Mưa xối xả liên tục khiến nhiều tuyến đường, nhà dân ở "rốn lũ" Hương Khê (Hà Tĩnh) bị cô lập. Lũ rút chậm, người chết 3 ngày chưa thể mai táng, còn đó nỗi đau của những đứa trẻ khi chịu cảnh mất mẹ trong đợt lũ vừa qua.
Nỗi đau vùng "rốn lũ" Hà Tĩnh: Người chết 3 ngày chưa thể mai táng, nhiều trẻ lâm cảnh mồ côi
Nỗi đau mất mẹ, mất vợ...
Xã Hà Linh (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) được xem là vùng “rốn lũ”. Nhiều người dân nơi đây nói rằng, họ vui mừng khi 2 năm trở lại, lũ không ảnh hưởng gì về người và tài sản. Nhưng đợt lũ vừa qua, thật đau lòng khi một gia đình đã mất đi cùng lúc hai người con dâu.
Nước rút dần, lũ đi qua, trên đường làng dẫn vào thôn 12, xã Hà Linh vẫn còn sậm màu bùn, phù sa. Tranh thủ khi trời tạnh mưa, người dân trong thôn cũng đến hỏi thăm gia đình bà Phạm Thị Hoa (62 tuổi, thôn 12, xã Hà Linh) khi hai người con dâu bị nước lũ cuốn trôi trên đường đi làm về.
Nhiều địa phương tại huyện Hương Khê chìm trong nước lũ.
Chị Tống Thị Trang (33 tuổi) và người em dâu Nguyễn Thị Hoa (31 tuổi) là hai nạn nhân xấu số. Thi thể chị Trang được tìm thấy vào chiều tối 30/10. Còn chị Hoa vẫn còn mất tích. Người dân địa phương và gia đình cũng đang tích cực tổ chức tìm kiếm. Trong ngôi nhà cấp 4, bà Phạm Thị Hoa (mẹ chồng hai nạn nhân) ngồi thất thần ở góc nhà.
Người phụ nữ buồn rầu kể lại, sáng 30/10, hai người con dâu cùng đi làm thuê tại một trang trại gà trên địa bàn xã. Đến trưa cùng ngày mưa lớn, nước lũ dâng cao, nhiều tuyến đường bắt đầu có dấu hiệu ngập. Mãi thấy hai con chưa về nên gia đình bắt đầu đi tìm. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày đã tìm thấy chị Trang. "Nhưng con đã không còn sống và trở về. Còn một người con dâu thứ 2 vẫn chưa được tìm thấy", bà Hoa nghẹn lòng.
Chị Trang mất, để lại 3 người con nhỏ.
Người mẹ nói thêm: "Tôi một mình nuôi hai con trai từ khi hai đứa còn nhỏ. Khi hai cháu trưởng thành cưới được người vợ ngoan hiền ai cũng vui mừng. Hai con dâu hiếu thảo, chăm chỉ, hiền lành, không ai chê được điều gì. Nhưng nay mất cả hai, thật sự rất đau lòng. Giờ các cháu còn quá nhỏ đã chịu cảnh mất mẹ”.
Anh Đặng Đình Long (chồng chị Trang) vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi hay tin vợ và em dâu bị nước lũ cuốn trôi. Anh Long và chị Trang đã có với nhau 3 mặt con, cháu đầu 12 tuổi, đứa út mới 8 tuổi, hoàn cảnh khó khăn. Chứng kiến hình ảnh đứa trẻ đầu đội khăn tang, khiến ai nấy đều xót thương. “Gia đình nghèo, vợ chồng cố gắng làm ăn, tiết kiệm để cho con cái học hành, không ngờ tai ương này lại đổ xuống gia đình. Tôi đau lòng lắm”, anh Long nói.
Ngành chức năng đang tiếp cận các hộ dân bị ngập lụt để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do mưa lũ.
Gia cảnh chị Hoa cũng hết sức khó khăn. Anh Đặng Quốc Phượng (chồng chị Hoa) cho biết, vợ chồng anh có hai người con. Cháu đầu 7 tuổi, còn cháu thứ 2 đang học mầm non. Hiện anh và người thân cùng hàng xóm đang tích cực tìm kiếm tung tích của chị Hoa nhưng đến nay vẫn chưa thấy.
“Làng ốc đảo”
Chiều 31/10, mưa ngớt nhưng nước lũ rút chậm. Con đường vào Làng Thịnh Lạc ở xã Gia Phố, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vẫn ngập sâu. Hai ngày mưa lớn khiến vùng này bị cô lập, nước bao vây tứ phía “biến” vùng này thành ốc đảo. Người dân nơi đây chỉ di chuyển bằng thuyền để qua lại khu vực.
Chính quyền địa phương đến thăm hỏi động viên gia đình anh Hứa.
Kể từ khi mưa lớn, nước ngập băng đường, gia đình anh Nguyễn Văn Hứa (trú thôn Thượng Hải, xã Gia Phố, Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn chưa đưa thi thể bố là ông Nguyễn Hữu T. (80 tuổi) đi mai táng. Ông T. bị mắc bệnh ung thư phổi, qua đời vào sáng 29/10. Gia đình dự kiến sẽ đưa tang vào ngày 30/10, song thời điểm này mưa như trút, nước lũ dâng lên nhanh bao trùm mọi tuyến đường liên thôn.
Khu vực xã Gia Phố nước ngập sâu.
“Dự kiến là vậy, nhưng đường sá bị ngập nước nên chưa thể đưa cha đi mai táng được. Hơn nữa, phần mộ chờ của cha bị sạt lở, đổ ập xuống, thời tiết xấu nên chưa thể đưa máy móc để xử lý phần mộ”, anh Hứa ngậm ngùi.
Ngoài trời vẫn mưa, đường ngập lấp xấp, ngồi trong nhà anh Hứa nén lại nỗi đau chỉ mong lũ rút nhanh để con cháu lo trọn vẹn nghĩa tử cho người cha. “Mấy đêm nay gia đình không ai ngủ nổi, chỉ mong nước lũ sớm rút…”, anh Hứa rưng rưng.
Đường ngập băng, cụ ông mất 3 ngày nhưng chưa thể mai táng.
Tại xã Gia Phố, mưa lớn kéo dài khiến 900 hộ dân ở địa bàn bị nước lũ cô lập, đường sá ngập cục bộ, người dân phải di chuyển bằng thuyền. Hay tin cụ ông mất 3 ngày chưa thể mai táng do mưa lũ, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình vượt qua khó khăn trong mùa lũ.
Khu vực vào thôn Thượng Hải (xã Gia Phố) ngập sâu.
“Mưa lũ bất khả kháng, các tuyến đường đều bị ngập nên dù cụ ông đã mất 3 ngày gia đình vẫn chưa thể tổ chức an táng. Xã cũng đã đến trao đổi với gia đình để hỗ trợ xuồng, vận chuyển nhưng do khu vực nghĩa trang đang bị sạt lở không thể chôn cất được", ông Đặng Viết Long, Chủ tịch UBND xã Gia Phố chia sẻ.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, tại huyện Hương Khê có 5.494 hộ dân bị nước vào vườn; hàng chục điểm trường học, hội quán và bưu điện bị ngập; nhiều tuyến đường giao thông, cầu tràn bị ngập, sạt lở nghiêm trọng. Cũng tại huyện Hương Khê, mưa lũ đã khiến 2 người chết, 1 người mất tích...
Hai chị em sát hại em ruột và cháu trai 2 tuổi
Căn nhà nơi xảy ra vụ việc (ảnh: CA)
Ngày 1/11, Công an tỉnh Tây Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Mai Thị Nhớ (SN 1973, ngụ TX Trảng Bàng) và Mai Thị Tuyền (em của Nhớ, SN 1980, ngụ huyện Gò Dầu) để điều tra về hành vi giết người.
Trước đó, chiều tối 23/10, Nhớ đến nhà mẹ ruột ở xã Đôn Thuận (TX Trảng Bàng) với biểu hiện không bình thường, hoang tưởng và nói rằng anh M.T.T. (SN 1993, em ruột Nhớ) cùng bé Đ.T.Q (SN 2021, con của anh T) đã bị người khác bỏ bùa nên tập hợp các con cháu về nhà mẹ để làm lễ xá tội, giải bùa.
Hai nghi can trong vụ án (ảnh CA)
Đến 10h ngày 24/10, Nhớ cho rằng hai cha con anh T. đã bị quỷ nhập lại nên kêu Tuyền đè 2 cha con xuống để làm phép bằng cách đổ rượu, nước trà, vắt nước cam, nhét đầu lọc thuốc lá vào miệng hai cha con anh T.
Mặc dù thấy 2 cha con anh T. đau đớn giãy giụa, Nhớ và Tuyền vẫn tiếp tục thực hiện hành vi khiến cả 2 nạn nhân tử vong.
Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra làm rõ.
Thực hư thông tin “phạt nguội” vi phạm giao thông ở Vĩnh Long
Ngày 1-11, Công an TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long cho biết đang chỉ đạo các đội nghiệp vụ rà soát, xác minh, xử lý đối tượng tung tin bịa đặt trên không gian mạng.
Nội dung thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội.
Trước đó, vào ngày 31-10, mạng xã hội facebook lan truyền "thông báo" cho rằng UBND TP Vĩnh Long đã lắp đặt 199 camera giám sát trên toàn địa bàn nhằm xử lý vi phạm giao thông và việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị.
Trong 3 ngày vận hành đã phát hiện gần 9.000 trường hợp vi phạm, trong đó hành vi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông gần 6.000 trường hợp, còn lại các hành vi: không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, đi sai làn đường, vứt rác không đúng nơi quy định,…
Đáng nói, trong "thông báo" này còn cho rằng Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long sẽ cho lực lượng chức năng phạt nguội, bắt đầu từ ngày 30-10 đối với các lỗi vi phạm trên.
Qua xác minh từ cơ quan công an thì nội dung thông tin từ "thông báo" trên là không có, bịa đặt, mạo danh cơ quan nhà nước để thông tin sai sự thật. Ngay khi phát hiện "thông báo" trên thì một số người dân hiếu kỳ đã chia sẻ, lan truyền trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Hiện, Công an TP Vĩnh Long đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ khẩn trương điều tra, truy tìm đối tượng soạn và tán phát thông tin sai sự thật trên để xác định động cơ, mục đích và xử lý theo quy định.
Qua đây, cơ quan chức năng cũng đề nghị mọi người dân cần tìm hiểu rõ, tính chính xác của thông tin trước khi đăng tải hay chia sẻ, bình luận những thông tin chưa được kiểm chứng sẽ gây mất an ninh trật tự và vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Thực hư thông tin trường tiểu học ở Đà Nẵng thu 5 triệu đồng/lớp để lắp điều hòa
Ngày 30/10, trên mạng xã hội xuất hiện bài đăng (đã xóa) cùng phiếu lấy ý kiến cha mẹ học sinh của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) về chủ trương thực hiện xã hội hóa kinh phí hỗ trợ từ phụ huynh để vận hành, bảo trì hệ thống máy điều hòa theo đề án của thành phố.
Người này cho rằng việc thu 5 triệu đồng tiền lắp đặt mỗi lớp và tiền điện 9 tháng/học sinh/năm học là bất hợp lý.
Phiếu lấy ý kiến phụ huynh của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. Ảnh: Báo VietNamNet
Trước thông tin trên, ông Nguyễn Hữu Phước, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, cho hay việc lấy ý kiến này được thực hiện theo chủ trương, chỉ đạo của UBND thành phố, các ngành liên quan.
Trong đó, Sở GD&ĐT đã triển khai đến các địa phương, yêu cầu tổ chức lấy ý kiến của phụ huynh liên quan việc đầu tư máy điều hòa.
UBND quận Thanh Khê đã yêu cầu hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học và THCS tổ chức lấy ý kiến phụ huynh và làm rõ các cơ sở đảm bảo được nguồn kinh phí huy động hàng năm để vận hành, sau đó tổng hợp và gửi báo cáo về Phòng GD&ĐT trước ngày 4/11.
Cũng theo vị lãnh đạo này, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm đã tổ chức lấy ý kiến từ ngày 28/10.
Nhà trường đã tính toán và đưa ra các dự kiến về mức kinh phí vận động xã hội hóa trong 1 năm học, gồm tiền điện trong 9 tháng (khoảng 8,6 triệu đồng/lớp); phí bảo trì, vệ sinh 2 máy (600.000 đồng); phí vận hành ban đầu cho 2 máy là 5 triệu đồng (chỉ thu năm đầu tiên khi bắt đầu sử dụng thiết bị).
Dự kiến tổng chi phí tối đa là hơn 14 triệu đồng. Với bình quân mỗi lớp 35 học sinh, dự kiến mỗi học sinh đóng hơn 45.000 đồng/tháng.
Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Ảnh: Báo Người Lao Động
Trong phiếu ý kiến cũng nêu rõ mức kinh phí đề xuất theo dự trù nói trên nhằm đưa ra số tiền có tính tham khảo, cùng chia sẻ để cha mẹ học sinh cho ý kiến.
Chia sẻ trên báo Người Lao Động, ông Phước cho biết các chi phí trên chỉ là dự kiến ở mức tối đa nếu đề án đi vào thực tế. "Chúng tôi làm dự kiến ở mức tối đa để khi đề án đi vào thực tế thì phụ huynh không thất vọng. Nhà trường ghi nhận tất cả các ý kiến của phụ huynh. Thời tiết nóng hay lạnh là việc phát sinh, tuy nhiên đó là ý kiến mà nhà trường sẽ ghi nhận và tổng hợp để báo cáo cấp trên", ông Phước nói.
Trước những ý kiến cho rằng chi phí lắp đặt 5 triệu đồng/2 máy là quá cao, ông Phước cũng cho biết đó đều là dự kiến ở mức tối đa. Sở dĩ trường đưa ra dự kiến trên bởi khi tiến hành lắp máy điều hoà, hệ thống điện có sẵn ở các trường không đảm bảo. Vì vậy phải lắp đặt lại hệ thống điện cùng các thiết bị đi kèm khác.
Cũng theo ông Phước, các chỉ đạo của Sở GD&ĐT và quận Thanh Khê về vấn đề này thì không ghi cụ thể từng mục kinh phí nhưng nhà trường muốn xây dựng khung dự kiến để tạo sự rõ ràng, thống nhất ngay từ đầu với phụ huynh.
Trong biên bản lấy ý kiến, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cũng đề xuất 3 mục đồng ý, không đồng ý và ý kiến khác. Ông Phước lý giải quá trình này mới chỉ ở giai đoạn "phôi thai", còn tổ chức thực hiện sau này chắc chắn phải có đề án rõ ràng, được HĐND TP.Đà Nẵng thông qua.
Ông Phước nêu quan điểm, chủ trương lắp đặt điều hoà ở các phòng học của TP.Đà Nẵng là hợp lý."Tôi đồng ý và hoan nghênh. Vào mùa nắng, các em học sinh và giáo viên rất khổ sở nên việc này là cần thiết. Trong quá trình thực hiện, đối với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn thì đương nhiên các trường sẽ linh hoạt giải quyết. Điều cốt yếu là tạo môi trường tốt nhất cho các em", vị lãnh đạo nhấn mạnh.
Liên quan đến vụ việc, báo VietNamNet thông tin thêm, trước đó, vào tháng 3/2023, từ đề nghị của Sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xử lý kiến nghị về việc bổ sung máy điều hoà tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Số điều hòa trang bị cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn dự kiến là 5.167 máy, với tổng chi phí hơn 98 tỷ đồng. Nguồn kinh phí đề xuất từ ngân sách thành phố. Mỗi phòng học dự kiến lắp 2 máy.
Ngày 18/8, Sở Kế hoạch và Đầu tư có công văn gửi Sở GD&ĐT, trong đó nêu ý kiến việc đề xuất đầu tư bổ sung máy điều hoà sẽ dẫn đến phát sinh chi phí vận hành, tiền điện và bảo trì.
Vì vậy Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Sở GD&ĐT tiếp tục chủ trì tổ chức đánh giá tác động và hiệu quả đầu tư của đề xuất trên, đặc biệt ở cấp mầm non và tiểu học. Theo đó, đối với các trường đề xuất kinh phí từ xã hội hoá, phải tổ chức lấy ý kiến phụ huynh.
Từ đó, Sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng đã triển khai cho các quận, huyện tổ chức lấy ý kiến phụ huynh và yêu cầu báo cáo kết quả trước ngày 10/11, để Sở GD&ĐT tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Biển Đông có thể đón 1-2 cơn bão trong tháng 11
Nhận định về xu thế thời tiết tháng 11/2023, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, thời gian này có khoảng 1-2 cơn bão hoạt động trên khu vực Biển Đông, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Xa hơn, từ nay đến hết năm 2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 2-3 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Năm nay, do tác động của El Nino, số lượng các cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta ít hơn so với trung bình nhiều năm.
Trong tháng 10, Biển Đông xuất hiện hai cơn bão, trong đó bão KOINU đi vào vùng biển phía Đông Bắc của Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 trong năm 2023. Bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, đến sáng ngày 10/10 suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc) và tan dần.
Cơn bão số 5 hình thành từ một vùng áp thấp trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, mạnh lên thành ATNĐ, sau đó ATNĐ mạnh lên thành bão số 5, di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Tây Bắc, đi dọc bờ biển nước ta, đổi hướng và tan dần trên khu vực phía Nam của vịnh Bắc Bộ.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết thêm, trong tháng 11/2023, không khí lạnh tiếp tục gia tăng về tần suất nhưng cường độ có khả năng không mạnh.
Dự báo nhiệt độ trung bình tại khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1-2 độ.
Tại miền Trung, tháng 11 là thời gian chính của mùa mưa. Do sự tác động của các hình thế thời tiết như không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới và nhiễu động gió Đông trên cao nên các đợt mưa vừa, mưa to tiếp tục xảy ra ở khu vực này.
Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng 11 cũng xuất hiện nhiều ngày mưa rào và dông, tập trung nhiều vào giai đoạn nửa đầu tháng. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Dự kiến mức lương cơ bản của công chức, viên chức từ 1-7-2024
Theo Nghị quyết 27, một trong những điểm chính khi cải cách tiền lương là bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay.
Thay vào đó, xây dựng chế độ tiền lương mới với cơ cấu như sau:
Lương cơ bản chiếm khoảng 70% và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; bổ sung thêm quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm (không bao gồm phụ cấp). Như vậy, lương cơ bản của công chức viên chức từ ngày 1-7-2024 (thời điểm dự kiến thực hiện cải cách tiền lương) sẽ chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương. Tiền lương thấp nhất công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Giai đoạn sau năm 2024, Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh các mức lương trong các bảng lương tăng thêm để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi đạt mục tiêu của Nghị quyết 27. Đó là tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.
Như vậy, sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Mới đây, Thủ tướng đã báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó có vấn đề về cải cách tiền lương. Theo đó, Chính phủ sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết 27 từ ngày 1-7-2024. Đồng thời, Chính phủ cũng tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định.
Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục tăng lương bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.
Như vậy, từ năm 2025, tăng lương công chức viên chức bình quân 7%/năm.
Bố bạo hành con gái 3 tuổi, cầm chân quăng ra xa
Chiều 1-11, tin từ UBND xã Phú Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa xác nhận đoạn clip chia sẻ trên mạng xã hội ghi lại cảnh một người đàn ông có hành vi bạo hành một bé gái gây bức xúc xảy ra trên địa bàn.
Hình ảnh người bố nhẫn tâm cầm chân con gái 3 tuổi quăng ra xa gây gãy xương vai. Ảnh cắt từ clip
Theo đó, sự việc được xác định xảy ra vào khoảng 20 giờ ngày 29-10 tại gia đình anh D.V.L. (ngụ thôn Trường Sơn, xã Phú Lâm, thị xã Nghi Sơn). Người đàn ông trong clip chính là anh L. và cháu bé bị bạo hành là con gái anh này.
Thông tin ban đầu, thời điểm trên, bé gái khoảng 3 tuổi đang khóc và đi theo mẹ. Sau đó, bé đứng cùng mẹ ở giữa sân và vẫn khóc, người mẹ dỗ dành nhưng bé vẫn cứ khóc.
Người bố lúc này từ trong nhà chạy ra, đạp bé ngã xuống sân, túm chân rồi quăng bé ra xa (khoảng 3 m). Hành vi của anh L. đã làm cháu bé bị thương phải đưa tới bệnh viện cấp cứu, qua chụp chiếu cháu được xác định gãy xương vai. Toàn bộ sự việc được camera an ninh ghi lại.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công an xã Phú Lâm đã mời anh L. lên để làm rõ hành vi bạo hành trẻ em, đồng thời đã báo cáo sự việc tới Công an thị xã Nghi Sơn.
Hiện, việc đang được các cơ quan chức năng thị xã Nghi Sơn tiếp tục xác minh, làm rõ.