TPHCM cấp thẻ xanh, thẻ vàng COVID, người dân được làm gì?

Ngày 14/09/2021 12:30 PM (GMT+7)

Với thẻ xanh COVID, cá nhân, người lao động ở TPHCM sẽ được tham gia nhiều hoạt động kinh tế - xã hội.

Lộ trình 3 giai đoạn

Bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết lộ trình mở cửa, phục hồi kinh tế tại TPHCM dự kiến được thực hiện theo Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM, 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 (dự kiến từ 16/9 - 31/10), các cá nhân, lao động có thẻ xanh COVID có thể tham gia các hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).

Cá nhân, lao động có thẻ vàng COVID, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được tham gia một số lĩnh vực cụ thể. Riêng tổ chức có 100% lao động có thẻ xanh COVID được tham gia nhiều lĩnh vực (trừ những lĩnh vực kể trên). Các tổ chức có 100% lao động có thẻ xanh COVID tại bộ phận có tiếp xúc người ngoài, có lao động có thẻ xanh COVID hoặc thẻ vàng COVID tại các bộ phận còn lại được tham gia một số hoạt động.

TPHCM cấp thẻ xanh, thẻ vàng COVID, người dân được làm gì? - 1

Trong giai đoạn 2 (dự kiến từ 31/10/2021 đến 15/1/2022), TPHCM sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho đối tượng có thẻ xanh COVID gồm: trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người). Đến giai đoạn 3 (dự kiến sau 15/1/2022), TPHCM lên kế hoạch mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Riêng hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có thẻ xanh COVID.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, TPHCM phấn đấu đến ngày 15/9 cơ bản kiểm soát dịch bệnh, nới lỏng và phục hồi kinh tế, đưa thành phố về trạng thái “bình thường mới”. Quan điểm về việc nới lỏng, phục hồi kinh tế tại TPHCM là dựa trên nguyên tắc an toàn, linh hoạt theo kết quả phòng chống dịch. Tiêu chí đánh giá an toàn dựa trên thẻ xanh, thẻ vàng căn cứ trên kết quả tiêm vắc-xin.

An toàn mới sản xuất

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt không thể kéo dài đến quá sức chịu đựng của người dân và nền kinh tế. Tuy nhiên, sau ngày 15/9, nới lỏng đến mức độ nào phụ thuộc vào chuyển biến của dịch bệnh và nguy cơ của từng địa bàn bởi phương châm của TPHCM là “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.

Căn cứ các tiêu chí của Bộ Y tế, huyện Cần Giờ đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Theo Bí thư Huyện ủy Cần Giờ Lê Minh Dũng, huyện đề xuất thí điểm, từ ngày 16/9 đến 31/10, mở thêm một số hoạt động như đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, tổ chức lại hoạt động chợ truyền thống, cho phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trong dân.

Đặc biệt, Cần Giờ đề xuất mở 1 tour hoặc điểm du lịch để góp phần khôi phục dịch vụ cũng như xem xét mở lại hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời, dịch vụ ăn uống tại chỗ với quy mô nhỏ, đảm bảo giãn cách theo quy định dưới 20 người.

“Huyện mở ra dịch vụ nào sẽ có bộ tiêu chí kiểm soát dịch vụ đó. Riêng về khôi phục du lịch, huyện đã có kế hoạch, trong đó xây dựng tour du lịch khép kín, cung đường khép kín, hành khách không được đi ngang, đi dọc mà chỉ ở trong khu vực nhất định”, ông Dũng nói. Dự kiến, ngày 30/9 sẽ mở tour thí điểm đầu tiên.

Tiếp tục giãn cách đến hết tháng 9

Tại cuộc họp báo chiều tối 13/9 về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố, cho biết: "Thành phố quyết định giãn cách xã hội trên toàn địa bàn đến hết tháng 9. Trong đó, một số địa bàn kiểm soát dịch bệnh tốt có thể áp dụng theo tinh thần Chỉ thị 16- hoặc 15+ để bảo đảm kết quả phòng chống dịch bền vững để thành phố có sự chuẩn bị cần thiết cho giai đoạn mở cửa, phục hồi sau giãn cách”.

Theo đó, từ nay đến cuối tháng 9, thành phố sẽ tập trung tiêm vắc-xin mũi 1 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên, đẩy nhanh tiêm mũi 2 tất cả trường hợp tới hạn, nếu có điều kiện sẽ tiêm sớm hơn thời gian giãn cách mũi 2 để sớm bao phủ vắc-xin.

Bên cạnh đó, thành phố tập trung củng cố hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở với trạm y tế cố định tăng cường, đầu tư phát triển thêm trạm y tế lưu động, y tế công cộng, hệ thống dự phòng. Đầu tư thêm cho tầng 2 và tầng 3 để nâng cao hệ thống tiếp nhận, đảm bảo năng lực điều trị đủ sức giải quyết các vấn đề khi mở cửa kinh tế.

Vân Sơn

Bé gái 13 tuổi ở Cần Thơ được tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 Pfizer là ai?
Bé gái 13 tuổi được tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 Pfizer ở Cần Thơ là cháu, ở chung nhà một cán bộ Trung tâm y tế phường Tân Lộc.

Tin tức 24h

Theo Huy Thịnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức TP.HCM