Vừa qua, mạng xã hội đã lan truyền hình ảnh hàng loạt bao tải quần áo cũ do các đoàn cứu trợ bị vứt lăn lóc thành từng đống sau khi đoàn cứu trợ ra về ở Quảng Bình. Tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương hình ảnh trên phản ánh không đúng sự thật.
Quần áo ủng hộ miền Trung đổ đống không sử dụng, chủ tịch xã lên tiếng
Hình ảnh ghi lại cảnh nhiều bao tải quần áo vứt lăn lóc khắp các hành lang, cửa ra vào và sân của nhà văn hóa thôn Đông Thành, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Tuy nhiên, theo xác định của ông Phạm Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy thì hoàn toàn không có sự việc trên.
Hình ảnh quần áo cứu trợ chất đống được chia sẻ trên Facebook những ngày qua.
Ông Linh cho biết: "Hình ảnh được ghi lại cách đây 4 ngày. Quần áo cứu trợ đó có nguồn gốc từ một đoàn của Nghệ An đưa vào hỗ trợ bà con. Tuy nhiên, do nước đang rút, bà con cần dọn nhà gấp để tránh bùn đất ứ đọng nên chúng tôi đang tập kết sau đó mới thông báo bà con đến phân loại và nhận những đồ có thể sử dụng cho phù hợp với gia đình. Khi xem những hình ảnh trên Facebook chúng tôi không khỏi đau lòng vì đó là những hình ảnh không đúng sự thật qua cách bình luận gây phản cảm cho người dân. Quần áo còn nguyên vì người dân chưa đến nhận kịp chứ không phải vứt bỏ, đổ thành đống.
Chúng tôi đã thu gom và sắp lịch để bà con đến chọn đồ trong thời gian sớm nhất. Trong trường hợp người dân tại thôn Đông Thành không sử dụng hết chúng tôi sẽ sắp xếp để vận chuyển đến các địa bàn khó khăn hơn trong xã Liên Thủy. Tôi và nhân dân cũng xin cảm ơn những tấm lòng hảo tâm của đồng bào cả nước hướng về miền Trung nói chung và đồng bào Lệ Thủy nói riêng trong thời gian khó khăn này".
Theo lãnh đạo địa phương số quần áo đang được tập kết, phân loại rồi mới chờ người dân đến lấy.
Không chỉ có xã Liên Thủy, nhiều địa phương khác thuộc huyện Lệ Thủy (địa bàn ngập sâu nhất của tỉnh Quảng Bình) cũng xác nhận không xảy ra tình trạng trên. Đại diện UBND xã Dương Thủy cũng cho biết: "Trên địa bàn của địa phương xác nhận không có tình trạng trên. Chúng tôi đang rất mong chờ và cảm tạ sự hỗ trợ từ đồng bào cả nước để giúp người dân có thể khắc phục hậu quả sau khi gần như mất trắng sau lũ thì làm gì có chuyện như vậy xảy ra. Rất mong các mạnh thường quân, các đoàn cứu trợ không tin vào các thông tin bịa đặt làm ảnh hưởng đến bà con địa phương đang trong lúc khó khăn".
Tuy nhiên, theo lưu ý của các lãnh đạo địa phương, các đoàn cứu trợ cũng nên liên hệ trước để nắm nhu cầu của người dân từng thời điểm để hoạt động cứu trợ đúng người, đúng chỗ.
(Theo Gia đình & Xã hội)
Thêm 1 ca mắc COVID-19, bệnh nhân được cách ly ngay tại Ninh Bình
Tối 26/10, Việt Nam có thêm 1 ca mắc COVID-19, là ca nhập cảnh, được cách ly ngay.
Theo Bộ Y tế, tính đến 18h ngày 26/10, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.
Tính từ 6h đến 18h ngày 26/10, Việt Nam có 1 ca mắc mới là ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Thông tin 1 ca mắc mới (BN1169) là ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại Ninh Bình. Cụ thể:
CA BỆNH 1169 (BN1169): nam, 57 tuổi, có địa chỉ tại phường 8, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày 16/10 từ Liên Bang Nga nhập cảnh sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN5062, được cách ly tập trung ngay tại Trung đoàn 855, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Bình. Kết quả xét nghiệm lần 3 ngày 25/10, dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Phòng khám Đa khoa Khu vực Cầu Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Trước đó, trên chuyến bay này đã ghi nhận 14 ca dương tính với SARS-CoV-2, được cách ly ngay tại Quảng Ninh (5 ca), Nam Định (4 ca), Ninh Bình (5 ca).
Sạt lở đất khiến 17 công nhân mất tích: Chủ đầu tư Thủy điện Rào Trăng 3 lên tiếng
Ngày 26-10, ông Lê Văn Hoa, một cổ đông sáng lập Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3, chủ đầu tư thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế), cho biết, từ khi xảy ra sự cố sạt lở đất khiến 17 công nhân tại công trình này mất tích, công ty luôn phối hợp hết sức mình với lực lượng chức năng để tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. "Đó là một tổn thất vô cùng lớn mà chúng tôi không hề mong muốn" – ông Hoa cho biết.
Ông Hoa kể rằng, trước thời điểm xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng ở thủy điện Rào Trăng 3 vào tối 11-10, ông đã yêu cầu tất cả công nhân rời khỏi khu vực công trình, di chuyển đến chỗ trú ngụ mới. "Họ chia ra 2 tốp, một tốp 16 người ở lùi xa vị trí công trình hơn 100m, tốp thứ 2 hơn 50 người ở cách 300-400m. Vậy mà các anh em vẫn không tránh được vụ sạt lở đất kinh hoàng. Chúng tôi làm thủy điện, tính toán để sử dụng cả trăm năm nên xây dựng rất kiên cố, vậy mà vẫn xảy ra sạt lở rất kinh hoàng. Mưa cả một tuần khiến nước đổ về như thác. Hôm đó tôi đi lên nhưng bị mắc kẹt ở dưới thủy điện Rào Trăng 4 do sạt lở tắc đường chứ không chẳng biết chuyện gì xảy ra" – ông Hoa kể.
Tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3
Hiện, trong 17 công nhân mất tích đã tìm được 5 thi thể, trong đó đã xác định được danh tính 2 người. Hiện trường vụ sạt lở ở Rào Trăng 3 rất kinh hoàng với khoảng 2 triệu m3 đất, đá của ngọn núi đổ ập xuống khu vực các công nhân với độ dày trên 10 m.
Ông Hoa nói rằng từ khi xảy ra sự cố, Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 phối hợp tối đa năng lực của mình với nhà chức trách để tìm kiếm các công nhân. "Chúng tôi cũng lo ăn uống, chỗ nghỉ ngơi, động viên thân nhân các nạn nhân khi đến Huế tìm kiếm con em mình. Đồng thời hỗ trợ ma chay, mỗi trường hợp trước mắt là 100 triệu đồng. Công ty cũng sẽ hỗ trợ cuộc sống cha mẹ các người tử nạn đã già cả, nuôi con cái của họ đến 18 tuổi" – ông Hoa cho biết thêm.
Vụ làm giả clip từ thiện miền Trung: Huấn “hoa hồng” khai gì?
Ngày 26/10, thông tin từ Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an đã triệu tập Bùi Xuân Huấn (tên gọi khác Huấn "hoa hồng", SN 1985, quê Yên Bái) đến trụ sở để xác minh, làm rõ việc đăng tải, phát tán lan truyền thông tin giả mạo bản tin của VTV lên trang facebook cá nhân.
Huấn Hoa Hồng tiếp tục bị Bộ Công an triệu tập đến làm việc.
Tại trụ sở công an, Huấn khai nhận là người thiết lập, điều hành và quản trị tài khoản facebook "Huấn Hoa Hồng".
Ngày 23/10/2020, tài khoản này đã đăng tải video clip có gắn logo của VTV đưa tin Huấn đi cứu trợ đồng bào miền Trung. Huấn cũng đã chủ động gỡ bỏ video clip trên khỏi trang cá nhân vào ngày một ngày sau đó.
Huấn thừa nhận hành vi nói trên là sai, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của VTV đồng thời vi phạm quy định của pháp luật, cam kết chịu mọi hình thức xử lý của cơ quan chức năng.
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên Huấn bị triệu tập đến trụ sở Cục An ninh chính trị nội bộ để làm việc.
Trước đó, vào tháng 7/2020, Huấn từng bị Cục An ninh chính trị nội bộ phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 17.500.000 đồng do xuất bản sách vi phạm pháp luật.
Hiện vụ việc đang tiếp tục được xử lý theo quy định.