Thế giới tiếp tục ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19, chủ yếu vẫn do biến thể Delta gây nên.
Theo trang Worldometers, tính đến sáng ngày 1/9, toàn thế giới ghi nhận 218.542.644 ca nhiễm COVID-19, 4.533.727 ca tử vong và 195.373.400 người được chữa khỏi. Trong ngày hôm qua 31/8, cả thế giới có thêm 607.415 ca nhiễm và 8.957 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về cả số ca nhiễm mới (với 106.548 ca) lẫn ca tử vong mới (với 857 ca). Tiếp theo là Ấn Độ với 43.072 ca nhiễm mới và Anh với 32.181 ca; Nga và Brazil lần lượt đứng thứ 2 và 3 về ca tử vong mới, với 795 và 770 ca.
Nhìn chung cả thế giới, Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh. Mỹ đã ghi nhận hơn 40 triệu ca nhiễm, Ấn Độ hơn 32 triệu ca và Brazil hơn 20 triệu ca. Trong khi đó, quốc gia đứng thứ 4 về số ca nhiễm là Nga chỉ gần 7 triệu ca.
Tỉ lệ tiêm vaccine ở một số quốc gia trên thế giới (Số liệu dựa trên báo cáo của các quốc gia. Màu xanh đậm: Tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi. Màu xanh nhạt: Tỷ lệ tiêm 1 mũi). Nguồn: Our World In Data.
Mỹ: Dịch bệnh nóng trở lại, bệnh viện bắt đầu quá tải
Hiện nay, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 40.114.099 ca nhiễm COVID-19 và 657.910 ca tử vong. Những tưởng đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng trong những tuần gần đây, biến thể Delta đã khiến tình hình dịch bệnh tại Mỹ thay đổi. Chỉ trong ngày 31/8, có tới 156.002 ca nhiễm mới và 1.232 ca tử vong tại nước này. Thống kê của Đại học Johns Hopkins cho thấy trung bình mỗi ngày Mỹ có hơn 152.400 ca nhiễm COVID-19 mới, nhiều gấp 13 lần so với cách đây 9 tuần, chủ yếu vẫn do biến thể Delta gây ra.
"Biến thể Delta đã làm thay đổi tình hình" - bác sĩ Paul Offit, thành viên nhóm cố vấn vắc xin của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), nói với đài CNN. Theo bác sĩ Offit, việc Mỹ một lần nữa có hơn 100.000 ca nhập viện là điều đáng buồn và đáng tiếc vì sự chủ quan có sẵn vaccine và không lường trước sự xuất hiện của biến thể Delta.
Hiện nay, có khoảng 61% dân số Mỹ đã tiêm một mũi vaccine và 52% đã tiêm đủ 2 mũi, theo số liệu của Our World In Data. Một số bệnh viện tại Mỹ đang căng thẳng vì thiếu giường bệnh do số ca nhập viện tăng lên chóng mặt. Florida là một trong những bang bị ảnh hưởng nặng vì đợt bùng phát này, với tỷ lệ nhập viện thuộc diện cao nhất nước: khoảng 80/100.000 người.
Bên cạnh đó, một số bệnh viện tại các bang như Florida, South Carolina, Texas và Louisiana còn phải đối mặt với tình trạng thiếu oxy.
Số ca Covid ngày một nhiều lên, nhu cầu oxy y tế cũng tăng theo, vượt quá ngưỡng đáp ứng của các bệnh viện. Đó là lời nhận xét của Donna Cross - giám đốc công ty cải thiện chăm sóc y tế Premier: "Thông thường, bể oxy sẽ đầy khoảng 90%, sau đó sẽ được bơm đầy khi xuống còn 30% - 40%, giúp họ có thêm 3 đến 4 ngày dự trữ. Còn hiện tại, các bệnh viện đang phải dùng oxy ở mức 10 - 20%, nghĩa là chỉ đáp ứng được 1 - 2 ngày trước khi cạn kiệt. Đây là tình huống thực sự khẩn cấp".
Nhật Bản: Phát hiện một loại biến thể Delta mới
Nhật Bản hiện cũng đang là một trong số những điểm nóng COVID-19 của châu Á. Quốc gia này đã ghi nhận tổng cộng 1.469.327 ca nhiễm, 15.994 ca tử vong và 1.231.521 người được chữa khỏi. Đỉnh điểm dịch bệnh tại Nhật Bản là vào ngày 22/8/2021, khi số ca nhiễm trong ngày lên mức 26.121 ca. Đến ngày hôm qua 31/8, số ca nhiễm đã giảm đi một nửa, ở mức 13.638 ca và 48 ca tử vong.
Ngày 31/8, Đại học Nha khoa và Y khoa Tokyo ghi nhận ca nhiễm biến thể Delta mới đầu tiên tại Nhật Bản. Đã có 8 ca của biến thể Delta mới này được xác định bên ngoài Nhật Bản nhưng mức độ lây nhiễm của biến thể này vẫn chưa được xác định.
Biến thể Delta mới này mang đột biến L452R vốn thấy ở biến thể Delta, đồng thời mang đột biến N501S tương đồng với đột biến N501Y trên biến thể Alpha. Biến thể Delta mới này có thể có khả năng siêu lây nhiễm và khiến tình trạng bệnh của người nhiễm thêm trầm trọng.
Bệnh nhân đầu tiên nhiễm biến thể Delta mới ở Nhật Bản không có lịch sử di chuyển ra nước ngoài và nhiễm COVID-19 qua tiếp xúc cộng đồng. Đại học Nha khoa và Y khoa Tokyo tin rằng đột biến N501S có khả năng cao đã xảy ra ở Nhật Bản.
Theo Our World In Data, hiện nay Nhật Bản đã tiêm ít nhất một mũi vaccine cho 57% dân số và đủ 2 mũi vaccine cho 46% dân số.
Hàn Quốc: Lo ngại biến thể Delta, chuẩn bị tiêm mũi vaccine thứ 3
Trong ngày 31/8, Hàn Quốc ghi nhận thêm 1.370 ca nhiễm COVID-19 và 1 ca tử vong, nâng tổng số ca từ đầu dịch tới nay lên 253.445 ca nhiễm và 2.292 ca tử vong. Số ca COVID-19 ở nước này đã ở mức trên 1.000 ca trong 57 ngày liên tiếp.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tại nước này là 0,9%. Số bệnh nhân nguy kịch đã tăng gấp hơn 3 lần so với khoảng 120 ca vào đầu tháng 7, khi làn sóng lây nhiễm lần thứ 4 bắt đầu. Trong số 3.455 ca nhiễm các biến thể virus SARS-CoV-2 được thống kê trong khoảng thời gian từ ngày 22-28/8, biến thể Delta chiếm tới 99,2%.
Theo trang Our World In Data, tính đến ngày 1/9, Hàn Quốc đã tiêm mũi vaccine đầu tiên cho 57% dân số và tiêm đủ 2 mũi cho 30% dân số. Nước này cũng đặt mục tiêu sẽ đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11/2021.
Vào ngày 25/8, Ủy ban Tiêm chủng Hàn Quốc thông báo kế hoạch tiêm bổ sung mũi vaccine thứ 3 cho người đã tiêm chủng 2 mũi từ 6 tháng trở lên, ưu tiên các nhân viên y tế, người mắc bệnh mãn tính, người cao tuổi...
Ủy ban Tiêm chủng Hàn Quốc cũng khuyến nghị đưa phụ nữ mang thai và trẻ em từ 12-17 tuổi vào danh sách tiêm chủng COVID-19. Theo hãng thông tấn Yonhap, Nhóm xúc tiến ứng phó với tiêm chủng COVID-19 Hàn Quốc tuyên bố hôm 30/8 rằng phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ cao, được nhiều nước trên thế giới khuyến khích tiêm chủng. Ngoài ra, Bộ An toàn Thực Phẩm và Dược phẩm đã phê duyệt vaccine Pfizer cho người từ 12 tuổi trở lên. Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Mỹ và Nhật Bản đều đã công nhận tính an toàn củ vaccine này. Do đó, Hàn Quốc sẽ triển khai tiêm chủng cho khoảng 2,76 triệu người từ 12-17 tuổi trong quý 4/2021.
Đức: Hàng chục nghìn học sinh phải cách ly tại nhà
Tính đến ngày 1/9, nước Đức đã ghi nhận tổng cộng 3.955.418 ca nhiễm, 92.730 ca tử vong và 3.744.600 người hồi phục. Trong ngày 31/8, nước này có thêm 8.402 ca nhiễm và 59 ca tử vong. Đức đã tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 cho 65% dân số và tiêm 2 mũi cho 60% dân số.
Số ca nhiễm COVID-19 tại Đức vẫn đang ở mức cao. Trong khi đó, năm học mới đã bắt đầu và nhiều bang tại nước này đã ghi nhận số ca nhiễm tăng cao ở học sinh và giáo viên. Do đó, nhiều bang đã áp dụng lệnh cách ly dành cho học sinh.
Hiện bang Nordrhein-Westfalen đang có trên 30.000 học sinh phải cách ly tại nhà, khoảng 6.500 học sinh trong số này mắc COVID-19. Kỳ nghỉ hè ở bang đông dân nhất nước Đức này đã kết thúc vào giữa tháng 8 và dự tính số ca mắc COVID-19 sẽ tăng lên khi chỉ số lây nhiễm trong 7 ngày đang ở mức rất cao. Thời kỳ cao điểm vào tháng 11/2020, bang Nordrhein-Westfalen có tới trên 73.800 học sinh phải cách ly.
Giới chức Đức cũng đang lo ngại tình trạng lây nhiễm gia tăng ở nhóm trẻ tuổi. Chẳng hạn như tại bang Baden-Württemberg, cứ 4 ca nhiễm mới thì có 1 ca là trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Số ca nhiễm ở lứa tuổi trên 60 chỉ chiếm 7% số ca nhiễm mới.
Philippines: Ca nhiễm tăng cao, hệ thống y tế quá tải
Philippines hiện đang là tâm dịch lớn thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia khi số ca nhiễm COVID-19 không ngừng tăng lên. Trong ngày 30/8, Philippines ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, với 22.194 ca. Đến ngày 31/8, số ca nhiễm giảm xuống 13.827 ca và 118 ca tử vong. Tính đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng 1.989.857 ca nhiễm, 33.448 ca tử vong và 1.810.847 người được chữa khỏi.
Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire phát biểu: "Chúng tôi dự báo số ca nhiễm tiếp tục tăng trong những ngày tới". Theo Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể Delta siêu lây nhiễm đã trở thành biến thể chiếm ưu thế nhất tại Philippines. Nước này rất có thể phải đối mặt với một làn sóng COVID-19 mới.
Với số ca mắc tăng cao do biến thể Delta tấn công, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Philippines đang đứng trước những nguy cơ quá tải. Một số bệnh viện ở các tỉnh của Vùng 4A như Cavite, Laguna, Batangas, Rizal và Quezon đã không thể tiếp nhận bệnh nhân COVID-19. Chính quyền địa phương đã phải mở thêm các cơ sở quản lý điều trị tạm thời cho các trường hợp mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ và trung bình nhằm giải phóng giường cho các trường hợp nặng.
Ngày 28/8, chính phủ Philippines quyết định kéo dài lệnh hạn chế ở vùng thủ đô đến ngày 7/9. Một số doanh nghiệp có thể phục vụ tại chỗ với 50% công suất, song các cửa hàng, dịch vụ chăm sóc cá nhân và hoạt động tôn giáo vẫn bị đình chỉ.
Chính phủ Philippines hy vọng phục hồi kinh tế bằng chương trình tiêm chủng được bắt đầu hồi tháng 3. Đến nay, quốc gia này chỉ mới tiêm chủng một mũi vaccine cho 17% dân số và 2 mũi vaccine cho 11% dân số, vẫn còn cách rất xa mục tiêu tiêm đủ 2 mũi cho 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng.