Vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội: Nạn nhân mong được hỗ trợ nhanh, hiệu quả

Ngày 31/10/2023 08:43 AM (GMT+7)

Những nạn nhân vụ cháy chung cư mini Khương Hạ phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đang ngóng chờ khoản hỗ trợ từ các ban, ngành của thành phố.

Nạn nhân tản mát khắp nơi

Ngày 30/10, phóng viên Tiền Phong quay lại số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội - nơi xảy ra vụ cháy chung cư mini khiến 56 người thiệt mạng. Cửa vào chung cư này vẫn được phủ kín bạt, phía ngoài có 2 người túc trực giám sát. Một vài người lác đác đến thăm, chắp tay vái lậy. Thời điểm chúng tôi đến cũng trùng với Lễ Chung thất (49 ngày) của những người tử nạn trong vụ cháy. Một lễ cúng được chính quyền, nhà chùa, nhân dân tổ chức tại chùa Khương Hạ gần nơi xảy ra cháy.

Các nhà hảo tâm khắp nơi đến ủng hộ các nạn nhân trong vụ cháy. Ảnh: Việt Khôi

Các nhà hảo tâm khắp nơi đến ủng hộ các nạn nhân trong vụ cháy. Ảnh: Việt Khôi

Những người thoát nạn, người thân của các nạn nhân đều đã tản mát khắp thành phố. Mấy ngày trước, anh Nguyễn Trung Đức, chủ căn hộ tầng 8 của chung cư cháy gọi điện tới đường dây nóng của Báo Tiền Phong thắc mắc về việc gia đình chưa nhận được hỗ trợ, sổ tiết kiệm... Gia đình anh 4 người may mắn được đưa vào viện cứu chữa. Anh Đức sau khi xuất viện đã thuê nhà ở tại chung cư Kiến Hưng (Hà Đông), cách xa chung cư bị cháy nên không có thông tin thường xuyên. Phóng viên Ban Bạn đọc của báo đã liên lạc với cơ quan chức năng để tìm hiểu, đốc thúc. Hôm qua, khi liên lạc lại, anh Đức cho biết, các ban ngành và quận đã có hỗ trợ, việc hỗ trợ sẽ phân ra nhiều đợt. Gia đình anh nhận chậm do chưa kịp thông báo.

Bà Trần Thị Liên, nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini, bày tỏ: “Chúng tôi rất mong rằng Nhà nước sẽ có những hỗ trợ kịp thời về nơi ở và tài sản với các nạn nhân. Vì có nhiều người đã mất toàn bộ gia đình và tài sản, hiện giờ, họ không biết phải đi đâu, về đâu hay làm gì cả…”.

“Gia đình tôi đã nhận hỗ trợ như các gia đình khác, quà của các tổ chức tặng, tiền hỗ trợ nằm viện, tiền thuê nhà 6 tháng và được hỗ trợ 1 xe máy đi lại. Vợ tôi mang bầu nên đi xe buýt cho an toàn. Hôm nay, tôi lên quận Thanh Xuân để tiếp tục nhận tiền hỗ trợ của thành phố Hà Nội”, anh Đức nói. Về khoản tiền hơn 120 tỷ còn tồn đọng chưa chuyển phân bổ cho cư dân của cả khu chung cư, anh cũng bày tỏ mong muốn sớm được nhận. Qua báo đài, anh được biết, phương án phẩn bổ sẽ được công bố trước ngày 6/11 nên anh sẽ đợi.

Ngô Văn Hoà (23 tuổi) mất 3 người thân (mẹ, anh ruột và vợ sắp cưới) trong gia đình sau vụ cháy. Hoà phải về ở nhà cùng ông bà nội. Trước đây, có nhà, có cha mẹ, Hoà có thể tự lo những nhu cầu cơ bản nhất bằng thu nhập của mình tại cửa hàng quần áo. Giờ thì cuộc sống của em bấp bênh, vì vụ cháy đã lấy đi của em tất cả mọi thứ, từ người thân tới tài sản. Ngày 17/9, em có nộp giấy tờ đăng ký tạm trú, tạm vắng (cho ban quản trị chung cư mini) để làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ nhưng đến nay em chưa nhận được thông tin phản hồi. Em cũng chưa nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà của thành phố Hà Nội.

Chúng tôi tìm hỏi vợ chồng ông Ngô Phó Điền (từng là bảo vệ của chung cư mini) và bà Đặng Thị Yên. Mất con gái, con rể và hai cháu ngoại trong vụ cháy, chung cư bị niêm phong, hai ông bà hiện đang ở nhờ tại nhà anh ruột. Bà Yên cho biết, đến nay, tổng số tiền hỗ trợ hai ông bà đã nhận được là 146 triệu đồng. Số tiền này đã giải quyết tạm thời những vấn đề trước mắt, nhưng khó có thể lo được cho tương lai sau này của ông Điền và bà Yên. Vì sau vụ cháy, hai ông bà đã mất hết người thân và tài sản, ông Điền cũng mất việc. Trong tương lai, hai ông bà không biết sẽ sống như thế nào. Ở độ tuổi gần 70, rất khó để họ có thể tìm được một công việc ổn định. Họ cũng không nằm trong diện được hưởng lương hưu…

Cần phải giải ngân ngay

Qua điện thoại, bà Trần Phương Linh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc (UBMTTQ) phường Khương Đình cho hay, việc xây dựng phương án hỗ trợ người dân bị nạn trong vụ cháy là trách nhiệm của quận Thanh Xuân và thành phố Hà Nội. Việc này được thực hiện theo quy định tại Nghị định 93/2021/NĐ-CP (về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo).

Trả lời báo chí, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, tổng số tiền UBMTTQ Việt Nam 3 cấp phường, xã, cho đến quận, huyện, thị xã và thành phố tiếp nhận ủng hộ cho các nạn nhân vụ hỏa hoạn xảy ra tại số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội tính đến ngày 16/10 là hơn 130 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 6 tỷ đồng đã được chi cho các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp, giúp các nạn nhân ổn định nơi ăn, chốn ở, nhu yếu phẩm, trang thiết bị sinh hoạt đã được trao vài ngày sau vụ cháy. UBMTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội dự kiến sẽ công bố phương án hỗ trợ nạn nhân vụ hỏa hoạn ở quận Thanh Xuân trước ngày 6/11/2023.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hoà Bình cho hay, bản thân việc quyên góp cho những nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ đầu tiên là tự nguyện, về sau trở thành kêu gọi có tổ chức. Bản chất của quyên góp là để giúp đỡ các nạn nhân và sau sự giúp đỡ đó là để khẳng định tính nhân văn hơn hẳn của chế độ ta đối với những vấn đề dân sinh và an sinh xã hội. Cho nên, một khi số tiền đó không được chuyển nhanh, chuyển sớm đến người bị nạn thì rõ ràng là không có tác dụng, thậm chí phản tác dụng.

“Việc chậm trễ này sẽ làm khó cho những việc tương tự như vậy, bởi lẽ những vấn đề tương tự trong đời sống chúng ta không thể hết được. Nó làm cho lòng tin xã hội suy giảm. Và sau đó sẽ khó kêu gọi hơn. Những mạnh thường quân sẽ giảm tin tưởng vào cơ quan chức năng. Địa phương nơi xảy ra vụ cháy không thể biện minh được câu chuyện là xây dựng phương án, lập danh sách… để giải thích cho việc này. Tất nhiên, những việc đó không phải đơn giản và 150 nạn nhân vụ cháy không còn chỗ ở, giờ tìm cách chuyển cho người ta cũng không phải dễ dàng nhưng phải nhanh chóng mới có ý nghĩa của sự giúp đỡ”, Tiến sĩ Bình nói.

Ông Bình đề nghị, các cấp thành phố Hà Nội cần khẩn trương làm nhanh nhất có thể, nên xác định như một chiến dịch, một nhiệm vụ bắt buộc phải làm thì chỉ vài ba ngày là xong.

Vụ cháy 3 mẹ con tử vong: Người chồng nói về khoảnh khắc bất lực không thể cứu vợ con
"Chỉ trong tích tắc, ngọn lửa đã bùng lên thiêu rụi cả căn nhà, khói độc mù mịt, người dân ngăn cản không cho tôi lao vào đám cháy nữa", anh Y. nhớ...

Cháy lớn

Theo Nhóm PV Bạn đọc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h