Ngày 19/11, Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM phối hợp với Chi hội An toàn thông tin Việt Nam phía Nam (VNISA) đã tổ chức “Ngày an toàn thông tin Việt Nam” lần 7 năm 2014.
Đây là dịp để các cơ quan chức năng nhìn lại, đánh giá một cách khách quan về tình hình an ninh thông tin mạng trong năm vừa qua. Từ đó, có những định hướng, biện pháp giải quyết, đối phó với những tình huống xấu.
Các vụ tấn công mạng năm 2014 tăng 300% so với năm 2013 (Ảnh minh họa)
Theo thống kê của Sở Truyền thông – Thông tin TP.HCM, năm 2014, thành phố đã xảy ra hơn 870.000 vụ dò quét và hơn 275.000 vụ tấn công vào hệ thống mạng, tăng 300% so với năm 2013. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có nhiều nguồn IP tấn công vào hệ thống mạng Việt Nam nhất với hơn 65.000 nguồn. Các dịch vụ thường bị tấn công, dò quét nhất là cổng dịch vụ web, cổng dịch vụ chia sẻ tập tin qua mạng của hệ thống Windows, cổng dịch vụ quản trị từ xa các thiết bị mạng…
Cũng trong năm 2014, hơn 2,5 triệu hành vi tấn công ở mức độ cao nhằm vào cổng thông tin chính quyền TP cũng đã được phát hiện. Hệ thống giám sát an ninh thiết bị đầu cuối (Endpoint) của 49 đơn vị quận huyện, sở ngành đã tiêu diệt trên 600.000 mã độc, ngăn chặn hơn 45.000 hành vi có dấu hiệu vi phạm an ninh mạng từ máy chủ bên ngoài truy cập vào hệ thống máy tính trong mạng nội bộ của chính quyền thành phố…
Giải thích về vấn đề trên, đại diện Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM cho rằng, hiện nay, chúng ta còn đang thiếu nhiều nhân lực trong lĩnh vực quản trị an ninh mạng tại các đơn vị. Từ đó, dẫn đến các thiết bị tường lửa, hệ thống bảo vệ an toàn thông tin tại các quận, huyện, sở ban ngành cũng thiếu sự quan tâm, kiểm tra gắt gao.
Để giải quyết vấn đề này, việc đào tạo nguồn nhân lực, cập nhật chính sách về quản trị hệ thống cần phải được đặt lên hàng đầu, trở thành mối quan tâm không chỉ riêng ngành công nghệ thông tin mà của toàn xã hội.