợ đêm 29 Tết đã ra đầu thú.
VKSND tỉnh Đắk Lắk trước đó đã cử Kiểm sát viên kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi trong vụ án.
Nguyễn Hữu Tuyến tại cơ quan công an. Ảnh: Bảo Vệ Pháp Luật
Tại cơ quan công an, đối tượng Nguyễn Hữu Tuyến khai nhận, vì vợ đi chơi buổi tối, gọi mãi mới về nên khi vợ đến gần nhà đã dùng chân, tay đấm đá rồi lấy dao bấm đã chuẩn bị từ trước đâm nhiều nhát vào đùi, chân, ngực của vợ.
Nạn nhân được xác định là chị N.T. (SN 1991). Xác định ban đầu cho thấy, chị T. chết cho có vết thương làm đứt động mạch; giữa Tuyến và chị T. có 2 con chung, cháu lớn sinh năm 2014, cháu nhỏ sinh năm 2019.
Trước đó, Dân Trí dẫn thông tin ban đầu cho hay, vào khoảng 20h45 ngày 20/1, Tuyến và vợ có xảy ra mâu thuẫn cãi vã nhau. Trong cơn nóng giận, Tuyến đã lấy dao đâm liên tiếp nhiều nhát vào người vợ khiến nạn nhân đổ gục xuống sàn.
Gây án xong, nghi phạm vội vàng rời khỏi hiện trường. Riêng người phụ nữ được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng nguy kịch. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên đã tử vong sau đó.
Hiện, vụ việc đang được công an tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Bất ngờ lượng khách qua sân bay Tân Sơn Nhất ngày Tết
Ngày 23-1 (tức mùng 2 Tết), Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết dự kiến có 767 chuyến bay đi, đến, trong đó có 748 chuyến bay vận chuyển khách. Mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất đón trên 100 chuyến bay quốc tế đến.
Tổng số khách dự kiến qua sân bay trong ngày mùng 2 Tết gần 120.000 lượt, cao hơn cả một số thời điểm cận Tết. Đáng chú ý, lượng khách bay quốc tế trên 16.800 lượt và khách quốc tế đến gần 15.000 lượt.
Trước đó, trong ngày mùng 1 Tết, sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ trên 98.000 lượt hành khách. Tính chung 2 ngày đầu năm, Tân Sơn Nhất đáp ứng nhu cầu đi lại của hơn 200.000 lượt hành khách.
Sảnh nhà ga quốc nội, sân bay Tân Sơn Nhất sáng mùng 1 Tết thông thoáng.
Một lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Nam cho hay nhu cầu đi du lịch dịp Tết phục hồi mạnh sau COVID cũng góp phần thúc đẩy vận chuyển hàng không nhộn nhịp trong những ngày đầu năm mới. Tuy lượng khách đông nhưng khu vực nhà ga quốc nội và quốc tế đều thông thoáng.
Ghi nhận tại khu vực nhà ga quốc nội, nhiều đoàn khách đang chờ làm thủ tục, trong đó có khá nhiều đoàn khách của các công ty du lịch. Công ty Du lịch Vietravel cho biết chỉ riêng mùng 1 Tết, có đến hơn 1.500 khách du xuân và dự kiến phục vụ hơn 47.000 lượt khách dịp Tết này.
Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist thông tin từ 22-1 (mùng 1 Tết) đến 24-1 (mùng 3 Tết), hơn 200 đoàn khách đi tour trong nước khởi hành. Đồng thời, trên 70 đoàn khách đi tour nước ngoài cũng khởi hành đến Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, châu Âu…
Nhiều công ty du lịch khác như TSTtourist, Fiditour - Vietluxtour, Ben Thanh Tourist, Vinagroup, Kiwi Travel, Saco,… khách cũng nhộn nhịp đăng ký tour và khởi hành trong dịp Tết Nguyên đán.
Không chỉ chờ mùng 1-2 Tết mới khởi hành như trước, năm nay, theo ghi nhận, nhiều gia đình chọn đi du lịch ngay những ngày cuối tháng Chạp và đón giao thừa ở các điểm đến du lịch.