Từ trước tới nay Việt Nam chưa bao giờ cấm hay xử phạt người dân sinh con nhiều, mà chỉ có những chính sách định hướng việc sinh con để làm sao phù hợp với tình hình thực tế.
Tỷ lệ sinh sẽ còn tiếp tục tăng
Ông Nguyễn Văn Tân – Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình cho biết, hiện Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số cao, tỷ suất sinh con đang chênh lệch ở một số vùng và chênh lệch giới tính đang ở mức nghiêm trọng.
Chính vì thế, kỳ họp Ban chấp hành Trung ương Đảng xem công tác dân số là một trong những vấn đề trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, công tác dân số được chuyển hướng sang giải quyết toàn diện các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số.
Khuyến khích mỗi gia đình nên sinh đủ hai con để đảm bảo duy trì mức sinh.
Khảo sát mới nhất của ngành dân số trên 700.000 người dân, kết quả 73% trả lời muốn sinh hai con; 8,3% mong muốn đẻ một con. Có 9,3% ý kiến muốn sinh ba con và hơn 8% muốn nhiều hơn ba con. Ông Tân cho rằng kết quả này cho thấy vẫn còn tỷ lệ đáng kể người dân muốn sinh thêm nhiều con, do đó vẫn có thể nâng tỷ lệ sinh lên cao hơn. |
Theo ông Tân, từ trước đến nay Việt Nam không có quy định pháp luật nào khống chế người dân sinh bao nhiêu con, mà chỉ có những chính sách vận động các gia đình sinh con theo kế hoạch.
"Sinh bao nhiêu con là quyền của người dân. Nhà nước không yêu cầu người dân phải sinh bao nhiêu con, nên không có chuyện sẽ nới quy định cho phép sinh nhiều hơn.
Riêng vấn đề xử phạt các quy định về dân số, nhà nước không ban hành quy định xử phạt về vấn đề này. Duy chỉ có đối tượng là đảng viên thì mới có quy định lỷ luật.
Cụ thể, nếu đảng viên sinh 3 con bị cảnh cáo, sinh 4 con bị khiển trách và sinh 5 con sẽ bị khai trừ ra khỏi đảng", ông Tân nói.
Từ khi nhà nước bắt đầu thực hiện điều chỉnh chính sách sinh con, hiện mức sinh đang bắt đầu tăng lên. Ví dụ năm 2011 số con bình quân của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,99, thì đến nay đạt 2,1 con.
Tỷ lệ này tăng ở khu vực dân số có học vấn cao hơn, ở nơi có mức sống khá hơn. Tỷ lệ sinh cũng tăng ở hầu hết các tỉnh khu vực miền Bắc, trong khi miền Nam tỷ lệ sinh vẫn có xu hướng đi xuống.
Điển hình như ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu long và Đông Nam bộ, mức sinh ở mức rất thấp là 1,4-1,5 con.
Năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 4,3 triệu phụ nữ
Riêng đối với vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, ông Tân nhận định ở Việt Nam tình trạng này diễn ra muộn so với các nước trong khu vực, tuy nhiên quá trình diễn ra lại rất nhanh.
Ví dụ năm 2006, mất cân bằng giới tính là 109 bé trai/100 bé trai, nhưng đến năm 2016 con số này là 113 bé trai/100 bé gái. Dự kiến đến năm 2020, nước ta sẽ có khoảng 4,3 triệu đàn ông rơi vào tình trạng “ế vợ”.
Việt Nam đang ở trong tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng.
Điều đáng nói, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn ra ở khắp các vùng miền trên cả nước (trừ vùng Tây Nguyên). Thậm chí, có những vùng tình trạng này còn ở mức "báo động đỏ".
"Ở vùng Đồng bằng sông Hồng (các tính tỉnh từ Hà Nội có bán kính khoảng 70km) tình trạng mất cân bằng giới tính là 115 bé trai/100 bé gái. Một số tỉnh thành thậm chí lên tới 120-122 bé trai như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định”, ông Tân nói.
Theo ông Tân, sở dĩ mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh là do nhiều người lợi dụng sự phát triển của y tế để lựa chọn giới tính khi mang thai.
Kết hợp với việc lựa chọn giới tính là tư tưởng sinh con trai để lấy người nối dõi tông đường cũng khiến tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng trầm trọng.
Ngoài ra, vấn đề hạn chế mức sinh mà nước ta áp dụng trong suốt một thời gian dài, cũng như các vấn đề về an sinh xã hội như chăm sóc người cao tuổi cũng khiến việc mất cân bằng giới tính khi sinh gia tăng.
Ông Tân cho rằng, để giải quyết vấn đề này ngành dân số đặt mục tiêu trong thời gian tới sẽ đưa tỷ lệ này về mức dưới 109 bé trai/100 bé gái.
Theo ông Tân, con số này Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được, vì hiện nay chúng ta đang thực việc việc thay đổi mức sinh (sinh 2 con), cũng như việc áp dụng nhiều chính sách an sinh xã hội, nhất là việc chăm sóc người cao tuổi.
8 mục tiêu về công tác dân số ở Việt Nam đến năm 2030 - Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người. Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn. - Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người. - Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt 22%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt 11%; tỷ số phụ thuộc chung đạt 49%. - Tỷ lệ nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất. - Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung. - Chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm. Chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á. - Tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 45%. Bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. - 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc. |
>>Xem thêm: 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái: VN mất cân bằng giới tính nghiêm trọng