"Tôi cho rằng, làm gì cũng nên xuất phát từ tâm, còn việc uống nước ở Giếng Ngọc là cầu mong may mắn và gội rửa bụi trần giúp ta thanh tịnh hơn ”, ông Minh cho biết.
Lâu nay, người dân Hải Dương và du khách thập phương gần xa đồn đoán về giếng nước thần nằm sau chùa Côn Sơn thuộc khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) chữa được bách bệnh.
Để tìm hiểu thực hư sự việc, PV đã tìm về giếng nước thần cũng là thời điểm trùng với Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2017.
Đường dẫn lên khu Giếng Ngọc cao hơn so với mặt đất khoảng 15m. Ảnh: Đ.Tuỳ
Ông Hoàng Hữu Lự (74 tuổi), người có trên 10 năm trông coi giếng nước này cho hay, thực chất đây là Giếng Ngọc chứ không phải giếng nước thần, giếng Thánh mà mọi người nói. Tuy nhiên, Giếng Ngọc này đã tồn tại trên 700 năm gắn liền với trụ trì chùa Huyền Quang tôn giả, là vị Tổ thứ 3 của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm.
“Từ ngày tôi trông coi ở đây cũng nghe thấy mọi người xì xào là lấy nước này về chữa được bệnh, còn khỏi hay không thì tôi không rõ. Tuy nhiên, du khách thập phương đến đây chiêm bái chùa xong đều ra Giếng Ngọc xin nước uống, rửa mặt, rửa tay để lấy may mắn và tôi cũng không thấy ai bị đau bụng hay gặp vấn đề gì sau khi uống nước”, ông Lự cho biết.
Giếng Ngọc có hơn 700 năm gắn liền với trụ trì chùa Côn Sơn, Huyền Quang tôn giả. Ảnh: Đ.Tuỳ
Theo lời ông Lự, Hơn 10 năm nay, sáng nào ông cũng uống nước ở giếng này vì đã quen với nguồn nước mát lạnh, trong lành. Đây cũng là cách để ông kiểm tra nguồn nước, nếu có vấn đề gì sẽ thông báo cho BQL di tích xử lý.
Ngày trước, do chưa có tấm bạt che chắn nên năm nào ông cũng phải dọn giếng 2 lần, nhưng mấy năm gần đây thì không phải dọn nữa. Tuy nhiên, từ đầu năm đến giờ nhiều người đến xin nước cho nên BQL di tích cũng hạn chế để phục vụ lễ hội.
Tương truyền rằng, vào đầu thế kỷ thứ 13, sau khi hoàn thành xây dựng chùa Côn Sơn với nhiều kiến trúc quy mô tráng lệ và hàng trăm pho tượng Phật nguy nga lộng lẫy, tuy nhiên, Huyền Quang tôn giả vẫn luôn trăn trở vì chùa còn thiếu nguồn nước thanh tịnh phục vụ việc cúng lễ và mộc dục tượng pháp.
Lăng mộ Huyền Quang tôn giả, người phát hiện tra nguồn nước quý nằm cạnh Giếng Ngọc. Ảnh: Đ.Tuỳ
Một đêm Rằm tháng 7 sau khi đăng đàn lễ Vu lan báo hiếu, trụ trì về trai phòng nghỉ ngơi bỗng mơ thấy một Tiên ông râu tóc bạc phơ, tay chống gậy trúc tự xưng là chủ thần long mạch núi Côn Sơn.
Tiên ông nói với Tổ Huyền Quang rằng: “Ta biết tâm nguyện nhà sư muốn tìm nguồn nước quý để cúng Phật, tẩy trần". Nói xong, Tiên ông dẫn trụ trì về sau chùa chỉ cho viên ngọc sáng lấp lánh dưới lùm cây. Khi Tổ Huyền Quang định cúi xuống cầm viên ngọc thì tiếng chuông chùa vang lên khiến trụ trì tỉnh giấc.
Đợi trời sáng, Tổ Huyền Quang kể câu chuyện với các tăng, ni trong chùa về giấc mơ lạ, sau đó mọi người cùng lên núi xem chỗ có viên ngọc. Khi phát quang bụi rậm hiện ra mạch nước trong vắt và nếm thử thấy nước có vị ngọt, mát, trong người khoan khoái lạ thường. Sau đó, Tổ Huyền Quang về chùa làm lễ tạ Sơn thần rồi cho khơi sâu mở rộng và dùng đá kè thành giếng gọi là Giếng Ngọc.
Hàng ngày có hàng trăm lượt du khách tìm đến Giếng Ngọc để xin nước thiêng. Ảnh: Đ.Tuỳ
Nói về những điều khác lạ từ Giếng Ngọc, ông Lự kể, trước đây, có nhiều du khách đến thường hay bỏ quên đồ dùng cá nhân như: ô, kính, ví tiền... ở xung quanh giếng thần mà chưa bao giờ bị mất.
“Tuy nhiên, một lần có một vị khách đến đây sau khi uống nước xong, vị khách nói với tôi là, ở Giếng này có Thần bảo vệ nên dù ai có để quên đồ đạc sẽ không bao giờ bị mất. Đặc biệt, từ nay trở đi sẽ không có ai để quên đồ nữa. Sau đó, đúng như lời vị khách nói”, ông Lự cho biết.
=>> XEM THÊM: Giếng nước ở Đà Nẵng bỗng dưng bốc khói từ mùng 1 Tết
Theo tìm hiểu của PV, trước đây, số lượng người đến xin nước Giếng Ngọc để uống rất ít nhưng không hiểu sao càng ngày càng nhiều. Lúc đầu, mọi người uống, sau đó mang về cho người thân. Có người dùng làm nước cúng trên ban thờ gia tiên hay bao sái tượng Phật. Vì vậy, dẫn đến tình trạng nhiều du khách dùng chai, lọ, can đến xin nước mang về.
Trên khu vực mặt Giếng Ngọc rất nhiều tiền được du khách thả xuống sau khu uống nước lấy may. Ảnh: Đ.Tuỳ
Nếu tính cả thành thì Giếng Ngọc cao 2,8m, xung quanh có các đài sen để cho các chư Phật ngồi. Cho nên, không ai được ngồi hay để chân lên bờ thành của giếng. Điều lạ nhất ở giếng này, hàng ngày có trăm lượt người đến xin nước uống, nếu vào mùa lễ hội thì hàng nghìn người. Nhưng nước trong giếng khoảng 1m chưa khi nào vơi cạn. Có những thời điểm nước nhiều, BQL di tích phải làm cống thoát đi.
Lý giải về tiền vứt trên mặt giếng, ông Lự cho hay, BQL di tích không thu tiền của bất kỳ ai mỗi khi xin nước nước uống hay mang về. Tuy nhiên, khi mỗi người đến uống nước họ đều tự tâm thả một chút tiền để lấy may. Vì vậy, ông phải làm mảnh lưới che phía trên để tiền không bị ướt, đồng thời ngăn lá cây rụng. Chỉ có điều, nước giếng đã múc lên thì không được đổ lại vì nhiều lý do khách nhau, trong đó có cả yếu tố tâm linh.
Việc uống nước Giếng Ngọc ở chùa Côn Sơn chữa bách bệnh vẫn chỉ là đồn thổi. Ảnh: Đ.Tuỳ
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Khắc Minh – Trưởng ban quản lý Côn Sơn – Kiếp Bạc cho hay, hàng ngày có hàng trăm lượt người đến khu Giếng Ngọc xin ước uống và mang về gia đình, còn việc chữa được bách bệnh hay không thì bản thân ông chưa được chứng kiến.
“Việc mọi người truyền tai nhau uống nước Giếng Ngọc để chữa được bệnh thì tôi có nghe nhưng thực hư thế nào thì tôi không rõ. Trên thực tế, người dân mang chai, lọ, can và du khách đến Giếng Ngọc xin nước về nhà là có thật, thậm chí có cả khách nước ngoài. Tôi cho rằng, làm gì cũng nên xuất phát từ tâm, còn việc uống nước ở Giếng Ngọc là cầu mong may mắn và gội rửa bụi trần giúp ta thanh tịnh hơn ”, ông Minh cho biết.