Hơn 110 tỉ đồng được người dân, các tổ chức ủng hộ các nạn nhân vụ cháy chung cư mini làm 56 người tử vong ở Hà Nội
Ngày 27-9, tại cuộc họp báo thông tin kết quả công tác vì người nghèo và an sinh xã hội TP Hà Nội 2022-2023, ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, cho biết ngay sau khi xảy ra vụ cháy chung cư mini làm 56 người tử vong, TP Hà Nội đã có những chính sách hỗ trợ kịp thời, cao nhất cho các nạn nhân.
Ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội thông tin.
HĐND TP Hà Nội đã thông qua riêng một nghị quyết với 7 nhóm chính sách để sớm hỗ trợ, ổn định cuộc sống cho các nạn nhân bị thiệt hại trong vụ cháy. Trước hậu quả thương tâm của vụ hỏa hoạn, đã có nhiều tấm lòng của các tổ chức, cá nhân hướng về nạn nhân vụ cháy.
"Tính đến thời điểm hiện tại, số tiền ủng hộ tiếp nhận được của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nạn nhân vụ cháy (qua các tài khoản do Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp của TP Hà Nội công bố) là khoảng 110 tỉ đồng... Chỉ tính riêng tài khoản tiếp nhận từ Uỷ ban MTTQ phường Khương Đình, đến tuần trước đã nhận được 12.000 trang sao kê số tiền ủng hộ nạn nhân vụ cháy từ cộng đồng. Có người chỉ ủng hộ số tiền nhỏ nhưng rất đáng trân trọng" - ông Trường nói.
Theo ông Trường, do số lượng tiền ủng hộ từ các nhà hảo tâm rất lớn nên phía cơ quan MTTQ thường xuyên đối soát với ngân hàng để bảo đảm bất kỳ một ai ủng hộ đến hỏi sẽ có trong danh sách. Việc tiếp nhận và hỗ trợ sẽ được công khai, minh bạch trong thời gian sớm nhất.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao hỗ trợ các nạn nhân sau vụ cháy chung cư mini làm 56 người tử vong.
Hiện có nhiều ý kiến băn khoăn về việc vì sao đến thời điểm này, thành phố chưa triển khai việc hỗ trợ ngay? Tại sao số tiền lớn như vậy không chia đều cho các hộ gia đình và các nạn nhân?... Ông Trường cho rằng trong cứu trợ bao giờ cũng có hình thức cứu trợ kịp thời và hình thức cứu trợ mang tính chất lâu dài. Trước mắt, thành phố đã bảo đảm những người bị thương đi cấp cứu kịp thời, lo hậu sự những người đã mất và phải bảo đảm cho những người may mắn thoát nạn.
Về việc phân bổ hơn 110 tỉ đồng tiền ủng hộ các nạn nhân vụ cháy như thế nào, ông Trường cho hay vừa qua, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn quận Thanh Xuân phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án hỗ trợ các nạn nhân. Ngoài hỗ trợ trước mắt, sẽ hỗ trợ theo hướng lâu dài, một lần cho các nạn nhân như: hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ điều kiện học tập và hỗ trợ mang tính lâu dài...
"Trong vụ hỏa hoạn có nhiều hoàn cảnh khách nhau. Hiện các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đang xây dựng phương án để số tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm, đơn vị, cá nhân đúng mục đích và có ý nghĩa mang tính lâu dài" - ông Trường nói.
Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội sẽ phối hợp với chính quyền địa phương đánh giá kỹ thiệt hại của từng hoàn cảnh các cá nhân trong chung cư mini bị cháy. Tất cả nạn nhân ở đó, ai là người bị thương, ai là người bị thiệt hại về tài sản, trường hợp nào mua nhà, trường hợp nào thuê nhà, mua ở đó thì hỗ trợ như thế nào, thuê ở đó thì phân bổ thế nào...
Khi quận Thanh Xuân lên phương án xong, báo cáo cấp uỷ, chính quyền và phải xin ý kiến của các ngành cấp như lao động, công an để xem những mức như vậy, với tổng số nguồn hỗ trợ như thế thì đã bảo đảm hay chưa. Sau đó xin ý kiến của TP Hà Nội, sau đó cơ quan chức năng sẽ giải ngân một cách công khai.
Trước đó, khoảng 23 giờ 22 phút ngày 12-9, lực lượng chức năng nhận tin báo cháy tại nhà dân ở ngõ 29/70, phố Khương Hạ. Nơi xảy ra cháy là căn nhà 9 tầng, 1 tum, có nhiều người mắc kẹt bên trong.
Lực lượng chức năng ngay sau đó đã huy động hàng trăm chiến sĩ, cùng người dân dập lửa, cứu nạn cứu hộ. Đến 0 giờ 15 phút ngày 13-9, đám cháy cơ bản được dập tắt, các lực lượng đã giải cứu hơn 100 người bị mắc kẹt.
Đến tối 13-9, cơ quan chức năng đã xác định được 56 người tử vong và 37 người bị thương (trong đó, đã xác định được danh tính của 39/56 người tử vong).
Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng) đối với Nghiêm Quang Minh (SN 1979; hiện trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) - là chủ của chung cư mini phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, về tội Vi phạm quy định về Phòng cháy chữa cháy theo Điều 313 Bộ Luật Hình sự.
Theo kết luận giám của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, điểm xuất phát cháy nằm ở khu vực giáp tường phía nam, cách tường phía đông khoảng 2,3 m thuộc tầng 1 bên trong khu chung cư mini.
Nguyên nhân gây cháy được xác định do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện tại khu vực bình ắc-quy thuộc phần đầu xe môtô sử dụng động cơ xăng (loại xe tay ga) đặt giáp tường phía nam tầng 1 gây ra hỏa hoạn, theo thông báo từ cơ quan điều tra.
Cũng theo kết luận giám định, lửa sau đó cháy lan vào khu vực cáp điện, các hộp công-tơ điện gắn trên tường ở tầng 1 và cháy lan ra xung quanh dẫn đến vụ hỏa hoạn kinh hoàng làm 56 người chết. Trong 4 bình chữa cháy gửi giám định có 3 bình chưa được sử dụng, 1 bình đã được sử dụng.
Vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng ở Hội An: Phạt hơn 110 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 3-5 tháng
Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Quảng Nam và Thanh tra Sở Y tế Quảng Nam đã làm việc với chủ cơ sở bánh mì Phượng 2 (địa chỉ 2B đường Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP Hội An). Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Quảng Nam đã có thông báo kết luận về hành vi vi phạm và các hình thức xử phạt.
Theo kết quả kiểm nghiệm mẫu liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm bánh mì Phượng của Viện Pasteur Nha Trang, có 7 mẫu dương tính với khuẩn Bacillus cereus sinh độc tố và Salmonella spp. Hai loại vi khuẩn nguy hiểm này được phát hiện trong chả heo, thịt heo xíu, xíu mại, rau răm, xà lách, hành, dưa leo. Đây chính là nguyên nhân làm 313 người bị ngộ độc thực phẩm vào ngày 11/9 vừa qua.
Lực lượng chức năng làm việc với chủ cơ sở bánh mì Phượng.
Đại diện Thanh tra Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, cơ sở bánh mì Phượng 2, thành phố Hội An đã vi phạm 5 quy định trong vệ sinh an toàn thực phẩm. Những vi phạm này chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với các vi phạm nêu trên, tổng mức phạt tiền cơ sở bánh mì Phượng 2 là 110,5 triệu đồng. Ngoài ra, gây ngộ độc trên 5 người nên phải áp dụng hình thức phạt bổ sung, do đó yêu cầu cơ sở này phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động từ 3 - 5 tháng.
Ngoài ra, cơ sở bánh mì Phượng 2 phải chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị của tất cả khách hàng bị ngộ độc thực phẩm.
Cơ quan chức năng đang hoàn thiện hồ sơ vi phạm của cơ sở kinh doanh bánh mì Phượng 2, TP Hội An. Dự kiến trong tuần này sẽ đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định xử phạt. Cũng theo Thanh tra Sở Y tế, chủ cơ sở bánh mì Phượng 2 đã nghiêm túc nhận sai phạm, chịu trách nhiệm hậu quả, tích cực phối hợp khắc phục sự cố (thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân), chấp hành việc đình chỉ hoạt động, xử phạt hành chính.
Trước đó, như Tiền Phong liên tục thông tin, ngày 11/9 nhiều người dân, du khách phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn bánh mì Phượng. Các bệnh nhân nhập viện ở nhiều cơ sở y tế với triệu chứng sốt cao, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần và kéo dài. Thống kê có tất cả 313 người bị ngộ độc.
Ba người trong gia đình ở Hà Nội thoát ‘cửa tử’ nhờ lối thoát nạn thứ 2
Khoảng 14h30 chiều nay (27-9), Công an phường Vĩnh Tuy nhận được tin báo, tại ngách 622/14 Minh Khai, xảy ra hỏa hoạn. Thông tin cũng đồng thời được đội CS PCCC&CNCH Công an quận Hai Bà Trưng tiếp nhận, và lực lượng Công an đã khẩn trương đến hiện trường. Cùng thời điểm này, lãnh đạo phường Vĩnh Tuy đã chỉ đạo đội PCCC cơ sở lập tức đến ngách 622/14, hỗ trợ, chi viện cho Tổ chữa cháy cơ sở triển khai các phương án khoanh vùng, dập lửa, đặc biệt hướng dẫn, tìm kiếm người mắc kẹt.
Lối thoát nạn thứ 2 đã giúp các thành viên trong gia đình ông Tâm tránh được "cửa tử"
“Thời gian qua, cùng với nhiều địa bàn dân cư ở phường, tại khu vực ngách 622/14, người dân được cán bộ chuyên trách tuyên truyền, hướng dẫn, nên rất có ý thức trong phòng, chống hỏa hoạn, phát huy cao nhất phương châm “4 tại chỗ”. Và trong sự cố cháy chiều nay, sự trang bị về kiến thức, cùng sự chủ động, nghiêm túc thực hiện những hướng dẫn, khuyến cáo của lực lượng chức năng, đã giúp người dân thoát được nguy hiểm đến tính mạng”, Trung tá Phạm Trung Khánh Tùng – Trưởng CAP Vĩnh Tuy chia sẻ.
Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp dập lửa, tàn sau khi đã khống chế hỏa hoạn
Theo ghi nhận, điểm cháy bùng phát từ nhà tắm của gia đình ông Lê Hồng Tâm (SN 1971), do sự cố chập bình nóng lạnh. Chỉ trong phút chốc, khói và lửa bốc lên nghi ngút, đe dọa sự an toàn tính mạng của ông Tâm và 2 thành viên đang có mặt ở nhà, là vợ và con trai.
Rất may, được sự chi viện, có mặt và xử lý kịp thời của người dân cùng lực lượng Công an, 3 thành viên trong gia đình ông Tâm đã kịp thời thoát khỏi vùng lửa theo lối thoát nạn thứ 2, vốn được thiết kế từ tháng 2-2023. Ngọn lửa nhanh chóng được dập tắt, không cháy lan và không gây thiệt hại nhiều về tài sản.
Nước lũ cuốn nhà hàng nổi ra biển, 4 người được cứu thoát
Ngày 27/9, thông tin từ Đồn biên phòng Nhật Lệ, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, đơn vị vừa cùng người dân cứu hộ thành công nhà hàng nổi Hải Dương bị đứt dây neo, trôi ra biển.
Theo đó, khoảng 1h sáng nay (27/9), nhà hàng nổi Hải Dương ở TP.Đồng Hới, trong lúc chuẩn bị kéo vào trú mưa gió ở kênh Phóng Thủy, giáp sông Nhật Lệ. Do nước lũ từ thượng nguồn đổ về chảy xiết, dây néo bị đứt, nhà hàng nổi theo dòng nước trôi ra biển.
Thời điểm đó trên nhà hàng có 4 người, trong đó có ông Phạm Văn Dương (SN 1973, trú tại Hải Thành, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) là chủ nhà hàng, bị dây neo quấn làm bị thương ở chân.
Lúc này, khu vực sông nước chảy xiết, sóng đánh lớn. Ngay khi nhận được thông tin trên nhà hàng có người, lực lượng biên phòng đã cùng người dân tổ chức ứng cứu.
Nhà hàng nổi được lực lượng chức năng và người dân địa phương kéo vào bờ neo đậu an toàn.
Khoảng 2h45, sóng đánh bè trôi dần và dạt vào sát bờ biển, lúc này các lực lượng phối hợp gia đình hỗ trợ đưa người, tài sản trên nhà hàng lên bờ.
4 người trên nhà hàng nổi được cứu thoát, ông Dương được đưa đi bệnh viện điều trị. Đến 8 giờ sáng nay 27/9, lực lượng Đồn Biên phòng Nhật Lệ phối hợp người dân kéo nhà hàng nổi này vào neo đậu an toàn.
Được biết, trên đoạn sông Nhật Lệ chảy qua TP Đồng Hới có rất nhiều nhà hàng nổi được thiết kế theo dạng nhà bằng gỗ, tôn đặt trên hệ thống thùng phuy nổi. Trước thời điểm mưa lũ xảy ra, chính quyền địa phương đã cảnh báo và yêu cầu các chủ nhà hàng thực hiện phương án di chuyển nhà hàng đến nơi neo đậu an toàn.
Bắt hiệu trưởng một trường cao đẳng ở Thanh Hóa
Sáng 27-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với: Nguyễn Văn Hùng (SN 1974, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa (có địa chỉ phường Đông Cương, TP Thanh Hóa); Nguyễn Giang Quân (SN 1969), kế toán trưởng; Lê Đình Đặng (SN 1989), kế toán viên nhà trường, về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Cơ quan công an thi hành lệnh bắt Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa Nguyễn Văn Hùng. Ảnh Công an Thanh Hóa
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2017 đến năm 2019, với vai trò là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa, Nguyễn Văn Hùng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chỉ đạo kế toán lập khống danh sách học sinh đã bỏ học, có quyết định xóa tên để đề nghị quyết toán tiền cấp bù, miễn giảm học phí, tiền chi theo định mức cho học sinh.
Hành vi trên, đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền trên 4,7 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra xác định số tiền này đã được những người trên sử dụng chi tiêu vào các hoạt động đào tạo thường xuyên của nhà trường.
Hiện vụ việc đang được Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục điều tra, làm rõ.
Thông tin mới nhất về lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Thông tin mới nhất về lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ Nội vụ vừa có văn bản thể hiện quan điểm với phương án nghỉ Tết Âm lịch của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Cụ thể, sau khi nhận được công văn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2024, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu dự thảo văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Bộ Nội vụ thống nhất phương án cán bộ, công chức, viên chức nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 kéo dài 7 ngày, từ ngày 8/2/2024 (29 tháng Chạp) đến hết ngày 14/2/2024 (mùng 5 tháng Giêng).
Các phương án lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang được lấy ý kiến các bộ, ngành (Ảnh minh hoạ).
Trước đó, trong dự thảo lịch nghỉ Tết 2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến các bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024, đã đưa ra 2 phương án nghỉ Tết đều kéo dài 7 ngày, chỉ khác thời điểm bắt đầu nghỉ Tết.
Phương án 1 là cán bộ, công chức, viên chức nghỉ Tết 7 ngày từ thứ Năm ngày 8/2/2024 đến hết thứ Tư ngày 14/2/2024 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Với phương án này, dịp Tết Nguyên đán 2024, công chức, viên chức sẽ được nghỉ 2 ngày trước Tết và 5 ngày Tết (bao gồm 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán và 2 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần theo quy định tại khoản 3, Điều 111, Bộ luật Lao động).
Phương án 2, nghỉ Tết Âm lịch 2024 kéo dài 7 ngày nhưng nghỉ 1 ngày trước Tết và 6 ngày Tết. Theo đó, công chức, viên chức nghỉ từ thứ Sáu ngày 9/2/2024 đến hết thứ năm ngày 15/2/2024 (tức ngày 30 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Với phương án 2, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, công chức, viên chức cũng sẽ được nghỉ 7 ngày (bao gồm 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán và 2 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần, theo quy định tại khoản 3, Điều 111, Bộ luật Lao động).
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả hai phương án nghỉ Tết cổ truyền 2024 đề xuất đều có số ngày nghỉ bằng nhau, nhưng Bộ này đề xuất chọn phương án 1 cho lịch nghỉ của cán bộ, công chức, viên chức vì bảo đảm hài hòa thời gian nghỉ trước và sau Tết.
Đối với người lao động trong các doanh nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, căn cứ điều kiện thực tế và lịch nghỉ áp dụng với công chức, viên chức, người sử dụng lao động bố trí lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2024 phù hợp, bảo đảm quy định. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp áp dụng lịch nghỉ Tết cho người lao động như đối với công chức.
Người sử dụng lao động tại doanh nghiệp chủ động về lịch nghỉ nhưng các doanh nghiệp cần thông báo phương án nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024 cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.