Nguyễn Võ Quỳnh Trang, mẹ kế của bé gái 8 tuổi bị hành hạ đến chết, dù đã có đơn xin rút kháng cáo nhưng vẫn được triệu tập đến tòa vì là người có liên quan trực tiếp đến vụ án.
Triệu tập mẹ kế Nguyễn Võ Quỳnh Trang tới tòa phúc thẩm vụ án hành hạ bé gái 8 tuổi
Theo dự kiến, ngày mai 28/4, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh sẽ mở phiên phúc thẩm xem xét kháng cáo của luật sư bảo vệ cho bé gái 8 tuổi N.T.V.A., bị mẹ kế Nguyễn Võ Quỳnh Trang và cha đẻ Nguyễn Kim Trung Thái hành hạ đến chết.
Vụ án xảy ra vào tháng 12/2021, tại chung cư Saigon Pearl (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh).
Cha đẻ và "mẹ kế" Thái - Trang tại phiên tòa sơ thẩm tháng 11/2022.
Phiên tòa được mở do có kháng cáo của luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại. Theo đó, luật sư của bị hại đề nghị tòa phúc thẩm xem xét thay đổi tội danh từ “Hành hạ người khác” sang tội “Giết người” đối với bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái (cha ruột của nạn nhân N.T.V.A.).
Sau phiên sơ thẩm (ngày 25/11/2022), ngoài đơn kháng cáo của luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại, ngày 30/1/2023, Nguyễn Võ Quỳnh Trang có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên sơ thẩm Nguyễn Võ Quỳnh Trang bị TAND TP Hồ Chí Minh tuyên án tử hình về các tội “Giết người" và "Hành hạ người khác”.
Tuy nhiên, trước khi phiên phúc thẩm diễn ra, Trang đã có đơn xin rút kháng cáo, chấp nhận bản án sơ thẩm với mức án tử hình. Theo đó, Trang đã viết đơn rút kháng cáo vì cảm thấy áp lực, mệt mỏi, không muốn áp lực dư luận làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người thân.
Phiên tòa phúc thẩm liên quan đến vụ án vẫn được mở theo kế hoạch. Mặc dù đã có đơn xin rút kháng cáo nhưng Nguyễn Võ Quỳnh Trang vẫn được triệu tập đến tòa vì là người có liên quan trực tiếp đến vụ án.
Ngoài ra, để phục vụ việc xét xử, TAND cấp cao còn triệu tập 5 nhân chứng gồm người giúp việc, hàng xóm, bảo vệ chung cư, giáo viên và 2 giám định viên pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP Hồ Chí Minh đến tòa để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Tại phiên tòa sơ thẩm, những người này từng được triệu tập song chỉ có bảo vệ chung cư có mặt.
Đông đảo người dân đến theo dõi phiên tòa sơ thẩm xét xử Trang - Thái, tháng 11/2022.
Trong phiên xét xử sơ thẩm, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Nguyễn Võ Quỳnh Trang mức án tử hình về tội “Giết người”, 3 năm tù về tội “Hành hạ người khác”, tổng hợp hình phạt là tử hình.
Nguyễn Kim Trung Thái bị tuyên phạt 3 năm tù về tội “Hành hạ người khác” và 5 năm tù về tội “Che giấu tội phạm”, tổng hợp hình phạt chung là 8 năm tù.
8 học sinh sốt, nôn ói sau 1 giờ ăn kẹo
Ngày 27-4, lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước xác nhận nhiều học sinh trường tiểu học trên địa bàn bị ngộ độc thực phẩm.
Cụ thể, 8 em bị ngộ độc thực phẩm là học sinh trường Tiểu học Tân Thành (phường Tân Thành, TP Đồng Xoài).
Thông tin ban đầu, trước đó, một học sinh lớp 4 trường này mua gói kẹo ở ngoài cổng trường rồi chia cho 18 bạn cùng ăn. 1 giờ sau khi ăn, 8 học sinh có biểu hiện sốt, đau bụng, đau đầu, nôn ói.
Ngay sau đó, nhà trường đã báo cho chính quyền địa phương và đưa các em đến Trung tâm Y tế TP Đồng Xoài theo dõi sức khỏe. Nhà trường cùng ngành Y tế, Công an TP Đồng Xoài lập biên bản, xác minh vụ việc.
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo TP Đồng Xoài, hiện sức khỏe của các em học sinh ổn định và đang tiếp tục được theo dõi. Công an TP Đồng Xoài cũng đã làm việc với chủ tạp hóa nơi học sinh mua kẹo, niêm phong gói kẹo để kiểm tra.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo TP Đồng Xoài đề nghị các trường tăng cường tuyên truyền cho học sinh về việc không nhận bánh người lạ cho, mua kẹo bánh ở bên ngoài. Phụ huynh cũng không cho con em tiền để tránh việc các em mua đồ ăn, thức uống chưa được kiểm soát.
CSGT Đắk Nông nói gì về 2 clip "dừng xe cứu thương" gây bão mạng?
Chiều 27-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, đã nắm thông tin vụ việc các đoạn clip quay lại cảnh lực lượng CSGT kiểm tra các xe cứu thương chạy quá tốc độ đăng tải trên mạng xã hội.
Một chiếc xe cứu thương chở người bệnh.
Theo vị này, những chiếc xe mà lực lượng CSGT kiểm tra đều chạy lượt về hướng TP HCM đi Tây Nguyên. Có những xe chạy không nhưng vẫn vi phạm tốc độ mà pháp luật thì không cho phép.
"Đây là những chiếc xe hợp đồng, tổ chức đưa bệnh nhân đi cấp cứu và quay đầu về, không phải trong tình trạng chở người cấp cứu. Bên cạnh đó, trong đoạn clip cho thấy thời gian lực lượng CSGT dừng xe kiểm tra chỉ 1 phút 21 giây, không ảnh hưởng gì nhưng khi đưa lên mạng xã hội đã phản ánh méo mó, sai lệch bản chất vụ việc" - vị này thông tin.
Trước đó, mạng xã hội đăng tải 2 đoạn clip ghi lại cảnh lực lượng CSGT dừng 2 xe cứu thương trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông).
Nội dung đoạn clip đầu tiên quay lại cảnh sau khi dừng xe kiểm tra, CSGT đã thông báo lỗi chạy quá tốc độ và yêu cầu mở cửa xe để kiểm tra. Tại đây, tài xế và bệnh nhân thông báo đang chở 1 người bị nứt cột sống từ TP HCM về Tây Nguyên thì chiến sĩ CSGT nhắc nhở chạy chậm lại và cho đi.
Đoạn clip thứ 2 ghi lại cảnh lực lượng CSGT kiểm tra 1 chiếc xe cứu thương vì chạy với tốc độ 90km/giờ, theo hướng TP HCM về Tây Nguyên, trên xe chở 1 người đang thở máy. Sau khi dừng xe, giữa tài xế và CSGT xảy ra cự cãi.
Phụ huynh tố giáo viên ép con không thi vào lớp 10: Yêu cầu rà soát, kiểm tra
Cô giáo nói gì?
Hôm qua, dư luận xôn xao vì thông tin, một phụ huynh lớp 9A4, Trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân bức xúc tố giáo viên chủ nhiệm ép con không tham gia thi tuyển lớp 10, thay vào đó nên đi học trường trung cấp nghề.
Trao đổi với PV, cô Lê Thị Kim Oanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A4, cho biết, lớp có 46 học sinh và có 40 em nộp phiếu đăng ký dự thi vào lớp 10, chỉ có 6 em chọn học nghề. Sau buổi họp phụ huynh gần đây, cô đã mời 9 phụ huynh ở lại để bàn giải pháp cải thiện tình hình học tập của học sinh vì kết quả kiểm tra học kỳ của những em này rất thấp.
“Những phụ huynh này đều đã nộp phiếu đăng ký dự thi vào lớp 10 cho con. Tôi hiểu họ muốn cô giáo động viên, gieo hi vọng, trao niềm tin nhưng việc đó đã làm trong suốt năm học nên cô xin phép nói thật tình hình học tập của các em để phụ huynh được biết và phối hợp với giáo viên cùng hỗ trợ thúc đẩy chất lượng”, cô Oanh nói.
Kỳ thi lớp 10 Hà Nội căng thẳng vì chỉ có hơn 55% học sinh có suất học trường công lập.
Theo cô Oanh, trong cuộc họp phụ huynh chung của lớp, cô đã tư vấn chọn trường cấp 3 cho học sinh và đưa ra 3 phương án. Một là những em không hứng thú học tập có thể đi học trung cấp, cao đẳng nghề vừa song song học lấy bằng tốt nghiệp THPT đỡ lãng phí thời gian. Hai là tìm hiểu trường THPT dân lập. Ba là phương án thi vào lớp 10 THPT công lập, chọn nguyện vọng phù hợp. Cô có nói ý “muốn ra biển lớn, các em phải chuẩn bị đủ sức khoẻ, không phải muốn thi nhà trường sẽ kiểm tra sức khoẻ như báo chí nêu”, cô Oanh nói.
Theo cô, việc cung cấp thông tin, định hướng nghề nghiệp và chọn trường THPT là nhiệm vụ của giáo viên lớp 9 phải đảm nhận. Hằng năm nhà trường không lấy kết quả thi tuyển của học sinh để xếp loại giáo viên. Điều cô cảm thấy áp lực nhất là mục tiêu, kỳ vọng của phụ huynh. “Có em điểm kiểm tra chỉ được 3-4 nhưng bố mẹ muốn con thi vào trường có điểm trung bình 6-7. Có học sinh nhờ cô trao đổi với bố mẹ nhưng khi cô nói phụ huynh lại cho là ép con”, cô giãi bày.
Về phía nhà trường, bà Phạm Thị Xuân Oanh, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang, cho biết, trường đã mời được một số phụ huynh trong nhóm cô giáo trao đổi riêng đến gặp, trao đổi về các nội dung liên quan. Tại cuộc họp, hiệu trưởng khẳng định, nếu giáo viên ép học sinh không thi là sai và sẽ xử lý nghiêm theo quy định và mong muốn phụ huynh trao đổi, cung cấp thông tin thẳng thắn. Tuy nhiên, các phụ huynh đều cho rằng, cô giáo tư vấn về các phương án lựa chọn, không ép học sinh.
Theo bà Oanh, trong các cuộc họp, nhà trường đều quán triệt giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ tư vấn cho cha mẹ học sinh về lực học của con để chọn trường chính xác. Không được làm trái quy định hay gây sức ép, làm tổn thương học sinh. Tuy nhiên, cũng có thể cách nói của giáo viên chưa khéo léo dẫn đến việc phụ huynh hiểu lầm. Về đánh giá chất lượng dạy học đối với giáo viên, đại diện nhà trường chia sẻ, hằng tháng, mỗi kỳ giáo viên được đánh giá theo nhiều cách khác nhau, không lấy tỉ lệ học sinh thi vào lớp 10 làm tiêu chí.
Định hướng chọn nghề rất nhạy cảm
Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, khẳng định, nhà trường không lấy kết quả thi tuyển lớp 10 để đánh giá thành tích giáo viên. Các cấp quản lý, Sở, Phòng không lấy tỉ lệ học sinh đỗ lớp 10 THPT công lập để xếp loại trường học nên giáo viên không chịu sức ép nào khác. Để đánh giá chất lượng học sinh, chất lượng dạy học, cuối năm, cuối kỳ, nhà trường ra đề kiểm tra chung và chấm chéo. “Tuy nhiên, hằng năm việc tư vấn, định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh luôn là công việc nhạy cảm. Không ít phụ huynh không chấp nhận kết quả học tập của con thấp và cho rằng cô o ép, không muốn con thi”, bà Hồng nói.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định, ngành không dùng kết quả của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập để làm tiêu chí xếp loại thi đua đối với trường học.
Chiều qua (26/4) Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản yêu cầu tất cả các Trưởng phòng GD&ĐT rà soát, kiểm tra, xác minh hiện tượng vận động học sinh không tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 xử lý nghiêm khắc nếu có tình trạng như dư luận xã hội phản ánh tại một số cơ sở giáo dục.
Thông tin mới vụ xe bán tải lao thẳng vào CSGT và người dân ở Long An
Ngày 27-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An đã có quyết định khởi tố bị can về hành vi "Giết người" đối với Nguyễn Văn Thanh (36 tuổi; ngụ xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).
Đối tượng này là tài xế điều khiển xe bán tải lao thẳng vào lực lượng chức năng và người dân, khiến 1 cán bộ CSGT hy sinh và 2 công nhân tử nạn.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, chiều 21-4, phát hiện ôtô bán tải mang biển kiểm soát 49C-29601 lưu thông với tốc độ nhanh chạy về hướng TP HCM, có nhiều biểu hiện khả nghi nên lực lượng CSGT thuộc Công an huyện Đức Hòa đã ra tín hiệu dừng xe kiểm tra. Tuy nhiên, tài xế không chấp hành mà tông thẳng vào lực lượng chức năng để bỏ chạy.
Hậu quả, thiếu tá Nguyễn Xuân Hào (cán Đội CSGT Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đã hy sinh cùng 2 công nhân đang lưu thông trên đường tử nạn. Lực lượng chức năng đã tạm giữ 2 đối tượng trên xe bán tải.
Sau đó, lãnh đạo Cục CSGT, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh đã đến viếng tang lễ các nạn nhân; đồng thời thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân.