Hành vi cắt “của quý” của ông P. của chị C. có thể xem là hành vi phòng vệ chính đáng nếu chứng minh được mình rơi vào tình thế cấp thiết, không còn biện pháp phòng vệ khác.
Theo hồ sơ, tối 6-1, sau chầu nhậu bí tỉ với bạn bè, ông P. (70 tuổi, ngụ xã Phú Hữu, An Phú, An Giang) khật khưỡng về nhà. Đi ngang qua nhà chị C. (chồng đang đi làm xa), ông P. liền tạt vào.
Biết chị C. ở nhà một mình cùng con trai ba tuổi, ông P. đã thả dê, ôm chặt chị đòi "yêu". Chị C. vùng vẫy và dùng kế "hoãn binh" xin đi vệ sinh rồi ra sau nhà lấy cây kéo, sau đó vờ cho ông P quan hệ. Khi "yêu râu xanh" chuẩn bị thực hiện hành vi thì bị chị C. cắt gần đứt lìa “của quý”. Sau đó, chị C. bỏ chạy ra ngoài kêu cứu.
Hiện cơ quan công an đang tiến hành điều tra hành vi hiếp dâm của ông P.
(Ảnh minh họa)
Trong vụ này, nhiều bạn đọc thắc mắc liệu hành vi cắt "của quý" người hiếp dâm mình của chị C. có được coi là phòng vệ chính đáng hay không?
Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu ý kiến của LS Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM) về vấn đề này như sau:
Theo tại khoản 1 Điều 15 BLHS 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.
Tuy nhiên, trên thực tiễn để xác định một hành vi nào là phòng vệ chính đáng hay vượt quá phòng vệ chính đáng không hề đơn giản.
Để xem xét hành vi chống trả có tương xứng hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như khách thể cần bảo vệ; mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại; cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ; hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc (nơi vắng người, nơi đông người, đêm khuya)… Đồng thời cũng cần phải chú ý đến yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ…
Trong trường hợp cụ thể này, hành vi cắt “của quý” của ông P. của chị C. có thể xem là hành vi phòng vệ chính đáng nếu chứng minh được mình rơi vào tình thế cấp thiết, không còn biện pháp phòng vệ khác.
Ngược lại, nếu chị có khả năng chống trả lại việc tấn công của ông P (do ông P già, yếu hơn) nhưng lại dùng kéo cắt “của quý” của ông P. thì hành vi này có thể được xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Chú ý, nếu kết luận tỉ lệ thương tật của ông P. trên 31% chị C. có thể bị truy cứu theo Điều 106 BLHS tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; còn nếu tỉ lệ thương tật dưới 31% thì hành vi của chị C. không cấu thành tội phạm.
Trường hợp chị C có cơ hội chạy thoát nhưng vì mục đích trừng phạt ông P mà có hành vi dùng kéo cắt “của quý” thì có thể bị xử lý hình sự về hành vi cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS và có thể được xem xét tình tiết giảm nhẹ theo điểm đ khoản 1 Điều 46 BLHS (phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra). Hoặc nếu chị C trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do ông P gây ra thì có thể bị xem xét theo Điều 105 BLHS.
Điều 106 BLHS. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. |