3 ngày qua, cả thế giới hướng về Hàn Quốc, hướng về Sewol để cập nhật những tin tức mới nhất về tình hình cứu nạn.
Sáng 16/4, vụ tai nạn xảy ra khi chiếc phà Sewol, có trọng tải 6.825 tấn, chở 462 hành khách, trong đó có 325 học sinh đến từ một trường trung học ở Ansan, thuộc miền Nam Seoul. Chiếc phà đã gửi tín hiệu cấp cứu vào lúc 8h 58 phút sáng ở vùng biển cách đảo Byeongpung 20km.
Một thủy thủ trên phà cho biết lệnh sơ tán đã không được đưa ra ngay lập tức khi phà bị nghiêng, do các thủy thủ đã tập trung hết ở phòng điều kiển để cố gắng lấy lại thăng bằng cho phà. Những người sống sót trên phà cũng cho biết, phà bị khựng lại vào khoảng 7h40 sáng ngày 16/4, nhưng phải đến gần 9h sáng, tín hiệu cấp cứu mới được phát đi.
Trực thăng cứu hộ tại hiện trường chìm phà.
Gia đình những hành khách có người thân đang mất tích đã tập trung về đảo Jindo với hy vọng sớm nhận được thông tin của người thân. Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm gần 270 người mất tích. 4 cần trục lớn được điều động cùng 108 tàu hải quân, 61 tàu dân sự và 535 nhân viên cứu hộ tham gia chiến dịch.
Giới chức quyết định không trục vớt con phà cho đến khi kéo được hết tất cả các thi thể ra khỏi thân tàu. Bất kỳ sơ suất nào trong quá trình trục vớt phà cũng có thể dẫn đến việc làm thất lạc các thi thể bên trong dưới tình trạng sóng lớn như hiện tại.
Người thân của hành khách lo lắng cho số phận của những người có mặt trên phà
Hãy cùng chúng tôi điểm lại những diễn biến chính trong vụ chìm phà ở Hàn Quốc tính đến thời điểm này.
29 người chết, 268 người vẫn đang mất tích
Trong ngày thứ 3 của chiến dịch cứu hộ phà Sewol, bất chấp mưa lớn, những cơn sóng cao và gió mạnh, đội cứu hộ vẫn tiếp tục tìm kiếm hàng trăm người mất tich sau khi chiếc phà Sewol chìm ngoài khơi phía tây nam nước này.
Tính đến thời điểm này, đội tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp đã vớt thêm 16 thi thể, nâng tổng số người thiệt mạng trong vụ chìm tàu lên con số 29. Chiều 18/4, khoảng 20 thợ lặn Hàn Quốc đã lần đầu tiên vào bên trong chiếc phà gặp bị đắm ở khu vực bờ biển phía Tây Nam nước này để tìm kiếm những người gặp nạn và phát hiện 3 thi thể trong chiếc phà chìm.
Người dân Hàn Quốc đang theo dõi tin tức vụ chìm phà qua truyền hình
Lực lượng cứu hộ cũng bắt đầu bơm khí ôxy vào bên trong phà để giúp nó nổi lên và để những người sống sót bị mắc kẹt bên trong có thể thở được.
Hiện vẫn đang còn 268 người mất tích chưa biết sống chết thế nào. Các nhà chức trách lo ngại con số tử vong sẽ còn tăng mạnh, nhiều người được cho là bị mắc kẹt trong chiếc phà đắm trong điều kiện nước biển lạnh giá rất ít có cơ hội sống sót.
Theo giới chức Hàn Quốc, những người mất tích có thể vẫn đang mắc kẹt trong chiếc phà và không từ bỏ hy vọng tìm thấy người còn sống sót. Hải quân và lực lượng bờ biển Hàn Quốc đã cử 500 thợ lặn tham gia hoạt động cứu hộ và tìm kiếm những người gặp nạn trong vụ chìm phà này. Song, dòng nước chảy mạnh đang cản trở các thợ lặn tiến vào sâu bên trong chiếc phà.
Sóng lớn ngăn cản các nỗ lực cứu hộ
Lực lượng tìm kiếm cứu nạn Hàn Quốc đã huy động một lực lượng hùng hậu gồm 500 thợ lặn, 169 tàu các loại và 29 máy bay để chạy đua với thời gian tìm cách tiếp cận bên trong con phà chìm. Ba cần cẩu cứu hộ cũng đã được đưa đến hiện trường vào ngày 18/4 để di chuyển thân phà tới địa điểm có sóng yếu hơn.
Thuyền trưởng không ở vị trí lái lúc phà chìm
Các điều tra về vụ chìm phà Sewol, tai nạn hàng hải tồi tệ nhất trong lịch sử Hàn Quốc trong 21 năm qua dựa trên số lượng thương vong có thể xảy ra, đã tập trung vào sự sơ suất, các vấn đề với kho xếp hàng và các nhược điểm kết cấu của phà, mặc dù chiếc phà dường như đã vượt qua tất cả các cuộc kiểm tra bảo hiểm và an toàn.
Ngày 18/4, viên thuyền trưởng của chiếc phà Sewol đã lên tiếng xin lỗi gia đình của các nạn nhân trong thảm họa hàng hải lớn nhất của Hàn Quốc khiến ít nhất 25 người thiệt mạng và gần 290 người mất tích.
Thuyền trưởng Lee Joon-seok bị bắt giữ
Khi các phóng viên hỏi rằng thuyền trưởng Lee Joon-seok có gì để nói với gia đình các nạn nhân hay không, ông này cất tiếng: “Tôi rất xin lỗi và cảm thấy vô cùng xấu hổ. Tôi không biết nói gì hơn".
Các nhân chứng cho biết thuyền trưởng Lee và một số thủy thủ là những người đầu tiên rời chiếc phà đang đắm dần, để lại sau lưng hàng trăm hành khách đang chới với và tuyệt vọng vì mắc kẹt trong phà.
Cảnh sát biển Hàn Quốc cho biết ông Lee phát tín hiệu cầu cứu tới đảo Jeju lúc 8:55 sáng sau khi chiếc phà bắt đầu nghiêng dần khoảng 3 phút trước đó. Đến khoảng 9 giờ, ông này nhận ra sự nghiêm trọng của tình hình và ra lệnh cho thủy thủ đoàn sơ tán nhưng vẫn yêu cầu hành khách ở nguyên tại chỗ.
Theo những người sống sót, ông Lee đã yêu cầu một thủy thủ thông báo với hành khách rằng họ nên ở nguyên trong cabin để “tránh nguy hiểm”, sau đó nhóm này leo lên một chiếc xuồng cứu sinh và rời khỏi hiện trường vụ tai nạn.
Các nhà chức trách địa phương đã ra lệnh bắt giữ thuyền trưởng Lee Joon-seok và một thành viên thủy thủ đoàn khác của phà Sewol vì không hỗ trợ hành khách tại thời điểm xảy ra tai nạn. Thuyền trưởng Lee đang đối mặt với 5 tội danh, trong đó tội nghiêm trọng nhất là lơ đễnh khi làm nhiệm vụ và vi phạm luật hàng hải.
Hình ảnh phà Sewol trước khi bị đắm
Nhiều giả thuyết về nguyên nhân chìm phà
Vụ chìm phà Sewol vừa qua khiến dư luận vẫn luôn trăn trở một câu hỏi: Vì sao một con tàu lớn như vậy lại có thể bị chìm?
Các nhà điều tra đang xem xét khả năng tàu Sewol đã đổi hướng hành trình và đâm phải vật gì đó.“Chúng tôi không biết cụ thể điều gì đã xảy ra với con phà Hàn Quốc nhưng dường như con tàu đã đâm vào thứ gì khiến nước tràn vào các buồng”, Comeau nhận định.
Nếu con tàu bị đâm thủng, tạo ra một lỗ hổng nhỏ thì thông thường, thủy thủ sẽ điều khiển con tàu chậm lại hoặc dừng di chuyển để nước không tràn quá nhiều vào thân tàu, Comeau nói và cho biết thêm, kiến trúc sư của tàu Sewol đã đưa ra một cuốn sách hướng dẫn về việc con tàu có thể chịu được trong thời gian bao lâu rồi mới chìm nếu nước tràn vào.
Một khả năng khác được đặt ra là việc chuyển hướng đột ngột có thể khiến hàng hóa trên tàu dịch chuyển sang một bên và làm thay đổi trọng tâm của con tàu. Do vậy, nó sẽ bị nghiêng sang một bên, Michael Bruno đến từ Viện Công nghệ Stevens ở Hoboken cho hay.
Nhân viên cứu hộ tiếp tục tìm kiếm hành khách mất tích trong vụ chìm phà Sewol.
Đôi khi một thảm họa hàng hải không phải do lỗi kỹ thuật mà do con người gây gia, các chuyên gia nhận định.
Nhói lòng những tin nhắn cuối cùng của các nạn nhân
Các hãng tin Hàn Quốc đã bắt đầu cho đăng tải nội dung các tin nhắn từ những hành khách vẫn đang bị mắc kẹt trong chiếc phà bị chìm, tới những người thân yêu của mình trong khoảnh khắc hỗn loạn khi tàu bắt đầu nghiêng. Những tin nhắn này có thể giúp hình dung phần nào bi kịch diễn ra lúc đó.
Những người cuối cùng được giải cứu
'Không có sóng điện thoại, cũng không có kết nối Internet, chỉ có thể nhắn tin. Vẫn còn nhiều người mắc kẹt trên phà. Không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì, ở đây đang chìm trong bóng tối. Có vài người phụ nữ và đàn ông, những người phụ nữ đang la hét' - CNN dẫn lại tin nhắn từ một hành khách mắc kẹt trên phà Sewol.
Trong một tin nhắn khác của học sinh trung học gửi gửi đến mẹ của mình rằng: “Có một số người trên phà và chúng con vẫn chưa chết, mẹ hãy gửi tin nhắn này cho những người cứu hộ".
Nữ sinh Park Ji-yoon đã gọi điện được cho bà ngoại khi tàu đang chìm. “Bà ơi, con nghĩ chắc con sắp chết rồi. Chiếc tàu đang chìm và con đang cố bám vào tay vịn”- tờ The Sydney Morning Herald (Úc) dẫn lời bà của nữ sinh kể lại. Sau đó, tín hiệu liên lạc bị ngắt.
"Tôi đã cạn khô nước mắt. Tôi đang nuôi hy vọng. Tôi hy vọng chính phủ sẽ làm mọi điều để đưa những đứa trẻ về với mẹ của chúng", một người mẹ chia sẻ
Bà KimOk-Young kể đã gọi lại được cho cháu gái 1 lần nữa khi bà đang đứng chờ tin tức trên đất liền. Lần này, Ji-yoon chỉ nói vỏn vẹn: “Con phải đi đây” rồi tín hiệu lại bị ngắt.
Một nam sinh khác, hiện nằm trong số những người còn kẹt lại bên trong chiếc phà, nhắn tin từ biệt bạn bè: “Thực sự là mình yêu thương tất cả các bạn. Mọi người (trên phà) dường như sắp phải chết… Nếu mình đã làm gì sai, hãy tha thứ cho mình. Mình yêu tất cả các bạn”. Nam sinh này hiện vẫn chưa được tìm thấy.
Tin nhắn từ một hành khách gửi cho mẹ vào 9h27 ngày 16/4, không lâu sau khi phà Sewol gặp nạn.