Nhiều quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine và tìm cách sống chung với COVID-19.
Theo thống kê của trang Worldometers, tính đến 10h sáng 25/8, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 213.999.186 ca nhiễm COVID-19, 4.465.417 ca tử vong và 191.485.881 người đã hồi phục. Trong ngày hôm qua 24/8, có thêm 656.547 trường hợp mắc mới được ghi nhận và 10.462 trường hợp tử vong mới trên thế giới.
Mỹ, Ấn Độ và Brazil hiện vẫn là 3 quốc gia có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất thế giới, trong đó Mỹ là hơn 38,9 triệu ca, Ấn Độ hơn 32,5 triệu ca và Brazil hơn 20,6 triệu ca.
Tỷ lệ tiêm vaccine ở các quốc gia trên thế giới (Số liệu dựa trên báo cáo của các quốc gia. Màu xanh đậm: Tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi. Màu xanh nhạt: Tỷ lệ tiêm 1 mũi). Nguồn: Our World In Data.
Mỹ: Số ca tử vong tăng vọt, lạc quan kiểm soát dịch bệnh vào mùa xuân 2022
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết, số người chết trung bình do COVID-19 hàng ngày trong 7 ngày gần đây nhất là 739 người - tăng 23% so với tuần trước. Trong khi tỷ lệ nhập viện trung bình hàng ngày là 11.000 người. Chỉ trong ngày 24/8, số ca tử vong tại Mỹ lên tới 930 ca, cao thứ hai thế giới chỉ sau Indonesia.
"Khi số ca nhập viện và người chết tiếp tục gia tăng, tôi muốn nhấn mạnh lại nguy cơ nghiêm trọng của COVID-19, đặc biệt là đối với những người chưa được tiêm chủng và tầm quan trọng của vaccine để ngăn ngừa trường hợp mắc bệnh nặng", bà Rochelle Walensky nói, cho biết vaccine vẫn có hiệu quả cao, hạn chế các trường hợp mắc bệnh nặng.
Theo dữ liệu của Mỹ, các ca nhập viện liên quan đến COVID-19 từ tháng 1 đến tháng 7 cho thấy những người không được tiêm phòng có nguy cơ phải nhập viện cao hơn 17 lần so với những người đã được tiêm.
"Những dữ liệu này nhắc nhở rằng nếu bạn chưa được tiêm phòng, bạn sẽ nằm trong số những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất. Biến thể Delta có khả năng lây lan cao, chiếm hơn 98% các trường hợp mắc COVID-19 ở Mỹ”, bà Rochelle Walensky cho hay.
Với việc đẩy mạnh tiêm vaccine, Mỹ lạc quan có thể kiểm soát đại dịch vào đầu năm 2022. Đây là dự báo được Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci đưa ra ngày 24/8, một ngày sau khi vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) phối hợp sản xuất với hãng BioNTech (Đức) được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép đầy đủ.
Trong chương trình “Today” trên đài truyền hình NBC, ông Fauci nêu rõ: "Nếu chúng ta tiêm chủng cho phần lớn trong số 80-90 triệu người chưa tiêm chủng, những người không muốn tiêm hay những người không có cơ hội tiêm, tôi tin rằng chúng ta có thể nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm".
Sau khi FDA cấp phép đầy đủ cho vaccine của Pfizer/BioNTech, số người tiêm chủng ở Mỹ được dự đoán là sẽ tăng lên đáng kể. Theo một cuộc thăm dò, khoảng 30% người dân Mỹ chưa tiêm phòng cho biết họ sẽ sẵn sàng hơn để tiêm vaccine sau khi FDA cấp phép đầy đủ.
Indonesia: Nới lỏng quy định COVID-19, tuyên bố đạt miễn dịch cộng đồng ở Jakarta
Từ ngày 24/8, Indonesia đã quyết định nới lỏng các quy định COVID-19 ở một số khu vực, bao gồm cả thủ đô Jakarta. Quyết định trên được thông báo vào ngày 23/8 khi người dân ở Jakarta trở thành những người đầu tiên ở Indonesia được nhận vaccine Pfizer/BioNTech. Tổng thống Joko Widodo nói việc nới lỏng quy định là khả thi vì các ca nhiễm mới đã giảm 78% kể từ ngày 15/7, khi dịch COVID-19 đạt đỉnh ở Indonesia. Điều này dẫn đến sự sụt giảm đáng kể tỷ lệ sử dụng giường tại các bệnh viện, hiện ở mức 33%.
Indonesia hiện là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới do COVID-19. Tính đến sáng 25/8, nước này có tổng cộng 4.008.166 ca nhiễm và 128.252 ca tử vong. Trong vòng 24h ngày 24/8, Indonesia ghi nhận 19.106 ca nhiễm và 1.038 ca tử vong. Indonesia hiện vẫn là nước có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới.
Tổng thống Joko Widodo lưu ý rằng chính phủ đang đặt mục tiêu cung cấp hơn 100 triệu liều vaccine cho người dân vào cuối tháng 8. Khoảng 32,5 triệu người, tương đương 15,2% dân số, đã được tiêm vaccine đầy đủ.
"Jakarta đã trở thành vùng xanh và đạt được miễn dịch cộng đồng" - phó thống đốc Jakarta Ahmad Rizia Patria nói với các phóng viên hôm 22/8. Được biết, tỷ lệ tiêm vaccine ở Jakarta là hơn 54% dân số đã tiêm đủ 2 mũi và hầu hết người dân được tiêm 1 mũi.
Hàn Quốc: Số ca mắc mới trong ngày tăng vọt
Số liệu thống kê ngày 24/8 cho thấy, Hàn Quốc ghi nhận thêm 1.505 ca mắc mới và 6 ca tử vong. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong số các ca mắc mới có 1.470 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca mắc COVID-19 theo ngày ở Hàn Quốc đã ở mức trên 1.000 ca trong ngày thứ 49 liên tiếp.
Đáng chú ý, Hàn Quốc đến nay ghi nhận tổng cộng 2.599 ca mắc COVID-19 mặc dù đã tiêm phòng đầy đủ. Con số này tương đương cứ 100.000 người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đủ liều thì có 35,1 người nhiễm bệnh sau tiêm.
Trước đó, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trong bối cảnh hầu hết ca mới gần đây là những người từ 20-30 tuổi và phần lớn chưa tiêm vaccine. Theo KDCA, tính đến ngày 24/8, Hàn Quốc có 26,3 triệu người, tương đương 51,2% dân số, đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó 12,28 triệu người, tương đương 23,9% đã tiêm phòng đầy đủ. Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu tiêm cho 70% dân số vào tháng 9 để đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11.
Theo Worldometers, tính đến sáng 25/8, Hàn Quốc có tổng cộng 241.439 ca nhiễm COVID-19, 2.237 ca tử vong và 211.177 người được chữa khỏi.
Thái Lan: Đã qua đỉnh dịch, chuẩn bị sống chung với COVID-19
Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 Thái Lan cho biết, nước này ghi nhận thêm 17.491 ca nhiễm mới trong ngày 23/8 và 17.165 ca nhiễm mới trong ngày 24/8. Thái Lan dự đoán đã qua đỉnh dịch khi số ca nhiễm có xu hướng giảm xuống khá nhiều trong những ngày gần đây, so với đỉnh điểm ngày 13/8 là trên 23.400 ca mỗi ngày.
Thái Lan hiện đang chuẩn bị cho kế hoạch sống chung với COVID-19 khi các kế hoạch sơ bộ được vạch ra để nới lỏng một số hạn chế và mở cửa lại biên giới cho những du khách đã tiêm chủng, ngay cả khi số ca mắc mới khoảng 20.000 ca/ngày. Theo Tiến sỹ Opas Karnkawinpong, Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh, Ủy ban Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia 22/8 đã thông qua việc thay đổi chiến lược của đất nước sang học cách "sống chung với COVID-19, công nhận bản chất đặc hữu của virus.
Mục tiêu của Thái Lan là ngăn chặn các ca mắc ở mức độ không vượt quá khả năng của hệ thống y tế công cộng, với các biện pháp quan trọng là tiêm chủng cho các nhóm dễ bị tổn thương và truy tìm ca bệnh nhanh hơn với giả định rằng tất cả mọi người đều có thể bị nhiễm bệnh và lây truyền.
Hiện tại, thủ đô Bangkok và một số tỉnh lân cận với 40% dân số, tạo ra hơn 75% GDP, đang bị hạn chế nghiêm ngặt, bao gồm việc đóng cửa tất cả các doanh nghiệp "không thiết yếu", hạn chế đi lại giữa các tỉnh và giới nghiêm từ 21h đến 4h sáng. Ngoài ra, các tỉnh không nằm trong vùng dịch hoặc ít bị tác động cũng áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt để ngăn ngừa dịch bệnh.
Từ đầu dịch tới nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 1.102.368 ca nhiễm, 10.085 ca tử vong và 903.015 người được chữa khỏi.
Úc: Xem xét dỡ bỏ phong tỏa khi tỷ lệ tiêm vaccine tăng
Trả lời phỏng vấn đài ABC hôm 22/8, Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng có khả năng cao đất nước của ông sẽ không bao giờ đưa số ca nhiễm COVID-19 về zero một lần nữa. Ông cho rằng trọng tâm của chiến lược chống đại dịch COVID-19 của Úc cần phải chuyển sang hạn chế số ca nhập viện, thay vì tìm mọi cách dập tắt hoàn toàn dịch bệnh.
Ông nói khi tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 ở Úc đạt 70-80%, các biện pháp hạn chế đi lại và kinh doanh sẽ được dỡ bỏ. Ông nhấn mạnh: “Bạn không thể sống trong tình trạng phong tỏa mãi như thế và đến lúc nào đó, bạn cần phải thay đổi”.
Thủ tướng Úc cũng trấn an rằng hệ thống y tế công và bệnh viện của nước này đã được chuẩn bị kỹ càng để đối mặt với thử thách. "Tôi biết tình hình hiện tại khá u ám, nhưng trời luôn tối nhất trước bình minh và binh minh sắp ló dạng", ông nói.
Tính từ đầu mùa dịch tới nay, Úc có tổng cộng 46.716 ca nhiễm COVID-19 và 986 ca tử vong. Theo dữ liệu của Our World In Data, đến nay có khoảng 43% dân số Úc được tiêm một mũi vaccine và 24,3% dân số đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Trong khi đó, biến thể Delta tiếp tục lây lan mạnh ở Úc. Bang đông dân nhất của Úc là New South Wales ghi nhận kỷ lục 830 ca lây nhiễm cộng đồng và 3 ca tử vong vào ngày 21/8. Có 550 người phải nhập viện và gần 100 ca phải cấp cứu. Tuy nhiên, lãnh đạo y tế bang, ông Brad Hazzard, cho biết nếu đẩy mạnh tiêm chủng vaccine thì bang này sẽ ổn trở lại vào tháng 10 hoặc tháng 11. Tại New South Wales, ít nhất 57% dân số đã tiêm một liều vắc xin ngừa COVID-19 và 30% được tiêm đầy đủ.
Anh: Số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ 12/3
Số liệu chính thức cho thấy trong ngày 24/8, Vương quốc Anh ghi nhận 174 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19, con số cao nhất kể từ ngày 12/3. Trong tuần qua, Anh đã ghi nhận tổng cộng 705 trường hợp tử vong vì COVID-19, tăng 8,8%. Con số này tại Anh được tính với những người tử vong sau khi có kết quả dương tính với COVID-19 trong vòng 28 ngày.
Số ca tử vong tăng mạnh được ghi nhận trong ngày 24/8 một phần do khâu báo cáo số liệu dồn lại trong dịp cuối tuần. Số ca tử vong hàng ngày của Anh đang tăng, nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức trung bình 1.000 ca/ngày giai đoạn đỉnh dịch.
Anh hiện có tổng cộng 6.555.200 ca nhiễm COVID-19, 131.854 ca tử vong và 5.146.024 người khỏi bệnh. Trong 24h ngày 24/8, Anh có thêm 30.838 ca nhiễm mới.
Hiện 70% dân số tại Anh đã tiêm một mũi vaccine và 62,7% đã tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19. Nước này cũng đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế để phòng dịch từ giữa tháng 7, cho phép người dân đi lại, giao lưu và trở lại công sở làm việc.