Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. HCM (ATVSTP) vừa có thông tin cảnh báo người dân về ngộ độc nấm tự nhiên và cách sơ cứu, đề phòng ngộ độc do nấm.
Theo đó, trong thời gian vừa qua cả nước đã xảy ra các vụ ngộ độc do nấm độc tự nhiên, đây là loại ngộ độc có tỷ lệ tử vong cao và gây hậu quả nghiêm trọng. Từ đầu năm 2015 đến nay, ghi nhận hơn 12 vụ ngộ độc do nấm độc, làm 56 người mắc, 52 người đi viện và 4 người tử vong.
Nguyên nhân xảy ra ngộ độc nấm tự nhiên thường do thiếu hiểu biết về nấm, không nhận dạng được nấm độc do không có kiến thức. Khi bị ngộ độc nấm, không đưa đi viện để cấp cứu và chữa trị kịp thời. Tại TP. HCM, ngộ độc nấm thường do người dân mua nấm tại các chợ về để chế biến nhưng không biết phân biệt để mua cho đúng.
Một loại nấm độc tự nhiên
Theo Chi cục ATVSPT TP. HCM, các dấu hiệu nhận diện nấm độc, đó là nấm có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc. Bên trong thân cây nấm màu hồng nhạt, mũ nấm màu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc. Bộ phận độc nằm trong toàn bộ thể quả nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm), độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu.
Dấu hiệu nhận biết ngộ độc, đối với ngộ độc sớm thường biểu hiện sau ăn 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ. Tuỳ thuộc vào loại nấm mà có các dấu hiệu như: buồn ngủ, chóng mặt, khó chịu, giật cơ, co giật, đau ngực, thở nhanh, khó thở, tăng vận động, ảo giác, hoang tưởng…
Biểu hiện ngộ độc muộn xuất hiện sau khi ăn 6 - 40 giờ (trung bình 12 giờ) bệnh nhân nôn, đau bụng, đi ngoài lỏng dữ dội và nhiều.
Sau 1 - 2 ngày: Các biểu hiện tiêu hoá trên đỡ, người bệnh nghĩ là bệnh đã khỏi. Trên thực tế tình trạng ngộ độc vẫn tiếp diễn âm thầm ở các cơ quan khác.
Sau 3 - 4 ngày: Vàng mắt, vàng da, mệt mỏi, ăn kém, đái ít dần, phù, chảy máu nhiều nơi, hôn mê và tử vong.
Khi nạn nhân bị ngộ độc, trong vòng vài giờ sau ăn nấm nếu bệnh nhân là người trên 2 tuổi, tỉnh táo, chưa nôn nhiều. Cho bệnh nhân uống nước và gây nôn. Uống than hoạt tính liều 1gam/kg cân nặng người bệnh. Cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol. Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Ngộ độc nấm loại biểu hiện muộn cần được điều trị tại các cơ sở y tế có phương tiện hồi sức tích cực tốt thường tuyến tỉnh trở lên
Nếu người bệnh hôn mê, co giật thì cho người bệnh nằm nghiêng. Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở thì hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ.
Người bị ngộ độc nấm không tự về nhà trong 1 - 2 ngày đầu chữa trị kể cả khi các biểu hiện ngộ độc ban đầu đã hết. Ngộ độc nấm loại biểu hiện muộn cần được điều trị tại các cơ sở y tế có phương tiện hồi sức tích cực tốt thường tuyến tỉnh trở lên.
Để đề phòng ngộ độc do nấm độc thì người dân “tuyệt đối không thu hái, không chế biến và không ăn nấm mọc hoang dại, nấm lạ, không rõ nguồn gốc, nấm nghi ngờ không bảo đảm an toàn dù chỉ một lần”.
Phát hiện sớm các triệu chứng ngộ độc liên quan đến việc ăn nấm như buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài lỏng, đau đầu… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.